Đầu tư Thương mại SMC (SMC) muốn đổi trụ sở sau thông tin bán trụ sở năm 2024

Đầu tư Thương mại SMC (SMC) muốn đổi trụ sở sau thông tin bán trụ sở năm 2024

Ngày 19/3 tới đây, Đầu tư Thương mại SMC sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tại Đại hội sắp tới, Đầu tư Thương mại SMC trình cổ đông Báo cáo tình hình kinh doanh năm 2024, kế hoạch kinh doanh năm 2025, kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024… và đặc biệt là tờ trình thay đổi địa chỉ trụ sở chính.

Được biết, hiện tại, trụ sở của Đầu tư Thương mại SMC tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Tuy nhiên, trong năm 2024 do khó khăn tài chính, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp từ thanh lý tài sản, bán toà nhà trụ sở, chuyển quyền sử dụng đất tại nhà máy Đà Nẵng, thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG), cắt giảm nhân sự …

Mặc dù vậy, kết thúc năm 2024, Đầu tư Thương mại SMC vẫn ghi nhận lỗ năm thứ ba liên tiếp khi lỗ 269,65 tỷ đồng và tính tới ngày 31/12/2024, nâng tổng lỗ luỹ kế 438,5 tỷ đồng, bằng 59,5% vốn điều lệ.

Với tình hình kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã nhắc nhở về khả năng huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu SMC khi mà Công ty đã lỗ hai năm liên tiếp 2022-2023 và nếu trong Báo cáo kiểm toán năm 2024 tiếp tục lỗ, việc huỷ niêm yết là không tránh khỏi.

Thực tế, trong hơn hai năm qua, bên cạnh việc kinh doanh gặp khó do giá thép giảm sâu, Công ty SMC còn gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ, đặc biệt liên quan tới nợ xấu của công ty xây dựng, chủ đầu tư bất động sản gặp khó về thanh khoản.

Tại Đại hội đầu năm 2024, khi nói về hướng xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch HĐQT Đầu tư Thương mại SMC cho biết: “Nếu không xử lý được khoản nợ, Công ty sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý II, nâng tổng gần 300 tỷ đồng trong cả năm 2024. Trong đó, Đầu tư Thương mại SMC nhất định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm 30/6, các phương án xử lý bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ và nếu kế hoạch xử lý nợ khả thi, Đầu tư Thương mại SMC đều chấp nhận”.

Tuy nhiên, xem xét Báo cáo tài chính năm 2024, danh sách nợ xấu tại thời điểm 31/12/2024, Đầu tư Thương mại SMC đã tăng dự phòng nợ xấu thêm 109,9 tỷ đồng lên 663,2 tỷ đồng và bằng 51,44% tổng các khoản phải thu có nguyên cơ mất vốn. Trong đó, danh sách nợ xấu toàn các các công ty bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền và vẫn chưa biết thời điểm có thể thu hồi công nợ.

Thêm nữa, dù chuyển đổi 104,8 tỷ đồng nợ phải thu của Công ty cổ phần Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) trong năm 2024 nhưng Đầu tư Thương mại SMC đã ngay lập tức trích lập dự phòng 49,5 tỷ đồng, bằng 47,2% tổng giá trị nợ chuyển đổi thành cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/2, cổ phiếu SMC tăng 50 đồng lên 5.940 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn