DBD vọt lên đỉnh, FPT lập kỷ lục vốn hóa

Kết thúc tuần giao dịch 25-29/11, thị trường chứng khoán tiếp tục nối dài chuỗi ngày hồi phục. Chỉ số VN-Index tăng hơn 22 điểm so với tuần trước, lên mức 1.250,46 điểm. Mặc dù thị trường tăng điểm, tuy nhiên thanh khoản có phần sụt giảm so với tuần trước.

Trong xu hướng hồi phục của thị trường, nhiều cổ phiếu đã bứt phá mạnh mẽ. So với nhóm vốn hóa lớn, nhóm penny và midcap có phần tích cực hơn với đà tăng trưởng từ 15% - 20%.

HoSE: DBD vọt lên đỉnh, FPT lập kỷ lục vốn hóa

Trên sàn HoSE, DC4 của Công ty CP Xây Dựng DIC Holdings là cổ phiếu tăng mạnh nhất. Với mức tăng 18,36%, vốn hóa của DIC Holdings đạt gần 875 tỷ đồng. Tại DIC Holdings, Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG) là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ gần 36% vốn công ty.

Xếp thứ hai là cổ phiếu TPC của Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng với đà tăng 17,75%. Mặc dù ghi nhân đà tăng mạnh về giá, tuy nhiên thanh khoản của cổ phiếu TPC chỉ ở mức nhỏ giọt. Với hơn 22,5 triệu cổ phiếu lưu hành, vốn hóa của Nhựa Tân Đại Hưng chỉ đạt hơn 207,4 tỷ đồng.

Nhờ dòng tiền gia tăng đáng kể, cổ phiếu DBD của Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) đứng ở vị trí thứ ba. Tuần qua, mã này đã xác lập kỷ lục mới về giá cũng như vốn hóa. Tính theo mức giá 56.400 đồng/cp, vốn hóa Bidiphar đã vượt 5.270 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi được niêm yết.

Về kết quả kinh doanh, quý 3/2024, Bidiphar báo lãi sau thuế 75 tỷ đồng, tăng 11,61% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Bidiphar báo lãi sau thuế 214 tỷ đồng, tăng 2,11% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng hơn 4,4 tỷ đồng.

Sau DBD, cổ phiếu VCA đứng thứ 4 với đà tăng 14.35%. Chiếu theo mức giá đóng cửa phiên 29/11, vốn hóa của Công ty CP Thép Vicasa - VNSTEEL đã tăng lên hơn 147 tỷ đồng. Nhịp tăng mạnh của cổ phiếu VCA diễn ra ngay sau thời điểm Tổng công ty Thép Việt Nam quyết định thoái 65% vốn tại VNSTEEL. Giá khởi điểm của thương vụ này là 24.158 đồng/cổ phần, gấp 2,5 lần thị giá cổ phiếu tại ngày 29/11.

Xếp thứ năm trong nhóm là cổ phiếu CIG của Công ty CP COMA 18 với đà tăng 13,09%. Với nhịp tăng mạnh về giá và thanh khoản, cổ phiếu CIG hiện đang hướng tới vùng đỉnh tháng 9/2022, tương ứng mức giá 9.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu còn lại trong top 10 tăng mạnh bao gồm: MCP (+12,73%), HTL (+12,56%), EVG (+11,72%), KHG (+9,47%), FUC (+9,12%).

Mặc dù không lọt top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE, tuy nhiên cổ phiếu FPT vẫn gây được sự chú ý khi vượt đỉnh. Tính theo mức giá 144.300 đồng/cp, vốn hóa của tập đoàn FPT đã vượt 212.275 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh sàn bao gồm: NO1 (-24,06%), MDG (-14,23%), STG (-12,57%), VRC (-10%), L10 (-9,69%), DTT (-9,09%), TCO (-9,01%), SFC (-8,37%), LM8 (-7,27%), TDW (-6,53%).

HNX: DHT uptrend thế kỷ, cổ đông ngoại mạnh tay mua vào

Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất bao gồm: VC7 (+22,83%), BXH (+21,82%), KHS (+14,05%), DHT (+10,37%), PCT (+9,82%), GIC (+9,66%), PTS (+9,59%), KST (+9,52%), DTC (+9,52%), BBS (+8,91%).

Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là: VCM (-20%), VTJ (-15,56%), QTC (-13,64%), PTD (-13,41%), ARM (-10,45%), TMX (-9,9%), SSM (-9,80%), CTT (-9,7%), GDW (-9,15%), VHL (-9,09%).

Trong nhóm trên, cổ phiếu DHT là cổ phiếu có thị giá cao nhất, đạt 90.500 đồng/cp. Tính theo mức giá này, vốn hóa của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây ước đạt gần 7.500 tỷ đồng.

Mặc dù cổ phiếu DHT đã tăng hơn 4 lần so với thời điểm đầu năm, tuy nhiên ASKA Pharmaceutical - cổ đông lớn nhất của công ty vẫn liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hà Tây. Trong tháng 11, ASKA đã mua thành công 500.000 cổ phiếu DHT. Gần đây nhất, hãng dược Nhật Bản vừa đăng ký mua gần 2,16 triệu cổ phiếu trong giai đoạn từ 03/12 - 31/12/2024.

Nếu giao dịch trên hoàn tất, ASKA sẽ nâng sở hữu tại Dược Hà Tây lên 38,2%, tương đương gần 31,5 triệu cổ phiếu. Động thái này thể hiện rõ tham vọng thâu tóm Dược Hà Tây của ASKA. Nếu sở hữu 38,2% vốn doanh nghiệp, ASKA sẽ có quyền phủ quyết các quyết định đặc biệt quan trọng của công ty.

Theo tìm hiểu, ASKA Pharmaceutical là doanh nghiệp dược phẩm đến từ Nhật Bản. Năm 2020, công ty trở thành cổ đông lớn của Dược Hà Tây khi mua vào 6,6 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ, đạt tỷ lệ sở hữu 24,9%.

Trên UPCoM, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là TRT (+70%), KHW (+58,16%), EMG (+40%), NXT (+38,18%), L43 (+35,29%), HFC (+32,39%), DWC (+30,39%), DKC (+28,57%), VMG (+27,27%), SBL (+23,81%).

Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là: GLW (-35%), BBH (-25,73%), DNH (-20,45%), GGG (-19,44%), TT6 (-19,19%), FCS (-18,18%), ECO (-16,48%), PEG (-16%), BQB (-15%), TRS (-14,78%).

Xem thêm tại vietnamfinance.vn