Dệt may kỳ vọng khởi sắc trở lại
Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 4/2024 với doanh thu thuần đạt hơn 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 23 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 400% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt gần 13.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 36% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 35,5% kế hoạch doanh thu và 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Trong tháng 4 vừa qua, doanh thu từ thị trường châu Á đóng góp tới 62,8% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công. Theo sau là thị trường châu Mỹ (Mỹ và Canada) chiếm 32,2% và thị trường châu Âu chiếm 3,8%.
Cập nhật về tình hình đơn hàng, ban lãnh đạo công ty cho biết, đến thời điểm hiện tại đầu tháng 5, công ty đã nhận khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2/2024 và khoảng 86% cho quý 3/2024.
Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch tăng sản lượng khi vừa hoàn tất thủ tục M&A Công ty TNHH Dệt may SY Vina. Sau khi mua lại và tiếp quản, nhà máy dệt thoi tại SY Vina sẽ bổ sung thêm cho vải đan truyền thống tại Dệt may Thành Công, nhà máy nhuộm với công suất hơn 19,5 triệu mét vải/năm và nhà máy may với công suất 69,6 triệu sản phẩm khăn/năm.
Cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công đã tăng kịch trần sau diễn biến tích cực của hoạt động kinh doanh. Trải qua năm 2023 khó khăn với lượng đơn hàng sụt giảm, ngành dệt may đã có tín hiệu chạm đáy khi nhu cầu thế giới phục hồi trở lại.
Theo số liệu tổng hợp từ Tổng Cục Hải quan và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và xơ sợi trong tháng 4 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 4 tháng đầu năm nay, ngành dệt may thu về 12,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường tiêu thụ hàng dệt may chính đang cho thấy sự phục hồi tốt. Điển hình như Mỹ, thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, tăng 5,6% lên 4,4 tỷ USD. Hoặc thị trường Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng khá 11% bất chấp nền kinh tế khó khăn, đồng yên mất giá.
Với mặt hàng xơ sợi, tiêu thụ ở các thị trường chính đều tăng mạnh 2 con số. Theo đó, xuất khẩu xơ sợi trong 4 tháng đầu năm sang Trung Quốc tăng 11% lên 680 triệu USD. Tại thị trường Mỹ cũng tăng 55% lên 65 triệu USD.
Trong năm nay, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 10% so với 2023 và tương đương với mức kỷ lục thiết lập vào năm 2022.
Ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG) cho biết tình hình đơn hàng tiếp tục ở mức khả quan khi các đối tác đang dần đẩy mạnh đơn đặt hàng trở lại khi hàng tồn kho đã được hấp thụ đáng kể.
Chỉ số hàng tồn kho/doanh thu của một số khách hàng lớn của công ty như Nike, Adidas… hiện đã tiệm cận mức trung bình trước khi đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Dệt may TNG nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung được hưởng lợi từ việc dịch chuyển đơn hàng khỏi Bangladesh, khi công nhân ngành dệt may nước này tổ chức đình công kéo dài.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Dệt may TNG, hai khách hàng lớn nhất của công ty là Decathlon và Abercrombie & Fitch đều có kế hoạch gia tăng đơn hàng ở mức khả quan. Thậm chí, trong một số trường hợp, Dệt may TNG đã phải từ chối không nhận một số đơn hàng mới để đảm bảo tiến độ sản xuất cho khách hàng lớn hiện tại.
Năm 2024, TNG đặt mục tiêu doanh thu 7.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 310 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,35% và 41% so với năm 2023.
Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết trong quý I/2024, đơn hàng đã có dấu hiệu phục hồi về số lượng, tuy nhiên giá chưa tăng so với quý IV năm 2023, có mặt hàng còn tiếp tục giảm 5-10% về giá.
Ông Lê Tiến Trường, chủ tịch HĐQT Vinatex dự báo ngành dệt may có thể thể cải thiện vào nửa cuối năm 2024, đặc biệt ở thị trường Mỹ.
Mặc dù ngành dệt may đã có khởi đầu khá thuận lợi, tuy nhiên, các công ty phân tích vẫn khá dè dặt về triển vọng ngành trong năm 2024.
Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, hàng may mặc là sản phẩm không thiết yếu, chỉ khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu về các sản phẩm dệt may mới có thể tăng trưởng mạnh trở lại.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan sẽ dẫn đến người tiêu dùng giảm chi tiêu và việc bổ sung lại các khoản tiết kiệm trở nên khó khăn hơn. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua sắm các sản phẩm dệt may.
Hiện nhiều thương hiệu thời trang và nhà cung cấp trên thế giới cũng đang gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng thấp, hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Do đó, biện pháp phòng thủ, số lượng hàng nhập vẫn còn thấp, dẫn đến việc tăng trưởng đơn hàng chậm của các nhà cung cấp.
Các chuyên gia nhận định rằng, với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã dừng tăng lãi suất, sức mua của người tiêu dùng sẽ hồi phục, trong đó có nhu cầu về thời trang, may mặc.
Với việc nằm ở vị trí thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may tại Việt Nam, mảng sợi sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên khi ngành dệt may suy thoái và cũng là mảng được kỳ vọng sẽ phát tín hiệu phục hồi sớm nhất.
Ông Lê Tiến Trường cho biết dệt may Việt Nam hiện phải đối mặt với nhiều thách thức như cước vận tải tăng, thiếu lao động và nhiều rủi ro bất định từ thị trường quốc tế.
Đồng thời, các đơn vị đều có hạn mức tín dụng thấp hơn so với năm trước khiến yêu cầu tốc độ xoay chuyển dòng vốn phải nhanh hơn trước rất nhiều.
Ngoài ra, tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 cùng giá điện dự báo sẽ tăng ít nhất 4,5% trong năm 2024 cũng là những yếu tố làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các quốc gia khác về thị trường xuất khẩu cũng luôn thường trực. Trong ngành sợi, lãnh đạo của Vinatex cho hay chưa có tín hiệu phục hồi do nhu cầu yếu từ Trung Quốc và bị cạnh tranh gay gắt về giá với Ấn Độ.
Xem thêm tại theleader.vn