Đầu tư Thế giới Di động (MWG) "trông vào" chuỗi Bách hóa Xanh

MWG dự kiến mở thêm ít nhất 50 cửa hàng Bách hóa Xanh trong năm 2024 và 100 - 200 cửa hàng trong năm 2025

MWG dự kiến mở thêm ít nhất 50 cửa hàng Bách hóa Xanh trong năm 2024 và 100 - 200 cửa hàng trong năm 2025

Cổ phiếu thoái trào

Giá cổ phiếu MWG có diễn biến tăng trong 8 tháng đầu năm 2024, nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh phục hồi từ mức nền thấp trong năm 2023, đồng thời dòng tiền trên thị trường chứng khoán quay trở lại nhóm bán lẻ.

Tuy nhiên, từ ngày 23/8 đến 22/11/2024, cổ phiếu MWG giảm 15,7%, từ 70.000 đồng/cổ phiếu về 59.000 đồng/cổ phiếu, xuống dưới đường MA 200.

Ngoài động thái chốt lời thì việc cổ đông nội bộ bán ra, cổ đông lớn giảm sở hữu khiến giá cổ phiếu MWG “quay đầu”. Cụ thể, trong tháng 9/2024, nhóm cổ đông Dragon Capital đã bán 1,96 triệu cổ phiếu MWG, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG Nguyễn Đức Tài bán 1 triệu cổ phiếu; cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2024, ông Đặng Minh Lượm, thành viên Hội đồng quản trị MWG bán 1 triệu cổ phiếu…

Bên cạnh đó, nhà đầu tư e ngại về tình trạng bão hoà của chuỗi Điện máy Xanh, chuỗi Thế giới Di động và áp lực cạnh tranh với các trang thương mại điện tử gia tăng khi Temu tham gia bán hàng tại thị trường Việt Nam.

Dù giá điều chỉnh, nhưng dữ liệu trên iBoard của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, cổ phiếu MWG hiện có định giá P/E là 32,06 lần và P/B là 3,53 lần, vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình P/E giai đoạn 2016 - 2022 là 12,71 - 17,56 lần.

Trước áp lực cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, các cửa hàng hiện hữu vẫn có lợi thế nhất định.

“Các sản phẩm có giá trị lớn như điện lạnh cần phải lắp đặt tận nơi, mô hình kinh doanh online sẽ khó khăn hơn vì dù giá rẻ hơn nhưng không phải ai sẵn sàng bỏ vài triệu đồng chỉ để tiết kiệm vài trăm nghìn đồng. Nếu mua hàng online, khi có sự cố về hàng hoá, khách hàng cũng sẽ rất khó khăn”, ông Tài nói.

Kỳ vọng vào chuỗi Bách hóa Xanh

Trong bối cảnh có sự bão hoà của chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, MWG đang hướng trọng tâm tới chuỗi Bách hoá Xanh và Erablue (chuỗi điện máy tại Indonesia).

Đối với chuỗi Bách hoá Xanh, sau 2 năm tập trung tái cấu trúc, đóng cửa các cửa hàng kém hiệu quả, MWG dự kiến mở thêm ít nhất 50 cửa hàng trong năm 2024, từ 100 - 200 cửa hàng trong năm 2025, tập trung ở các tỉnh miền Nam và thử nghiệm ở miền Trung.

Ông Nguyễn Đức Tài cho biết, chuỗi Bách hóa Xanh sẽ cân nhắc mở rộng ra thị trường miền Bắc trong năm 2025, nhưng ở quy mô thử nghiệm, chứ chưa có ý định rầm rộ, do Bách hóa Xanh mở rộng tại thị trường miền Trung cũng có thể tạo ra động lực tăng trưởng.

Đối với chuỗi Erablue, MWG dự kiến nâng số lượng từ hàng từ 86 lên 150 vào năm 2025. Chiến lược của Erablue là kinh doanh ngoài đường, thay vì trong trung tâm mua sắm; tạo dịch vụ khác biệt bao gồm khâu phục vụ, khâu bảo hành, giao lắp và giá cả cạnh tranh.

Thực tế, MWG từng phải đóng cửa không ít cửa hàng Bách hoá Xanh ở thị trường trong nước, đóng cửa các cửa hàng tại Campuchia, còn hoạt động đầu tư chuỗi điện máy Trần Anh, chuỗi nhà thuốc An Khang không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Chính vì vậy, dù lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm 2024 của MWG tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023, đạt 2.881 tỷ đồng, nhưng vẫn ở mức thấp so với giai đoạn bình thường 2019 - 2022 lãi từ 3.836 - 4.901 tỷ đồng.

Với sự gia tăng các chi phí một lần và biên lợi nhuận thấp hơn trong quý III và dự kiến cả quý IV/2024, Công ty Chứng khoán Bảo Việt đã hạ dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2024 của MWG từ 4.523 tỷ đồng xuống 3.934 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, biên lợi nhuận ròng quý IV/2024 của MWG có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí bán hàng tăng (khuyến mãi, quảng cáo mùa cao điểm) và sản phẩm có tỷ trọng doanh thu cao như iPhone thường có biên lợi nhuận thấp.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn