Đề nghị đánh giá kỹ tác động, hiệu quả việc bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 15, ngày 23/10/2024, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Theo báo cáo của Vietcombank, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 là 27.702 tỷ đồng (tương đương 49,564% vốn điều lệ). Vietcombank đề xuất được tăng vốn điều lệ từ các nguồn trên với số tiền 27.666 tỷ đồng (để đảm bảo tỷ lệ làm tròn tỷ lệ 49,5%). Phần lợi nhuận còn lại 36 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào các đợt phát hành sau. Vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng. Sau khi phát hành tăng thêm 27.666 tỷ đồng, vốn điều lệ của Vietcombank là 83.557 tỷ đồng. Với phương án này, phần lợi nhuận được chia cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu là 20.695 tỷ đồng. Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietcombank. |
Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng.
Nguồn này từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc bổ sung vốn nhằm giúp Vietcombank duy trì và phát huy vai trò chủ lực trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp cũng như đảm bảo mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tới năm 2026 đạt 13,5%.
Đồng thời tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định nền kinh tế.
Đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước (NSNN), báo cáo của Chính phủ cho rằng, phần lợi nhuận còn lại luỹ kế đến năm 2018 và năm 2021 của Vietcombank là lợi nhuận còn lại sau khi đã nộp thuế, trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, hiện được hạch toán, theo dõi tại Vietcombank và không phải khoản mục thu NSNN theo quy định của Luật NSNN.
Do vậy, nguồn vốn Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ không có tác động đến NSNN, không nằm trong dự toán thu chi ngân sách giai đoạn 2021-2025.
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà Ủy ban Kinh tế quan tâm và đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn là kế hoạch sử dụng vốn và tác động của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước.
Theo đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại Vietcombank trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước.
Trong đó, trọng tâm mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng tín dụng, thực thi các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất...
Hơn nữa, có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, thấu đáo hơn đối với hiệu quả việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, trong đó tác động tới chính ngân hàng, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư.
Có ý kiến còn đề nghị làm rõ nhận định về việc nguồn vốn Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ không có tác động đến NSNN.
Để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài (là Ngân hàng Mizuho Corporate Bank hiện đang nắm giữ 15% vốn điều lệ của Vietcombank), bảo đảm sự đồng thuận, khả thi trong quá trình thực hiện tăng vốn điều lệ.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý phần lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023 (lần lượt là 21.680 tỷ đồng và 25.009 tỷ đồng) theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường năng lực tài chính cho Vietcombank, bù đắp mức thiếu hụt vốn tự có, bảo đảm an toàn hoạt động.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn