Đến lượt Phó Tổng giám đốc SBT đăng ký bán hết 8,1 triệu cổ phiếu

Bà Đoàn Vũ Uyên Duyên thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa - TTC AgriS (mã SBT-HOSE).

Theo đó, bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó Tổng Giám đốc SBT vừa đăng ký bán toàn bộ 8,1 triệu cổ phiếu SBT. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 25/7 đến ngày 23/8 bằng phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh. Mục đích nhằm cơ cấu danh mục đầu tư.

Nếu giao dịch thành công, bà Duyên sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu SBT. Động thái bán ra của bà Duyên diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này đang dần hồi phục trở lại sau pha lao dốc giữa tháng 4.

Tạm tính với giá đóng cửa ngày 23/7 là 12.850 đồng/cổ phiếu, ước tính trị giá lô cổ phiếu trên là gần 105 tỷ đồng.

Trước đó, bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật SBT đăng ký bán 70 triệu cổ phiếu SBT nhằm cơ cấu danh mục. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 12/7 đến 10/8, theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.

Nếu giao dịch thành công, bà Ức My sẽ giảm sở hữu tại TTC AgriS từ hơn 144,97 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 19,02% xuống còn 74,97 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,84%.

Mới đây, Hội đồng quản trị SBT thống nhất bầu bà Đặng Huỳnh Ức My vào vị trí Chủ tịch HĐQT của TTC AgriS, thay cho bà Huỳnh Bích Ngọc.

Được biết, bà Đặng Huỳnh Ức My là con gái ruột của doanh nhân Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc giữ chức Chủ tịch TTC AgriS.

Trước khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT, bà Ức My đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của TTC AgriS. Bà là người góp phần xây dựng chiến lược, chuyển đổi mô hình kinh doanh nông nghiệp mía đường của TTC AgriS từ truyền thống sang nông nghiệp thông minh. Hiện bà Đặng Huỳnh Ức My đang sở hữu hơn 144,97 triệu cổ phần, tương đương 19,02% vốn điều lệ của TTC AgriS.

Còn nguyên Chủ tịch HĐQT TTC AgriS Huỳnh Bích Ngọc sẽ giữ vai trò cố vấn cấp cao cho HĐQT. Với hơn 40 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, bà Ngọc góp phần rất lớn đưa TTC AgriS trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam. Do đó, HĐQT TTC AgriS kỳ vọng, từ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn, bà Ngọc sẽ tham mưu, tư vấn, phản biện cho TTC AgriS các vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của công ty.

Được biết SBT đặt kế hoạch doanh thu thuần năm tài chính 2023/2024 đạt 20,6 nghìn tỷ đồng (-17% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 850 tỷ đồng (+18% so với cùng kỳ). VCSC cho rằng những mục tiêu này tương đối thận trọng, vì SBT đã hoàn thành 1/3 kế hoạch trong quý 1 năm tài chính 2023/2024. Bên cạnh đó, SBT đã từng đưa ra mục tiêu tương đối thấp trong vòng vài năm trở lại đây.

Trong dài hạn, VCSC kỳ vọng biên lợi nhuận của SBT sẽ được cải thiện nhờ nỗ lực của công ty trong việc (1) mở rộng quy mô trang trại, từ đó giúp nâng cao năng suất và tối ưu hóa lợi nhuận; và (2) đẩy mạnh phát triển mảng kinh doanh thực phẩm (F&B) với biên lợi nhuận cao hơn.

Năm 2025, SBT dự kiến tăng diện tích VNL lên 90.000 ha (+27% so với năm tài chính 2022/2023). VCSC cho rằng việc tiếp tục tăng quy mô trang trại, đặc biệt là VNL nông trường, sẽ hỗ trợ SBT trong việc cơ giới hóa sản xuất đường mía, từ đó cải thiện biên lợi nhuận trong dài hạn.

Ngoài ra, SBT đặt mục tiêu tăng tỷ trọng doanh thu từ mảng F&B từ mức 5-10% hiện tại lên 30-40% trong năm 2030. Mảng F&B với biên lợi nhuận gộp cao hơn (hiện tại khoảng 25-30% và sẽ tăng lên 40-45%, theo SBT), VCSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của SBT nhìn chung sẽ tiếp tục cải thiện trong dài hạn.

SBT hiện đang giao dịch với P/E trượt là 20 lần - cao hơn mức trung bình của các công ty cùng ngành. VCSC cho rằng diễn biến này phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư về vị thế của SBT trong ngành và hiệu quả HĐKD trong tương lai (xem trang 11).

VCSC cho biết rủi ro chính đối với SBT là biến động giá nguyên liệu; tiếp theo là rủi ro đến từ các khoản đầu tư vào chứng khoán và/hoặc vào các công ty thành viên của Tập đoàn TTC.

Xem thêm tại vneconomy.vn