Dệt may kiên trì vượt khó, đón cơ hội từ thị trường
Phục hồi mạnh mẽ
Xuất khẩu dệt may trong tháng 7/2024 đạt kim ngạch 4,29 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2024 có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ tháng 8/2022. Lũy kế sau 7 tháng, dệt may Việt Nam xuất khẩu được gần 24 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam hiện xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các thị trường chính bao gồm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024 chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 2,6% so với tháng 6/2024 và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất trang phục của cả nước tăng 3,5% so với tháng 6/2024 và tăng 9,8% so với tháng 7/2024. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất trang phục của cả nước tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023. |
Theo phân tích của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu mặt hàng này sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới, vì theo thời vụ, quý 3 là thời điểm xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất trong năm. Hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý 3/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý 4/2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết. Đồng thời, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đang hồi phục tốt.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát tại các nền kinh tế lớn đang được kiểm soát tốt, giúp sức mua tăng. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua hiệp hội ngành hàng để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng thị trường và khách hàng. Cùng với đó, các doanh nghiệp thời trang tại Hoa Kỳ và các nước lân cận đang tìm kiếm nguồn cung từ các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc nên sản phẩm từ Việt Nam đang được quan tâm, trong đó xu hướng tìm kiếm các sản phẩm bền vững gia tăng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù kết quả xuất khẩu dệt may của Việt Nam có khả quan, nhưng tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, sẽ tác động đến các ngành hàng xuất khẩu nói chung, ngành dệt may nói riêng. Tháng 4 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu nhằm thực hiện chiến lược về hàng dệt may bền vững và tuần hoàn tầm nhìn 2030. Theo đề xuất của EC, mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và tái chế... Như vậy, ngành sản xuất thời trang nhanh đang dần có sự dịch chuyển sang sản xuất thời trang bền vững. Bên cạnh đó, nhiều hãng sản xuất lớn trên thế giới đã đưa ra yêu cầu cụ thể với các bên trong chuỗi cung ứng nguyên liệu, công nghệ, năng lượng sạch.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tăng trưởng xanh, bền vững đang được EU đẩy mạnh thực hiện thông qua triển khai các đạo luật, như: Đạo luật tra soát chuỗi cung ứng của Đức, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU... là thách thức lớn với doanh nghiệp dệt may trong nước.
Cần sớm có trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, việc xanh hóa trong sản xuất đã không còn là việc muốn hay không mà đến nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Việc dần thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa bền vững. Trước yêu cầu, thách thức mới, Tổng công ty May 10 đã triển khai việc xanh hóa sản xuất bằng những việc làm cụ thể như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng hay như đầu tư nhiều vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái, liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng.
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may là một trong bảy ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích lâu dài và bền vững hơn.
Để làm được điều đó, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch, qua đó giúp các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới sáng tạo và nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng của ngành. Về lâu dài, Việt Nam phải cần có trung tâm giao dịch và phát triển cung ứng nguyên phụ liệu vì khi thị trường và ngành dệt may trong nước phát triển, sẽ cần có nơi để tập trung mẫu, phân phối nguyên phụ liệu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn