Để chứng khoán Việt “thăng hạng”

Thị trường Việt Nam phải được nâng hạng

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng thị trường chứng khoán có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.

Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. Ngân hàng Thế giới đánh giá cao và đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là ưu tiên việc nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE Russell trước, nhưng cần lưu ý rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI.

Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh rằng, việc phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước rất quan trọng để đồng hành và cân bằng dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó sự đa dạng hóa đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - VSS) là chìa khóa. Đa dạng hóa đầu tư của VSS vào chứng khoán doanh nghiệp không chỉ giúp quỹ đầu tư hiệu quả hơn về lâu dài, mà còn mở rộng cơ sở nhà đầu tư và giúp ổn định và phát triển thị trường vốn trong nước. Một khoản phân bổ khiêm tốn vào chứng khoán doanh nghiệp của VSS có thể đồng nghĩa với việc có thêm hàng tỷ USD tài trợ cho khu vực doanh nghiệp. Những cải cách tổng thể trong lĩnh vực lương hưu có thể mang lại khoản đầu tư mới lên tới 25 tỷ USD vào khu vực doanh nghiệp vào năm 2030.

Nhu cầu đầu tư ngày càng tăng ở Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu phải đi kèm với các sản phẩm tài chính chất lượng cao, đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ sinh thái lành mạnh, bao gồm sự giám sát chặt chẽ, công bố thông tin rõ ràng và xếp hạng tín dụng đáng tin cậy.

Mạng lưới nhà đầu tư tổ chức cần mở rộng hơn nữa

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Việt Nam

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua, là nguồn cung cấp vốn huyết mạch cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, đánh giá chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, là chìa khóa của giá trị vốn dài hạn của Việt Nam. Thị trường chứng khoán giúp tăng khả năng đầu tư cho cả nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Để thị trường phát triển hơn nữa, vấn đề hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn cần được chú trọng, không ngừng phát triển. Đặc biệt là mạng lưới nhà đầu tư tổ chức ở Việt Nam cần được mở rộng hơn nữa.

Thị trường vốn ở Việt Nam là thị trường biến động nhất khu vực, nên cần kiểm soát vấn đề biến động, không ngừng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đây là yếu tố quan trọng.

Vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn. Chúng tôi rất ủng hộ và mong sớm ra đời Đối tác bù trừ trung tâm của Việt Nam (CCP) cho thị trường chứng khoán, đây là biện pháp giúp nâng hạng thị trường. Nếu chưa triển khai CCP thì phải tính đến vấn đề cơ cấu lại khi xác minh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nếu làm được thì sớm nghiên cứu và chọn thí điểm các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.

Ngoài ra, Việt Nam nên sớm nghiên cứu thúc đẩy phát triển Trung tâm tài chính.

Cần thực hiện đồng bộ và có mốc thời gian cụ thể cho từng mục tiêu

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 28/2 cho thấy tinh thần quyết liệt của Chính phủ và sự quyết tâm rất lớn của các bên trong mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam bền vững, chuyên nghiệp. Là một thành viên tham gia thị trường, tôi cho rằng, đây là một tín hiệu rất tích cực, xuất hiện đúng lúc, trong bối cảnh thị trường vẫn còn ít nhiều lo ngại rằng tới đây còn có vụ việc sai phạm nào sắp bị khui ra hay không, nhất là gần đây, kết luận điều tra bổ sung vụ án thao túng thị giá chứng khoán diễn ra tại Tập đoàn FLC đã đề nghị truy tố 7 cán bộ ngành chứng khoán…

Sự quyết tâm có rồi, đường hướng có rồi, các vấn đề tồn tại cũng được nhận diện đầy đủ, câu chuyện còn lại là để thị trường chứng khoán ổn định, phát triển bền vững thì cần thực hiện đồng bộ và có mốc thời gian cụ thể cho từng mục tiêu. Ví dụ, mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, chúng ta cố gắng thực hiện sớm nhất có thể là năm 2025, nhưng đây là câu chuyện liên quan đến nhiều bên. Đến giờ, một số kế hoạch vẫn chưa được cụ thể hóa, chẳng hạn giao dịch “refunding” (tỷ lệ ký quỹ trước giao dịch) sẽ giao cho ai, có giao về đầu công ty chứng khoán hay không… vẫn chưa được làm rõ.

