Dấu ấn Hoành Sơn tại siêu dự án cảng Phước An: Thâu tóm và rời đi bằng con đường ‘không giống ai'

Ông Nguyễn Quốc Dân, cổ đông lớn của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã chứng khoán PAP), vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu PAP. Theo đó, ngày 23/5 vừa qua ông Dân đã bán ra 12,5 triệu cổ phiếu PAP, giảm lượng sở hữu từ hơn 13,8 triệu đơn vị (tỷ lệ 6,9%) xuống còn hơn 1,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,65%) và không còn là cổ đông lớn. Đây là giao dịch thỏa thuận với giá bình quân khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu, thu về gần 169 tỷ đồng.

Cái tên Nguyễn Quốc Dân đã từng gây bất ngờ tại Cảng Phước An 2 năm trước, nay lại nổi sóng. Trước đó, tháng 6/2022, những người quan tâm cổ phiếu ngành cảng biển bất ngờ khi 2 cá nhân, ông Nguyễn Quốc Dân và ông Trần Văn Nguyện, đã chi khoảng 310 tỷ đồng để mua vào tổng cộng 25,8 triệu cổ phiếu PAP từ tay Công ty TNHH MTV Hoành Sơn. Thời điểm đó Hoành Sơn thoái bớt vốn tại Cảng Phước An, giảm tỷ lệ sở hữu từ 44% xuống còn 26,8%.

Từ siêu dự án cảng quy mô gần 20.000 tỷ đồng của PVN

Nhắc tới Hoành Sơn và cảng Phước An, giới thương nhân còn nhớ tới vụ M&A đình đám, đưa siêu dự án gần 20.000 tỷ đồng từ tay cổ đông Nhà nước về tay tư nhân.

CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An thành lập tháng 5/2008, vốn điều lệ 440 tỷ đồng, do ông Trần Ngọc Dũng làm Tổng Giám đốc.

Cảng Phước An được thành lập để thực hiện việc đầu tư dự án khai thác cảng tổng hợp Phước An theo thỏa thuận đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN) và UBND tỉnh Đồng Nai. Trong đó PVN góp 79,54% và phía UBND tỉnh Đồng Nai là Tổng công ty phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi – SNZ) góp 17,05%; còn lại các cổ đông cá nhân góp 3,41%.

Dự án gồm khu cảng diện tích 183ha và khu dịch vụ hậu cần hơn 555ha, được chia làm 5 phân kỳ đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến 19.428 tỷ đồng, trong đó phân kỳ 1 có tổng mức đầu tư 1.956 tỷ đồng.

Cảng Phước An có vị trí rất thuận lợi do nằm bên bờ sông Thị Vải có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất hiện nay của Việt Nam, nằm trong vùng kinh tế động lực phía Nam - khu vực có lượng hàng container thông quan chiếm 70%, hàng tổng hợp chiếm 50% lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam. Do vậy, PVN cùng tỉnh Đồng Nai quyết định đầu tư xây dựng dự án để phục vụ nhu cầu tiếp nhận và phân phối hàng hoá cho vùng.

Mục tiêu xây dựng, khai thác cảng Phước An với khả năng đón tàu có tải trọng đến 60.000DWT, công suất 2,5 triệu TEU/năm hàng container và 6,5 triệu tấn/năm hàng tổng hợp. Đồng thời xây dựng khu dịch vụ hậu cần cảng trở thành trung tâm logistics của vùng.

9.jpeg
Siêu dự án cảng Phước An

Đến con đường pha loãng tỷ lệ sở hữu Nhà nước

Không đi theo con đường thông thường là thoái vốn PVN, mà cảng Phước An về tay tư nhân theo con đường khác. Cụ thể, tháng 7/2018 Cảng Phước An công bố kết quả chào bán riêng lẻ, theo đó công ty phát hành 46 triệu cổ phần chào bán với giá 10.000 đồng/cp. Nhà đầu tư duy nhất được chọn là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn của đại gia Hà Tĩnh Phạm Hoành Sơn.

Với 46 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ, Hoành Sơn nghiễm nhiên nắm cổ phần chi phối 51,11%, đồng thời tỷ lệ sở hữu của PVN và Sonadezi bị pha loãng xuống còn 38,89% và 8,33%. Cùng với sự xuất hiện của công ty Hoành Sơn, ông Phạm Hoành Sơn được bầu làm Chủ tịch HĐQT.

Số tiền 460 tỷ đồng huy động được, theo kế hoạch, sẽ dùng 444,43 tỷ để triển khai phân kỳ 1 dự án và 15,57 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động. Tuy vậy số tiền này chưa được giải ngân, tạm mang gửi ngân hàng do ĐHĐCĐ công ty chưa ban hành Nghị quyết thông qua cho phép triển khai đầu tư.

Cũng trong năm 2016, khi Hoành Sơn xuất hiện, cảng Phước An đề xuất xây dựng tuyến đường vào cảng Phước An theo hình thức BOT. Công ty có tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ tách tuyến đường kết nối vào cảng Phước An ra khỏi dự án, được trên 60% số cổ đông nhất trí thông qua.

Tháng 9/2017, CTCP BOT đường vào cảng Phước An được thành lập với 3 cổ đông chiến lược góp vốn, trong đó Tập đoàn Hoành Sơn góp 108 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Hằng Nga góp 3 tỷ, còn lại là cảng Phước An góp vốn. Tuy vậy chỉ công ty cảng Phước An thực góp vốn, 2 cổ đông còn lại chưa thực hiện. Đáng chú ý, cũng trong năm 2017, cảng Phước An lại cho chính Tập đoàn Hoành Sơn vay đúng số tiền 108 tỷ đồng, bằng với số tiền góp vốn vào BOT đường vào cảng Phước An.

Tháng 6/2017 công ty tiếp tục phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phần cũng với giá 10.000 đồng/cp; nhà đầu tư duy nhất tham gia lại là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, nâng tổng lượng sở hữu lên 66 triệu đơn vị (tỷ lệ 60%). Sau phát hành, cảng Phước An tăng vốn lên thành 1.100 tỷ đồng; tỷ lệ sở hữu của PVN tiếp tục bị pha loãng, giảm xuống còn 31,82%.

Ngày 5/10/2017, cảng Phước An ký hợp đồng với liên doanh giữa công ty với CTCP Thương mại và dịch vụ Nga Sơn cùng CTCP Núi Hồng về việc xây lắp phần 1 dự án Cảng Phước An. Cùng với đó Phước An rút bớt tiền gửi ngân hàng, giao 572,3 tỷ đồng, tương ứng 50% giá trị thi công, cho công ty Nga Sơn tạm ứng, ghi nhận vào mục “trả trước cho người bán dài hạn”.

Động thái cho ứng trước hơn 572 tỷ đồng từ cảng Phước An cho Nga Sơn đã lạ, thì gần 1 năm sau đó, việc Nga Sơn mang 200 tỷ đồng trả lại cho Phước An còn lạ hơn. Mang trả lại tiền, đồng thời báo cáo ghi nhận trong gần 1 năm, liên doanh do Nga Sơn đứng đầu đã nghiệm thu đợt 1 dự án với tổng giá trị hợp đồng thi công vỏn vẹn gần 17,7 tỷ đồng. Giá trị trả trước cho người bán dài hạn đối với Nga Sơn còn dư hơn 354,6 tỷ đồng.

Năm 2019 công ty Nga Sơn tiếp tục nghiệm thu hợp đồng thi công xây lắp với giá trị hơn 6,2 tỷ đồng. Cùng với đó Nga Sơn mang hơn 341,6 tỷ đồng trả lại cho cảng Phước An, dư lại hơn 6,77 tỷ đồng.

Như vậy tổng giá trị nghiệm thu hợp đồng trong 2 đợt chỉ khoảng 24,5 tỷ đồng, trong khi cảng Phước An, năm 2017, đã “mạnh tay” tạm ứng cho liên doanh Nga Sơn số tiền hơn 572 tỷ đồng.

Dấu ấn Hoành Sơn tại siêu dự án cảng Phước An: Thâu tóm và rời đi bằng con đường ‘không giống ai'
Ông Phạm Hoành Sơn

Bí ẩn liên danh Nga Sơn – Núi Hồng

Bỏ ra 660 tỷ đồng thâu tóm, trở thành cổ đông chi phối cảng Phước An, Hoành Sơn của ông chủ Phạm Hoành Sơn nhận lại được gì?

Về tình hình kinh doanh, cảng Phước An chưa ghi nhận doanh thu nhiều năm liền do cảng chưa đi vào khai thác. Nguồn thu chính đến từ doanh thu tài chính khi một số khoản tiền tăng vốn có thời gian gửi ngân hàng. Còn lại phần lớn thời gian từ khi thành lập, cảng Phước An báo lỗ.

Về phía Hoành Sơn, bỏ ra 660 tỷ đồng trong 2 đợt phát hành riêng lẻ đầu tiên của cảng Phước An, nắm quyền chi phối, Hoành Sơn nhận được những gì?

Thứ nhất phải nói về liên doanh Nga Sơn - Núi Hồng, đây là đơn vị mang lại “món lợi” lớn nhất cho Hoành Sơn. Trên thực tế, cơ cấu sở hữu của Nga Sơn cho thấy đây cũng chính là “người nhà” của hệ sinh thái Hoành Sơn. Bí ẩn Nga Sơn - Núi Hồng ra sao? liên quan đến Hoành Sơn thế nào? sẽ bật mí ở kỳ sau.

Ngay khi về tay Hoành Sơn, cảng Phước An đã chi hơn 572 tỷ đồng cho Nga Sơn tạm ứng 50% giá trị xây lắp dự án. Trong khi đó vài năm sau, thực tế nghiệm thu phần xây lắp cũng chỉ xấp xỉ 25 tỷ đồng. Phần còn lại hơn nửa nghìn tỷ đồng, Hoành Sơn dùng thoải mái vài năm mới phải trả lại.

Ngoài ra, HĐQT quyết định thành lập công ty BOT đường vào cảng Phước An, mang tiền đi góp vốn, trong khi các cổ đông còn lại không góp. Tiền góp vốn này lại quay ra cho Tập đoàn Hoành Sơn vay. Thành lập và không hoạt động, vài năm sau đó, khi hoàn thành ‘sứ mệnh’, công ty BOT đường vào cảng Phước An bị giải thể.

Trong suốt thời gian nắm quyền chi phối tại cảng Phước An, hệ sinh thái Hoành Sơn còn phát sinh nhiều khoản vay tiền hàng trăm tỷ đồng từ công ty.

screenshot-2024-05-29-at-06.24.43.png
Dự án cảng Phước An

Con đường thoái vốn ‘chẳng giống ai’

Bằng cách mua riêng lẻ cổ phần, Hoành Sơn nhanh chóng nắm quyền chi phối, dần nâng tỷ lệ sở hữu tại cảng Phước An, trong khi đó cổ đông Nhà nước PVN bị pha loãng dần tỷ lệ do không tham gia quá trình tăng vốn.

Song “cuộc chơi” của Hoành Sơn tại siêu dự án này cũng không kéo dài, sau thời gian ứng và vay xấp xỉ nghìn tỷ đồng cho các công ty liên quan, Hoành Sơn thoái vốn tại cảng Phước An theo một cách hoàn toàn “lạ”: Tự bán mình cho Tuấn Lộc. Cụ thể, ông Phạm Hoành Sơn bán vốn tại công ty mẹ của cảng Phước An - Công ty TNHH MTV Hoành Sơn - cho đối tác, một công ty con của Tuấn Lộc.

Về tay Tuấn Lộc, Hoành Sơn tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu bằng động thái bán 25,8 triệu cổ phiếu cho 2 cá nhân (nêu đầu bài). Cảng Phước An sau đó còn 2 lần tăng vốn, hiện ở mức 2.000 tỷ đồng.

Tuy thoái vốn, nhưng hơn 1 năm sau đó, ông Phạm Hoành Sơn mới chính thức rời ghế Chủ tịch HĐQT cảng Phước An, thay vào đó là một người từng là “sếp” tại Tổng công ty Tín Nghĩa, ông Nguyễn Thành Đạt.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn