Dấu ấn Thái Hưng Group ở cổ phiếu BCA
Mời đọc trước:Đằng sau đà tăng 'shock' của cổ phiếu BCA
Là nhà đầu tư đời đầu ở Thái Nguyên, CTCP Thương mại Thái Hưng (Thái Hưng) không chỉ là doanh nghiệp thép có tiếng ở địa phương mà còn được biết tới là một trong những tay chơi lớn trên thị trường gang thép của cả nước với 30 năm hoạt động trong lĩnh vực này.
Tận dụng thế mạnh kinh doanh trong ngành thép, năm 2023, Thái Hưng đã thỏa thuận và giao dịch thành công thương vụ mua lại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang (TQIS). Đây là chủ đầu tư Nhà máy Gang Thép Tuyên Quang khởi công xây dựng tháng 12/2009 tại khu công nghiệp Long Bình An, tỉnh Tuyên Quang, hiện nhà máy này có công suất lên đến 550.000 tấn thép các loại/năm.
Dù vậy, như Nhadautu.vn đã đề cập, tháng 12/2023, CTCP B.C.H (mã BCA) đã mua lại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang từ nhà đầu tư nước ngoài. Dữ liệu này cho thấy mối quan hệ giữa BCA và nhà chủ Thái Hưng Group không chỉ dừng lại ở mức "một khách hàng lớn và lâu năm" như BCA đã từng đề cập vào năm 2021.
Để tường minh hơn, dữ liệu của người viết thể hiện người được BCA ủy quyền nắm giữ 100% vốn tại TQIS chính là ông Nguyễn Duy Luân - Phó Tổng giám đốc Thái Hưng, đồng thời cũng đứng tên tại một số doanh nghiệp có liên hệ với Thái Hưng. Sinh năm 1973, ông Nguyễn Duy Luân từng là trưởng phòng kinh doanh tại Công ty Thái Hưng (năm 2003-2006), sau đó làm Thành viên HĐQT CTCP Thép Việt Ý (tên viết tắt: Visco, mã VIS). Đến năm 2018, doanh nhân này được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT BCA, cho đến năm 2022 vị trí này được chuyển sang cho ông Phạm Bá Phú - người đang nắm 9,08% vốn BCA.
Hiện nay, ông Phạm Bá Phú cùng 2 thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị của BCA, nên biết cũng đều có "gốc" Thái Hưng. Đầu tiên là ông Phạm Bá Phú, doanh nhân này sinh năm 1983, từng có hơn một thập kỷ công tác tại CTCP Thương mại Thái Hưng, như vị trí Tổ trưởng tổ hàng hóa nhập khẩu rồi đến phó trưởng phòng xuất nhập khẩu. Còn ông Đặng Ngọc Hưng (cổ đông lớn nắm 5,93% vốn BCA) đang là Phó Tổng giám đốc CTCP Thép Việt Ý (tên viết tắt: Visco, mã VIS) - pháp nhân từng là công ty con của Thái Hưng trước khi tỷ lệ sở hữu giảm về còn 20% như hiện nay.
Cái tên còn lại là ông Nguyễn Tống Thắng - Thành viên HĐQT độc lập BCA cũng đảm trách qua nhiều vị trí tại Thái Hưng như nhân viên hành chính (từ 2015-2016) hay Trưởng bộ phận truyền thông và thương hiệu (năm 2017-2020).
Chưa dừng lại tại đó, dấu ấn của Thái Hưng tại BCA còn được thể hiện qua nhiều nghiệp vụ tài chính khác.
Giai đoạn 2020-2023, BCA liên tục phát sinh các khoản phải trả nhà cung cấp với Thái Hưng với giá trị hàng trăm tỷ đồng, như năm 2021 là 247,5 tỷ đồng còn năm 2020 là 290 tỷ đồng. Sang năm 2023 là khoản trả trước cho người bán ngắn hạn 186,7 tỷ đồng. Hướng ngược lại, BCA ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn với Công ty TNHH Thương mại Thái Hưng - Thành viên thuộc Thái Hưng và hơn 443 tỷ đồng với CTCP Đầu tư Le Mont.
Le Mont là pháp nhân được thành lập vào tháng 7/2020, trụ sở đặt tại Khu đô thị Crown Villas tỉnh Thái Nguyên. Đây là dự án bất động sản đầu tiên được Thái Hưng đầu tư vào năm 2018. Dự án có quy mô hơn 35 ha, tổng mức đầu tư là 2.100 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Le Mont là bà Lê Thị Hồng Hạnh - người đã cùng bà Nguyễn Thị Vinh (Tổng giám đốc Thái Hưng) góp vốn thành lập CTCP Giáo dục và Đào tạo Eco Valley Việt Nam vào năm 2021.
Cũng trong năm vừa qua, BCA còn phát sinh khoản phải trả người bán lên đến 282 tỷ đồng với CTCP Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu. Trước đó trong các năm từ 2020 - 2022, BCA cũng liên tục đầu tư vào cổ phiếu của Dương Hiếu và đến cuối năm 2023 đang nắm 4,8%. Hướng ngược lại, Dương Hiếu cũng rót 2,3 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu BCA.
Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật hiện nay của Dương Hiếu là bà Nguyễn Thị Dung, người đồng thời từng là Phó Tổng giám đốc Thái Hưng và là Thành viên HĐQT BCA.
Ở chi tiết đáng chú ý khác, năm 2014, BCA đã tạm dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất phôi thép và từ năm 2016 đến nay cho Thái Hưng thuê dây chuyền này để làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng với giá cho thuê thỏa thuận tối đa bằng 3,5% giá trị tài sản định giá được ngân hàng chấp thuận. Điều này được lãnh đạo BCA khẳng định không ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục của công ty xong đây là vấn đề liên tục được kiểm toán nhấn mạnh trong các năm qua.
Trở lại với thương vụ M&A của BCA với Gang thép Tuyên Quang, khoản lợi nhuận đột biến gần 400 tỷ đồng mang nhiều tính kỹ thuật trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang sôi động sẽ mở ra nhiều dư địa lớn với BCA, chẳng hạn như chia thưởng, chia cổ tức để tăng mạnh vốn, xa hơn là đẩy tiếp các tài sản khác của nhóm chủ lên sàn chứng khoán.
Xem thêm tại nhadautu.vn