Đề xuất cơ quan có thẩm quyền mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương. |
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
Theo Bộ GTVT, căn cứ pháp luật về đối tác công tư, pháp luật về đường bộ, việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT; trường hợp cần thiết, theo đề nghị của địa phương, Thủ tướng có thể giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên trong điều kiện yêu cầu tiến độ rất gấp, phải phê duyệt chủ trương đầu tư, khởi công dự án trong quý II/2025 theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, phương án Bộ GTVT làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án sẽ không cần thực hiện thủ tục thỏa thuận thống nhất giữa các địa phương để báo cáo Thủ tướng quyết định giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền (dự kiến mất ít nhất từ 1 đến 2 tháng).
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã phối hợp, hỗ trợ, đồng hành trong quá trình nhà đầu tư đề xuất dự án lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên có thể rút gắn thời gian thẩm định chủ trương đầu tư dự án.
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và trên cơ sở ý kiến của UBND các tỉnh Long An và Tiền Giang, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chính thức giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương có liên quan và Nhà đầu tư Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để thống nhất phương án tổ chức thực hiện, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bảo đảm có thể thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ngay sau khi Luật Đường bộ có hiệu lực và Quy hoạch mạng lưới đường bộ điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt.
Vào tháng 8/2022, để sớm đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực, Bộ GTVT đã họp với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Long An, Tiền Giang; đồng thời đã có văn bản đề nghị 3 địa phương phối hợp, thống nhất giao UBND TP.HCM hoặc UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương; UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Tuy nhiên đến thời điểm này, chưa có địa phương nào đề xuất với Thủ tướng hoặc Bộ GTVT để được giao làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư và theo quy định của Luật PPP, Bộ GTVT đã giao Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - Công ty cổ phần Tasco là nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án do Liên danh Đèo Cả - CII – Tasco đề xuất, Dự án sẽ đầu tư mở rộng khoảng 91 km tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, quy mô đầu tư 6-8 làn xe (đoạn TP.HCM - Trung Lương quy mô 8 làn xe, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe) phù hợp với bề rộng nền đường đã được giải phóng mặt bằng.
Với quy mô đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư Dự án PPP mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là 38.693 tỷ đồng, đã bao gồm 7.597 tỷ đồng hoàn trả vốn ngân sách ứng trước cho Dự án xây dựng đường ô tô cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1).
Xem thêm tại baodautu.vn