Đề xuất đầu mối chủ quản đầu tư Dự án đường băng số 2 sân bay Phù Cát

Cảng hàng không Phù Cát - Bình Định.
Cảng hàng không Phù Cát - Bình Định.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi lãnh đạo Chính phủ liên quan đến việc xác định đơn vị chủ quản đầu tưDự án hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, Cảng hàng không Phù Cát.

Theo đó, trước sự cần thiết phải sớm xây dựng đường cất hạ cánh số 2 của Cảng hàng không Phù Cát và trong bối cảnh Bộ GTVT, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chưa thể cân đối vốn để đầu tư ngay trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT ủng hộ việc giao UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình khác thuộc khu bay.

Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét giao UBND tỉnh Bình Định là cơ quan chủ quản Dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay của Cảng hàng không Phù Cát; hoàn thiện các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.

Bộ GTVT đề xuất việc sử dụng ngân sách địa phương của UBND tỉnh Bình Định được thực hiện theo quy định sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia được Quốc hội thông qua.

Chính phủ  giao Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Bình Định trong quá trình thực hiện.

Trước đó, Trước đó, Bộ GTVT đã xây dựng 2 phương án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 của Cảng hàng không Phù Cát.

Cụ thể, phương án 1 - doanh nghiệp Cảng hàng không Phù Cát tổ chức thực hiện đầu tư. Do ACV hiện là doanh nghiệp cảng hàng không Phù Cát, có trách nhiệm đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 theo quy hoạch được phê duyệt.

Tuy nhiên, ACV cho biết là đơn vị này đang tập trung nguồn vốn để đầu tư các dự án lớn, trọng điểm ngành hàng không như Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đồng thời ACV đã và đang thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp các Cảng hàng không khác như Điện Biên, Cát Bi, Đồng Hới, Cà Mau… nên chưa thể cân đối nguồn vốn để thực hiện Dự án hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, Cảng hàng không Phù Cát trong giai đoạn này.

Phương án thứ 2 là nhà nước trực tiếp đầu tư Dự án hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, Cảng hàng không Phù Cát.

Đối với trường hợp Nhà nước trực tiếp đầu tư, Bộ GTVT cho biết là pháp luật về hàng không dân dụng không quy định cụ thể về trách nhiệm đầu tư của ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương.

Do vậy, trường hợp Bộ GTVT tổ chức thực hiện đầu tư Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền giao cho Bộ GTVT được tập trung ưu tiên phát triển các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Quốc hội.

Vì vậy, hiện Bộ GTVT không có khả năng cân đối vốn để đầu tư Dự án ngay trong giai đoạn này.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Định đã sẵn sàng bố trí khoảng 1.513 tỷ đồng (trong đó khoảng 1.008 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng) để đầu tư Dự án ngay trong giai đoạn này.

Về đề xuất hỗ trợ khoảng 1.500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là hiện nay cấp có thẩm quyền chưa ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến nên chưa có cơ sở xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cho UBND tỉnh Bình Định thực hiện đầu tư.

Tuy nhiên, trường hợp Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và kéo dài thời gian thực hiện sang giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tiếp tục được bố trí vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư công (dự án chuyển tiếp thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước), bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công.

Liên quan đến quy định sử dụng vốn ngân sách địa phương để thực hiện Dự án, theo Bộ Tài chính, hiện nay Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo hướng cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn.

Vì vậy, việc sử dụng ngân sách địa phương của UBND tỉnh Bình Định được thực hiện theo quy định sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua gồm: Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã có tờ trình đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án triển khai đầu tư Cảng hàng không Phù Cát. Các hạng mục dự kiến triển khai gồm xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay; xây dựng di chuyển các công trình quân sự để bàn giao đất phục vụ xây dựng mở rộng khu hàng không dân dụng; xây dựng khu hàng không dân dụng.

Trong đó, giai đoạn trước mắt, cho phép triển khai đầu tư ngay hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay, với tổng mức đầu tư khoảng 3.013 tỷ đồng (giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 1.008 tỷ đồng), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù giao UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình khác thuộc khu bay từ nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý (bao gồm nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khoảng 1.500 tỷ đồng).

Xem thêm tại baodautu.vn