Đẩy trụ không thành, thị trường kết tuần “nhạt”
Khi VIC, CTG, FPT, TCB được kéo lên đồng loạt gần cuối phiên, tưởng như VN-Index sẽ có một phiên cuối tuần tăng tích cực tạo đà cho thị trường sau kỳ nghỉ. Tuy nhiên sự kém đồng thuận ở nhóm trụ một lần nữa gây thất vọng, chỉ số đóng cửa chỉ còn một nửa mức tăng tốt nhất trong phiên và thị trường không thể thoát khỏi trạng thái giằng co biên độ hẹp.
Đáng tiếc nhất là VIC khi gần 2h đã tăng cao nhất tới 2,26% so với tham chiếu. Cho đến cuối đợt khớp lệnh liên tục trụ này vẫn còn tăng 1,36%, nhưng đến đợt ATC lượng bán tương đối lớn trong khi cầu kém đã ép giá cổ phiếu này rơi trở lại tham chiếu, đánh mất toàn bộ sức mạnh. Nhiều cổ phiếu lớn khác cũng không thể giữ được đà tăng đến cuối phiên, như VNM trả lại tới 1,2% so với mức đỉnh, đóng cửa chỉ còn tăng 0,54%; GVR để mất 1,26% còn tăng 0,14%. Loạt cổ phiếu VRE, BID, GAS, MSN thậm chí đảo chiều thành giảm.
VN-Index mất lực đỡ cuối ngày chỉ còn tăng 2,4 điểm tương đương 0,19%, còn một nửa biên độ tăng tối đa trong phiên. VN30-Index vẫn có được một số trụ còn mạnh như TCB tăng 1,52%, FPT tăng 0,82%, MWG tăng 1,01%, HDB tăng 1,28% nên chốt phiên tăng 0,37% với độ rộng tốt 17 mã tăng/8 mã giảm.
Diễn biến trong phiên dù có trụ kéo lên nhưng cũng không thật sự tăng rõ rệt. Cổ phiếu đại đa số chỉ dao động hẹp theo hướng phân hóa vốn có. Thêm nữa dòng tiền quá kém khiến các cơ hội bùng nổ ở cổ phiếu riêng lẻ cũng khó bền vững. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE hôm nay giảm tiếp 5% so với hôm qua, đạt 12.116 tỷ đồng, xuống đáy 11 phiên.
Độ rộng suốt phiên của VN-Index không cho thấy sự áp đảo của bên nào. Tại đỉnh lúc 2h27 chiều, cũng chỉ có 199 mã tăng/196 mã giảm. Tại đáy chỉ số lúc 10h10 sáng, có 151 mã tăng/173 mã giảm. Kết phiên HoSE có 202 mã tăng/180 mã giảm. Đây là trạng thái giằng co tương tự các phiên đi ngang trước đó khi tỷ lệ tăng/giảm không biến động nhiều. Thêm nữa, trong số 202 mã tăng cuối phiên, chỉ 65 mã tăng hơn 1%, tập trung 20,1% tổng giá trị khớp của sàn. Trong 180 mã giảm cũng chỉ có 50 mã giảm quá 1%, tập trung 10,7% tổng khớp. Như vậy đại đa số cổ phiếu ở trạng thái dao động hẹp và tập trung hầu hết dòng tiền, dù mức thanh khoản hôm nay cũng rất thấp.
Nhóm cổ phiếu blue-chips chỉ xuất hiện duy nhất 3 cổ phiếu tăng hơn 1% là TCB, MWG và HDB, trong đó MWG và TCB lọt vào Top 10 thanh khoản cao nhất thị trường, đạt tương ứng 367,4 tỷ và 307,8 tỷ đồng. Nhóm tăng giá cao và thanh khoản tốt còn lại đều thuộc Midcap như DGC tăng 2,16% khớp 466,3 tỷ; DXG tăng 1,29% khớp 177 tỷ; TCH tăng 1,09% khớp 121,5 tỷ; EIB tăng 1,64% với 116,4 tỷ; FTS tăng 1,86% với 109,7 tỷ. Ngay cả khi có nhiều đại diện tăng khỏe, hút tiền thì chỉ số đại diện rổ Midcap cũng chỉ tăng 0,22% so với tham chiếu và độ rộng cân bằng 34 mã tăng/31 mã giảm. Một số cổ phiếu nhỏ khớp hơn chục tỷ đồng thanh khoản đạt biên độ tăng trên 3% là SAV, NAF, SJS, SGR, TNH, PVP, HVN.
Phía giảm giá trừ DIG không có cổ phiếu nào bị xả đột biến. DIG vẫn đang chịu áp lực mạnh khi từ đầu tuần đến nay đã giảm 7,8%. Thanh khoản hôm nay của DIG lên tới 744,7 tỷ đồng dẫn đầu thị trường và giá giảm 2,73%. Số ít cổ phiếu khác thanh khoản vài chục tỷ đồng với giá giảm đáng chú ý là DBC giảm 1,22%, NTL giảm 1,32%, NKG giảm 1,36%, HAG giảm 1,84%, CII giảm 1,28%, TLG giảm 2,41%, ANV giảm 1,09%...
Việc VN-Index hụt hơi cuối phiên hôm nay là một điều đáng tiếc, nhưng cũng không làm thay đổi gì nhiều trạng thái đi ngang biên độ hẹp kéo dài. Chỉ số vẫn tiếp tục dao động trong vùng đỉnh quanh 1300 điểm. VN30-Index có biểu hiện mạnh hơn, đã tiến sát đỉnh cao nhất hồi tháng 6 nhờ sự luân phiên xoay vòng tăng giá ở các mã lớn. Dù vậy tâm lý thị trường sẽ có sự “đứt đoạn” khi kỳ nghỉ bù chắn ngang. Thêm nữa dòng tiền chưa sẵn sàng hành động khi thanh khoản tuần này chỉ đạt trung bình 15.035 tỷ đồng/phiên khớp lệnh hai sàn, giảm 13% so với tuần trước.
Xem thêm tại vneconomy.vn