Đề xuất nâng vốn Dự án Nhà máy may Triệu Phong Quảng Trị
Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy may Triệu Phong được UBND tỉnh Quảng Trị cấp quyết định chủ trương đầu tư số ngày 7/4/2016 với tổng mức đầu tư 108,9 tỷ đồng. Dự án do Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ làm chủ đầu tư.
Theo đề xuất mới nhất của Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ, dự án Đầu tư xây dựng nhà máy may Triệu Phong được nâng tổng mức đầu tư từ 108,9 tỷ đồng lên 179,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là 112,5 tỷ đồng, chiếm 62,6% tổng vốn đầu tư của dự án; vốn vay từ các tổ chức tín dụng 67,2 tỷ đồng.
Theo lý giải của Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ, việc điều chỉnh nâng vốn là do thay đổi số lượng, chủng loại máy móc thiết bị cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn hóa của nhà máy. Bên cạnh đó là ảnh hưởng bởi yếu tố trượt giá theo thời gian. Và doanh nghiệp bổ sung thêm các đầu mục công việc trong quá trình thực hiện triển khai dự án để phục vụ nhu cầu sản xuất trong từng giai đoạn.
Dự án nhà máy may Triệu Phong đã đi vào hoạt động trong giai đoạn 1 |
Bên cạnh điều chỉnh nâng vốn, nhà đầu tư cũng đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện các hạng mục còn lại của dự án từ “tháng 9/2022 đến tháng 12/2023” sang “từ tháng 12/2023 đến tháng 12/2024”.
Theo lý giải của đơn vị này, việc điều chỉnh là do trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát, làm kìm hãm các chỉ tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt đối với hàng dệt may do không phải là nhóm hàng thiết yếu nên tỷ lệ sụt giảm rất cao, tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 6,6%, và thấp hơn cả năm 2019 là thời điểm trước dịch.
Đối với Tổng công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2023 giảm 9,91% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho rằng, những khó khăn nêu trên của ngành dệt may đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ năm 2023, kéo theo kế hoạch đầu tư dự án nhà máy may Triệu Phong phải điều chỉnh theo thực tế sản xuất kinh doanh.
Cũng theo doanh nghiệp này cho biết, tại dự án nhà máy may Triệu Phong, hiện đơn vị này đã hoàn thành xong các bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của sở xây dựng, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy (PCCC) của phòng cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ; đồng thời đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình đến UBND huyện Triệu Phong.
Theo UBND huyện Triệu Phong cho biết, đến nay Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ đã thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư, được thuê đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; triển khai các nội dung đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2020; hoàn thành giai đoạn 2 đưa vào sử dụng từ tháng 8/2022. Do vậy, địa phương thống nhất đối với đề xuất điều chỉnh dự án của Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cho biết, hiện nay Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ đã được UBND tỉnh Quảng Trị cho thuê đất để thực hiện dự án (tại Quyết định số 2594/QĐ-UBND ngày 26/9/2019) với diện tích 49.268m2. Đến nay, việc sử dụng đất của Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ chưa chậm tiến độ sử dụng đất được quy định theo Luật Đất đai.
Về lĩnh vực môi trường, dự án Đầu tư xây dựng nhà máy may Triệu Phong của Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại vào tháng 10/2019.
Được biết, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ có trụ sở tại đường Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào tháng 1/2007. Doanh nghiệp có vốn điều lệ đăng ký 360 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn