Đẩy vốn rẻ ra nền kinh tế

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng (NH) năm 2024 do NH Nhà nước tổ chức mới đây, lãnh đạo nhiều NH thương mại cho rằng lãi suất không phải vấn đề lúc này mà bài toán hiện tại chính là sức cầu của nền kinh tế vẫn yếu, doanh nghiệp (DN) không có nhu cầu vay vốn, đồng thời nợ xấu gia tăng thời gian qua buộc các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt điều kiện vay vốn.

Muốn vay nhưng khó tiếp cận

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (chuyên về mật ong và các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu mật ong), xác nhận trong giai đoạn hiện nay nhiều DN còn hoạt động cầm chừng để chờ tín hiệu phục hồi kinh tế rõ nét hơn nên chưa có nhu cầu vay vốn để đầu tư. 

Một số DN quy mô vừa và nhỏ có nhu cầu vốn nhưng gặp vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn NH. Bản thân công ty ông đang có kế hoạch mở thêm mảng sản xuất trái cây sấy và nước trái cây đóng lon trong năm 2024 nhưng do không tìm được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý nên phải chuyển sang gọi vốn để thực hiện dự án. 

"Lãi suất NH đã xuống mức thấp, có thể nói là rất rẻ trong vòng nhiều năm nhưng DN muốn vay được vốn rẻ phải tất toán hợp đồng vay cũ. Vấn đề là họ không có nguồn để tất toán, cũng không dám mạo hiểm tìm mọi cách để tất toán bởi không có gì bảo đảm trả xong có vay lại được không" - ông Vũ nêu thực tế.

Ngoài ra, lãi suất cho vay càng thấp thì DN càng khó tiếp cận do quy trình thủ tục, điều kiện cho vay siết chặt hơn trước. DN phải có hồ sơ đẹp với tài chính tốt, có lợi nhuận, doanh thu tăng… Trong khi đó, sau dịch COVID-19, thị trường đi xuống, DN sản xuất nông sản thực phẩm bị ảnh hưởng lớn, doanh thu giảm, rất khó có hồ sơ tài chính đẹp. 

"Nhiều công ty, trong đó có Xuân Nguyên, chấp nhận hòa vốn hoặc giảm lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Có DN chấp nhận lỗ tạm thời để giữ ổn định chất lượng, giữ vững thương hiệu, thị phần nhưng như vậy lại bị mất điểm với NH, không đủ điều kiện để được xét cho vay" - ông Vũ bộc bạch.

Các ngân hàng thương mại đang triển khai nhiều giải pháp cùng lúc để tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay Ảnh: TẤN THẠNH

Các ngân hàng thương mại đang triển khai nhiều giải pháp cùng lúc để tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, bà Ngô Bích Quyên, Giám đốc điều hành Công ty CP Vạn Sơn Thịnh Phát (chuỗi cửa hàng Organicfood), phản ánh DN của bà được xếp vào lĩnh vực dịch vụ nên không được tiếp cận các gói lãi suất ưu đãi, mà chỉ có thể vay vốn thương mại bình thường với lãi suất lên tới 13% - 17%/năm trong khi tỉ suất lợi nhuận của công ty chỉ hơn 10%/năm nên không thể vay, chưa kể DN bán lẻ không có nhiều tài sản bảo đảm nên hạn mức cho vay rất thấp.

Cũng theo bà Quyên, trong giai đoạn nhà nước hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Organicfood có được vay gói ưu đãi nhưng chỉ hơn 100 triệu đồng, rất thấp so với nhu cầu. "Chúng tôi là DN bán lẻ thực phẩm hữu cơ, một mắt xích trong chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn nhưng không được hỗ trợ về tín dụng cũng khiến cho đầu ra nông sản hữu cơ gặp khó" - bà Quyên nói.

Theo bà Quyên, DN có nhu cầu vay vốn lưu động khoảng hơn 1 tỉ đồng với lãi suất 5% - 8% để duy trì và phát triển, giảm bớt việc phải vay ngoài, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hữu cơ. "Là DN bán lẻ, chúng tôi có dòng tiền mặt chạy hằng ngày, khi vay tiền tại NH nào thì chúng tôi sử dụng dịch vụ tại NH đó để họ kiểm soát dòng tiền, bảo đảm cho khoản vay" - bà Quyên kiến nghị.

Cần chiến lược kích cầu quy mô lớn

Tại hội nghị ngành NH vừa diễn ra, các NH thương mại cho biết ngay từ đầu năm 2024 đã triển khai hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp nhằm kích thích nhu cầu vay vốn từ thị trường, khách hàng cá nhân và DN. Nhưng con số tăng trưởng tín dụng tháng 1 của cả hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023, cho thấy bức tranh kinh tế vẫn còn khó. 

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách VietinBank, nói trên cơ sở hạn mức tăng trưởng tín dụng, ngay từ đầu năm NH đã cắt giảm lãi suất, bám sát chỉ đạo của NH Nhà nước, đẩy vốn tín dụng ra. Tuy nhiên, để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế phải có chiến lược kích cầu ở quy mô cả nước cùng vào cuộc. Riêng với thị trường bất động sản, mấu chốt vẫn là tiếp tục gỡ khó về pháp lý cho các dự án, chứ không chỉ là câu chuyện giảm lãi suất.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cũng cho rằng cùng với chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt, mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm để hỗ trợ DN, rất cần những giải pháp vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN thuộc các lĩnh vực, nhất là những dự án bất động sản.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết tín dụng tăng trưởng hay không phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hai tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam chưa cải thiện nhiều - tình trạng DN ngưng hoạt động còn nhiều, sức mua yếu kém, xuất khẩu phục hồi chậm… Từ đó, nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế sụt giảm dẫn đến tăng trưởng tín dụng của tháng 1-2024 bị âm.

Để vực dậy tín dụng, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, kích thích sức mua. Khi đó, DN mới có nhu cầu vay vốn để tiếp tục sản xuất - kinh doanh. 

Mặt khác, Chính phủ cần thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng quốc gia để hỗ trợ những DN có tiềm năng nhưng không còn tài sản thế chấp. Đồng thời, nhà nước cần đưa ra nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm dòng tiền mới và tăng việc làm cho người lao động. 

Cải thiện quy trình thủ tục cho vay

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết năm 2023 NH này đã có 6 lần điều chỉnh giảm lãi suất và ngay đầu năm nay tiếp tục giảm thêm một lần nữa. Để thúc đẩy tín dụng, NH đang triển khai gói tín dụng 60.000 tỉ đồng cho các khách hàng vay để tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu… với mức lãi suất vay giảm từ 1,5 - 2,5 điểm %, một số khách hàng được vay với lãi suất thấp hơn cả mức huy động đầu vào của NH.

"NH đang tập trung cải thiện quy trình thủ tục, áp dụng công nghệ, dữ liệu dân cư vào hoạt động cho vay để tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn. Chúng tôi cũng cam kết đẩy mạnh giải ngân các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trọng điểm" - ông Vượng nói.

(Còn tiếp)

Xem thêm tại cafef.vn