Đề xuất giải pháp đặc biệt “cứu” dự án chống ngập tại TP.HCM
Các phương án cấp vốn đều “tắc”
Sau 4 năm tạm dừng dù khối lượng thi công đã đạt hơn 90%, nhưng Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn I (gọi tắt là Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) đến nay vẫn bế tắc trong việc cấp vốn để thi công phần còn lại.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 14682/SKHĐT-PPP gửi UBND TP.HCM về việc hoàn thiện phương án tháo gỡ vướng mắc Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của đơn vị này, vướng mắc lớn nhất của Dự án chính là việc không thể tiếp tục huy động 1.800 tỷ đồng để thi công hoàn thành gần 10% còn lại của công trình.
Vướng mắc trên xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước đã thu nợ tái cấp vốn đối với Ngân hàng BIDV khoảng 3.560 tỷ đồng. Vì vậy, BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư dự án) để trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn giải ngân tái cấp vốn.
Thậm chí, nếu Ngân hàng Nhà nước gia hạn giải ngân khoản vay tái cấp vốn, BIDV vẫn không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư do Dự án chưa đủ điều kiện để UBND TP.HCM thanh toán, dù Thành phố đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn và quỹ đất thanh toán.
Để giải quyết vướng mắc trên, TP.HCM nhiều lần đề xuất với Trung ương các phương án như: ban hành Nghị quyết của Chính phủ để ủy thác từ ngân sách thành phố cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình; cho vay từ Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố; sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); thanh toán bằng ngân sách và quỹ đất theo tiến độ khối lượng công trình hoàn thành đã được kiểm toán… Thế nhưng, tất cả những phương án đều chưa được thống nhất giữa các cơ quan trung ương do vướng mắc về quy định của pháp luật hiện hành.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, đến hết tháng 8/2024, chi phí lãi vay phát sinh do Dự án chậm tiến độ là 2.429 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày lãi phát sinh 1,73 tỷ đồng). Đến nay, tổng mức đầu tư của Dự án theo tính toán của nhà đầu tư tăng từ 9.976 tỷ đồng lên 14.398 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã nhiều lần đề nghị UBND TP.HCM điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án và thanh toán quỹ đất để giảm số lãi phát sinh. Tuy vậy, do vướng các quy định của pháp luật, nên chính quyền TP.HCM cũng bất lực.
Đề xuất giải pháp “đặc biệt”
Trước nhu cầu cấp bách của TP.HCM trong giải quyết tình trạng ngập do triều cường ngày càng nghiêm trọng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có quyết sách tháo gỡ mang tính đặc thù để sớm hoàn thành công trình, đưa vào khai thác. Do vậy, Sở đề xuất Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản trình Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép Thành phố được tiến hành thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư bằng quỹ đất và bằng tiền tương ứng khối lượng công trình hoàn thành.
Giá trị thanh toán dựa trên cơ sở chi phí đầu tư của Dự án đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán tại từng thời điểm.
Song song với thanh toán cho nhà đầu tư, Thành phố có trách nhiệm rà soát lại toàn diện quá trình thực hiện Dự án (nếu có) để xử lý theo quy định, hoàn tất các thủ tục để điều chỉnh Dự án theo đúng quy định.
Một giải pháp nữa được kỳ vọng sẽ tháo gỡ cho Dự án là sửa Luật PPP đang được Quốc hội bàn thảo. Nếu được thông qua ngay tại kỳ họp tháng 11/2024, thì tháo gỡ được vướng mắc cho Dự án.
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, nếu được Quốc hội thông qua việc sửa Luật PPP, thì sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thực hiện các dự án BT, trong đó có Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.
Phương án trình Quốc hội đã đưa ra các quy định nhằm xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BT chuyển tiếp. Trong đó, cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Xem thêm tại baodautu.vn