Đề xuất lùi hạn ‘về đích’ dự án sân bay Long Thành

Đây là nội dung trong tờ trình Bộ GTVT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (HKQT).

Theo Bộ GTVT, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cảng HKQT Long Thành hoàn thiện được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, giai đoạn 1 của dự án chỉ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, trường hợp sân bay phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên đường cất hạ cánh, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ phải đóng vai trò hỗ trợ.

Quá trình triển khai xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nhận thấy việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 bên cạnh và cách đường cất hạ cánh số 1 khoảng 400m để đưa vào khai thác đồng bộ (cùng giai đoạn 1) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Theo đó, đường cất hạ cánh số 3 có thể đáp ứng tốt nhu cầu khai thác khi 1 đường cất hạ cánh trục trặc. Theo quy hoạch, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có thể phục vụ 50 triệu hành khách/năm, tương ứng phục vụ trung bình khoảng 830 lượt cất hạ cánh/ngày đêm. Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải hàng không khu vực Đông Nam Bộ khoảng 71 triệu hành khách/năm, tương ứng phục vụ trung bình khoảng 1.190 lượt cất hạ cánh/ngày đêm.

Đề xuất lùi hạn ‘về đích’ dự án sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026.

Trong trường hợp Cảng HKQT Long Thành phải tạm dừng khai thác có sự cố trên đường cất hạ cánh, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng thêm khoảng 360 lượt cất hạ cánh/ngày đêm để hỗ trợ.

"Việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của sân bay Long Thành , khi 1 đường cất hạ cánh xảy ra sự cố, không phải chuyển sang sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, trong giai đoạn 2, trường hợp 1 trong 3 đường cất hạ cánh gặp sự cố, 2 đường cất hạ cánh còn lại của sân bay Long Thành vẫn có thể phục vụ được 50 triệu hành khách/năm", Bộ GTVT lý giải.

Theo Bộ GTVT, sơ bộ tổng mức đầu tư đường cất hạ cánh số 3 khoảng 3.455 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nhỏ và vẫn nằm trong tổng mức đầu tư dự án thành phần 3.

Về thời gian điều chỉnh thực hiện giai đoạn 1 đến năm 2026, Bộ GTVT cho rằng, tiến độ thực hiện đầu tư đường cất hạ cánh số 3 mất khoảng 24 tháng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư (gồm thời gian chuẩn bị khoảng 12 tháng và thi công khoảng 12 tháng).

Trong trường hợp được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2024 sẽ hoàn thành đường cất hạ cánh số 3 vào cuối năm 2026.

Ngoài ra, tại tờ trình, Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh chủ trương, cho phép Chính phủ được quyết định đầu tư với từng giai đoạn của dự án mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua (trước khi quyết định đầu tư).

Xem thêm tại cafef.vn