Nói chung, thị trường đang tồn tại một số vấn đề nhiều năm rồi chưa giải quyết được. Chính phủ nên thể hiện quyết tâm hơn nữa bằng việc đưa ra các vấn đề cần giải quyết để thực hiện đồng bộ và có mốc thời gian cụ thể cho những mục tiêu phải làm, đồng thời phải văn bản hoá các cam kết này. Có như vậy, mới giải quyết được vấn đề nhanh chóng và phát triển thị trường như kỳ vọng.

Cần chống tình trạng đội lái và đầu cơ

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Ở góc độ thị trường, để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, cần chống tình trạng đội lái và đầu cơ để thị trường minh bạch, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, khi đó, họ mới dám gắn bó lâu dài với thị trường. Giải pháp có thể thực hiện nhanh chóng là công khai sổ lệnh (vẫn bảo mật thông tin nhà đầu tư) để thị trường biết có dấu hiệu của hiện tượng đầu cơ hay lũng đoạn thị trường hay không. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ để phát hiện những giao dịch bất thường, cảnh báo cho cơ quan quản lý và nhà đầu tư.

Thứ hai, cần tăng cường công tác đào tạo cho nhà đầu tư, bởi hơn 95% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là nhà đầu cơ và nhỏ lẻ, nên tính đầu cơ của thị trường rất cao, đồng nghĩa thị trường không thể bền vững. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc các sở giao dịch có thể tổ chức những khoá học online miễn phí cho nhà đầu tư để cung cấp kiến thức đầu tư cơ bản, hoặc kết hợp với công nghệ, AI, chatbox để giải đáp thắc mắc cho nhà đầu tư.

Thứ ba, cần có chiến lược phát triển nhà đầu tư tổ chức và xem đó như động lực để phát triển bền vững thị trường, vì Việt Nam có tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường còn thấp. Đây là điều ngược lại so với các thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới, số lượng nhà đầu tư cá nhân ít mà họ chủ yếu uỷ thác đầu tư.

Ở góc độ cơ quan quản lý, thứ nhất, cần đẩy nhanh tiến độ để nâng hạng thị trường, sửa đổi quy định, vận hành hệ thống KRX càng sớm càng tốt, tung thêm sản phẩm mới ra thị trường… Khi thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ thu hút được các tổ chức quốc tế chỉ tập trung đầu tư ở các thị trường mới nổi, qua đó đưa một lượng vốn lớn đổ vào thị trường.

Thứ hai, tổ chức thực hiện “niêm yết chéo” sang thị trường như Singapore, Malaysia, Thái Lan... Điều này sẽ giúp thị trường Việt Nam được quan tâm nhiều hơn và chúng ta sẽ có sự liên thông với thị trường chứng khoán quốc tế.

Việc thành lập trung tâm thanh toán bù trừ là điểm mấu chốt

Trung tâm Phân tích Nghiên cứu, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC)

Liên quan đến các rào cản đối với việc nâng hạng thị trường, trong báo cáo đánh giá gần nhất của cả 2 tổ chức MSCI và FTSE trong năm 2023, Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chí và cần phải cải thiện, điều chỉnh để sớm được nâng hạng thị trường bao gồm: Thành lập Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP); cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao tính minh bạch cũng như chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp trên thị trường (thời gian, ngôn ngữ bằng tiếng Anh); hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; cải thiện vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng như quy trình đăng ký tài khoản mở mới cho nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.

Trong số các vấn đề trên, việc thành lập CCP được coi là điểm mấu chốt khi cả hai tổ chức FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Với việc nỗ lực đưa hệ thống KRX vào vận hành sớm nhất (bước tiến quan trọng về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán) và tìm kiếm phương án khả thi để gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (công cụ quản lý rủi ro quan trọng hàng đầu của CCP) của các cơ quan quản lý, chúng ta kỳ vọng các nút thắt này sẽ kịp thời được tháo gỡ trước đợt xem xét nâng hạng thị trường của FTSE vào tháng 9/2025.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn