Đến thời thanh toán 'một chạm', thẻ phi vật lý sẽ lên ngôi?

Xu hướng phát triển dịch vụ thanh toán “một chạm”

Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) mới đây ra mắt dịch vụ thanh toán di động Tap & Pay, cho phép số hóa thẻ NAPAS trên ứng dụng ngân hàng (Mobile Banking App).

Theo đó, Tap & Pay có thể biến điện thoại thành một thiết bị thanh toán không tiếp xúc, giúp các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán từ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và các thiết bị có NFC mà không cần máy quẹt thẻ truyền thống.

Nói cách khác, với dịch vụ Tap & Pay, khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh thực hiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng cách chạm điện thoại vào máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS hoặc soft POS) mà không cần dùng đến thẻ vật lý. Để tích hợp tính năng này trên Mobile Banking App, khách hàng cần đăng ký với ngân hàng phát hành thẻ NAPAS.

Dịch vụ Tap & Pay của NAPAS.

Chia sẻ về mục tiêu triển khai dịch vụ, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS cho biết: “Dịch vụ thanh toán di động Tap & Pay nằm trong lộ trình phát triển thanh toán di động trên nền tảng công nghệ thẻ chip không tiếp xúc và hạ tầng số hóa của NAPAS. Dịch vụ được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy thói quen chi tiêu bằng thẻ NAPAS của khách hàng thông qua việc đem đến trải nghiệm thanh toán hiện đại, tiện lợi, an toàn và nhanh chóng cho người dùng”.

Tại thời điểm ra mắt dịch vụ Tap & Pay, NAPAS phối hợp cùng ngân hàng đầu tiên là ngân hàng TMCP Nam Á cung cấp dịch vụ đến khách hàng. Trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục triển khai mở rộng cung cấp dịch vụ cho các tổ chức thành viên còn lại. Khi dịch vụ được triển khai rộng rãi, phương thức thanh toán di động Tap & Pay sẽ được chấp nhận tại mạng lưới gần 900.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ NAPAS trên toàn quốc.

Trước NAPAS, một số ngân hàng cũng đã triển khai thanh toán một chạm với một số thẻ quốc tế, chẳng hạn như VPBank phối hợp Mastercard ra mắt tính năng thanh toán "một chạm" bằng tài khoản (Pay by Account), Vietcombank triển khai thanh toán một chạm Garmin Pay với thẻ Vietcombank Visa hay ACB với ứng dụng thanh toán một chạm Garmin Pay.

Thẻ phi vật lý – xu hướng tất yếu

Có thể thấy rằng, dịch vụ thanh toán một chạm (tap-to-pay) đang trở thành xu hướng dẫn đầu trong phát triển thẻ phi vật lý tại Việt Nam.

Những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người dân có nhiều thay đổi đáng kể, trong đó phải kể đến việc người dân ít sử dụng thẻ ngân hàng vật lý. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số hóa, ví điện tử và các ứng dụng ngân hàng trên di động đã đưa thẻ phi vật lý vào vị trí trung tâm của hệ sinh thái thanh toán.

Sự phát triển của thẻ phi vật lý được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố quan trọng, trong đó phải kể đến thói quen sử dụng điện thoại thông minh và thanh toán không tiền mặt của người dân ngày càng tăng.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh ở nước ta đạt khoảng 73,5%. Dự báo đến năm 2026, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 67 triệu người, chỉ đứng sau Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực.

Cùng với đó, xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng, nhất là sau đại dịch Covid-19. Theo số liệu mới nhất của NAPAS, trong năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch mỗi ngày, tăng 30,8% về số lượng và 15,9% về giá trị giao dịch so với năm 2023.

Nắm bắt xu hướng này, không chỉ Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, các công ty công nghệ, ngân hàng và fintech đã phát triển công nghệ số hoálên thiết bị di động để đáp ứng nhu cầu thực hiện các giao dịch mua hàng và thanh toán ngày càng nhiều hơn trên điện thoại thông minh của khách hàng.

Thẻ phi vật lý là xu hướng tất yếu của thanh toán hiện đại.

Bên cạnh đó, việc NHNN ban hành Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, hoàn thiện hơn hành lang pháp lý cho thẻ ảo, thẻ phi vật lý cũng đã góp phần sự phát triển của xu hướng này.

Trong một chia sẻ với VietnamFinance, ông Jonas Eichhorst, Tổng giám đốc Timo - ngân hàng số được đảm bảo và đồng phát triển bởi Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) khẳng định tốc độ phát triển và sự tiện lợi của thẻ phi vật lý là không thể phủ nhận.

Ông lý giải, ngoài những tiện ích tương tự thẻ vật lý, thẻ phi vật lý còn sở hữu nhiều điểm vượt trội hơn như giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng hơn nhờ hình thức trực tuyến; dễ dàng tiếp cận và sử dụng mọi lúc, mọi nơi; được mã hóa và có tính bảo mật cao hơn nhờ các tính năng tiên tiến như xác thực 2 yếu tố, cảm biến vân tay, FaceID; tránh rủi ro quên thẻ, hỏng thẻ, thất lạc hay bị đánh cắp thẻ;…

Thêm vào đó, thông tin về giao dịch bằng thẻ phi vật lý thường được cập nhật ngay lập tức qua ứng dụng ngân hàng, từ đó giúp người dùng có thể dễ dàng theo dõi và quản lý chi tiêu.

Tổng giám đốc Timo cho rằng, thẻ phi vật lý đặc biệt phù hợp để tích hợp vào các luồng kỹ thuật số như thương mại điện tử, đăng ký dịch vụ hoặc các trường hợp sử dụng liên quan đến quản lý tài chính cá nhân, do đó, thẻ phi vật lý có thể trở thành một lựa chọn phổ biến trong tương lai gần. “Tuy nhiên, để thẻ phi vật lý có thể hoàn toàn thay thế thẻ vật lý cần mất thời gian và phụ thuộc vào sự chấp nhận, tiếp nhận của thị trường”, ông nói.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn