Đầu năm mới, sóng tỷ giá đã sớm ập đến

Những kỷ lục mới của giá USD

Tỷ giá USD/VND sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ tăng dữ dội, liên tục tạo lập đỉnh cao mới. Ngày 13/2, tỷ giá trung tâm giữa VNĐ với USD là 24.572 đồng/USD, cao nhất từ trước đến nay. Tính từ phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán đến ngày 13/2, tỷ giá trung tâm tăng tổng cộng 247 đồng.

Cùng với điều chỉnh tỷ giá trung tâm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ 3 liên tiếp nâng giá bán USD tham khảo tại Sở Giao dịch ngày 13/2 thêm 23 đồng lên 25.750 đồng/USD. Đây là mức cao nhất lịch sử.

Trước đó, ngày 11/2, NHNN lần đầu tiên tăng giá bán USD kể từ cuối tháng 10/2024 thêm 248 đồng, từ 25.450 đồng/USD lên mức 25.698 đồng/USD. Ngày 12/2, tỷ giá bán USD tham khảo đắt thêm 29 đồng/USD.

Như vậy, tỷ giá bán USD tham khảo đã tăng 300 đồng/USD chỉ trong 3 ngày.

Giới phân tích nhận định, NHNN tăng giá bán can thiệp nhằm giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm 2024.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD ngày 12/2 đã tăng lên mức cao nhất lịch sử, giá bán lên sát 25.800 đồng/USD.

Ngày 12/2, Vietcombank giao dịch USD với giá 25.417-25.777 đồng/USD (mua - bán). Các ngân hàng khác cũng bán USD trong khoảng 25.770-25.775 đồng/USD.

Từ đầu tháng 2 tới ngày 12/2, giá USD ngân hàng tăng thêm khoảng gần 500 đồng/USD, tức khoảng 1,8% so với trước đó.

Giá USD ngân hàng tăng trong bối cảnh chỉ số đồng USD (DXY) duy trì mốc cao trên thị trường quốc tế còn giới đầu tư lo ngại về cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

Trước đó, USD đã hạ nhiệt vào tháng 1 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không lập tức áp thuế sau khi nhậm chức vào ngày 20/1. Điều này đã khiến tỷ giá rời khỏi mức cao gần 25.500 đồng/USD, giảm xuống quanh mức 25.100 đồng/USD trong suốt tháng 1.

Nhưng sự bình ổn ngắn ngủi nhanh chóng bị phá vỡ khi ông Trump ký phê duyệt đợt thuế quan đầu tiên trong nhiệm kỳ mới vào ngày 1/2, áp dụng với Mexico, Canada và Trung Quốc, trước khi đồng ý hoãn thuế đối với Mexico và Canada thêm 1 tháng.

USD biến động nhanh, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp điều hành để duy trì tỷ giá. Đầu năm 2025, NHNN đã có một cách tiếp cận mới trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối. Theo đó, thay vì bán USD giao ngay với giá 25.450 đồng/USD, NHNN đã cung cấp các hợp đồng kỳ hạn (có kèm quyền chọn hủy) cùng mức giá 25.450 đồng/USD.

Liên tục từ sau Tết Nguyên đán, NHNN bơm ròng tiền qua thị trường mở. Ngày 13/2, NHNN bơm ra thị trường 11.367 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, hút về 5.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày.

Đây là lần đầu tiên lãi suất hút về giảm nhẹ, xuống còn 3,97%/năm, trong khi lãi suất bơm ra duy trì ở mức 4%/năm. Lãi suất bình quân tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm từ 0,02 - 0,27% ở các kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãi suất tiền đồng hiện xấp xỉ lãi suất USD, dao động từ 4,36 - 4,55%/năm. Diễn biến này trái ngược với thời gian trước, lãi suất tiền đồng thường thấp hơn USD. Điều này giảm phần nào áp lực lên tỷ giá.

Tới ngày 13/2, các ngân hàng đột ngột giảm mạnh giá USD khoảng 120 - 140 đồng sau khi tăng cao những ngày trước đó. Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD cũng sụt giảm mạnh, hạ 145 đồng chỉ qua 1 ngày.

Giá USD ngày 14/2 ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Giá USD trên thị trường liên ngân hàng giảm thêm 35 đồng, xuống còn 25.415 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giảm giá USD tiếp 40-70 đồng. Vietcombank mua - bán USD còn 25.190-25.580 đồng/USD.

Không những vậy, giá bán USD tham khảo giảm 10 đồng, xuống còn 25.740 đồng/USD. Giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do giảm 20 đồng, xuống 25.600 đồng/USD chiều mua, bán ra là 25.705 đồng/USD.

Ứng phó với tỷ giá trong 2025

Tỷ giá USD/VND vẫn đối mặt với thách thức khi cuộc chiến thương mại có thể tiếp tục hỗ trợ đồng USD trong thời gian tới.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, trong trường hợp Mỹ gia tăng lạm phát, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không giảm lãi suất, trong khi Việt Nam giảm lãi suất thì càng gây áp lực lên tỷ giá. Với lập trường thận trọng hơn của Fed về việc cắt giảm lãi suất cùng với những bất ổn từ thuế quan và Trung Quốc, tỷ giá USD/VND trong năm 2025 có khả năng duy trì xu hướng tăng.

Chứng khoán MB (MBS) nhận định, thách thức đối với tỷ giá USD/VND vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong thời gian tới. MBS kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động từ 25.500 - 25.800 đồng/USD trong quý I/2025.

Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo, VND sẽ mất giá khoảng 3% so với USD trong năm 2025.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, những biến động của tỷ giá thường mang tính thời điểm. Trong trường hợp đồng USD suy yếu trong nửa cuối năm 2025 sẽ tạo ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tỷ giá cuối năm 2025 có thể ở mức 26.200 đồng/USD nếu các yếu tố vĩ mô diễn biến theo kỳ vọng. Nhưng vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: thặng dư thương mại tích cực, lượng vốn FDI giải ngân dồi dào và du lịch phục hồi mạnh mẽ. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.

Nhóm nghiên cứu của VCBS cũng chỉ ra, với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thì dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến các quốc gia bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam. Kiều hối tiếp tục là điểm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025. Cán cân thương mại tiếp tục được dự báo thặng dư trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để ứng phó với các biến động mạnh của tỷ giá USD/VND, biện pháp quan trọng là điều tiết thị trường tiền tệ để mặt bằng lãi suất VND ở mức tương đối cao. Hay nói cách khác là xoay chiều chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt dần dần, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ về vốn cho các lĩnh vực hoặc dự án trọng điểm để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định tỷ giá và thị trường tiền tệ.

Còn PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận, để giảm áp lực với tỷ giá, cơ quan điều hành có thể điều tiết thị trường tiền tệ như đã thực hiện trong năm 2024. Theo đó, áp dụng các công cụ của thị trường mở để đẩy mặt bằng lãi suất nhích dần lên. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ xuất khẩu và tận dụng lợi thế từ việc Mỹ áp thuế cao với các thị trường khác, tiếp tục cải cách môi trường đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới để tăng lượng ngoại hối vào Việt Nam.

Trong khi đó, theo TS. Bùi Duy Tùng, Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, dự trữ ngoại hối không phải là công cụ duy nhất để ổn định tỷ giá. Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp khác như điều chỉnh chính sách lãi suất, kiểm soát dòng vốn và thúc đẩy xuất khẩu để giảm áp lực lên tỷ giá.

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2025, nhiều yếu tố bất trắc, khó dự báo có khả năng gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn