Đơn hàng dồn dập, lợi nhuận tăng 400%
Trên sàn chứng khoán, tính đến chiều ngày 21/5, cổ phiếu TCM vẫn giữ nguyên phiên tăng trần “tím lịm” ở mức 51.000 đồng/cổ phiếu với hơn 5 triệu cổ phiếu sang tay. Bên cạnh TCM, hàng loạt cổ phiếu dệt may khác cũng đang tăng điểm đầy hứng khởi như ADS (+4,7%), STK (+4,4%), MSH (+3,9%)...
Được biết, nguyên nhân khiến cổ phiếu TCM tăng kịch trần đến từ kết quả kinh doanh đầy khả quan của công ty.
Cổ phiếu TCM "kịch trần" nhờ vào kết quả kinh doanh của TCM. Ảnh: CafeF |
Cụ thể, TCM công bố kết quả kinh doanh tháng 4/2024 với doanh thu thuần đạt 11,9 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt gần 0,91 triệu USD, lần lượt tăng 13% và 400% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về cơ cấu, doanh thu từ mặt hàng may mặc chiếm tới 75% tổng doanh thu tháng 4/2024 của TCM. Theo sau là doanh thu từ vải (chiếm 14%) và sợi (chiếm 8%), còn lại 3% đến từ các hoạt động khác.
TCM cùng hàng loạt cổ phiếu trong ngành bứt tốc trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam nói chung đang được hưởng lợi từ việc dịch chuyển đơn hàng khỏi Bangladesh, khi công nhân ngành dệt may nước này tổ chức đình công kéo dài. |
Trong tháng 4 vừa qua, doanh thu từ thị trường châu Á đóng góp tới 62,8% tổng doanh thu của TCM. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 24,09%, thị trường Nhật Bản chiếm 21,56%, thị trường Việt Nam chiếm 8,26% và thị trường Trung Quốc chiếm 5,38%. Theo sau là doanh thu từ thị trường châu Mỹ (Mỹ và Canada) chiếm 32,2% và thị trường châu Âu chiếm 3,8%.
Như vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, TCM ghi nhận doanh thu đạt 51,7 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt 3,4 triệu USD, lần lượt tăng 8% và 36% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 35,5% kế hoạch kinh doanh và 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Về tình hình đơn hàng, ban lãnh đạo TCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, TCM đã nhận khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2024 và khoảng 86% cho quý III/2024. Dựa trên tình hình xuất khẩu dệt may năm nay cùng với tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại, TCM kỳ vọng triển vọng xuất khẩu trong năm 2024 sẽ khả quan hơn so với năm trước.
Triển vọng cho dệt may năm 2024
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong quý I/2024, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu vui bởi so với năm ngoái, các doanh nghiệp dệt may có đơn hàng nhiều hơn.
Xuất khẩu dệt may trong 3 tháng đầu năm đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh hoạ. |
Lũy kế hết quý I/2024, tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng tốt. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đi Mỹ đạt 3,42 tỷ USD, tăng 8,6% (so với cùng kỳ) và tăng 271 triệu USD về mặt trị giá; xuất khẩu đi EU tháng 3 giảm 4,8%, tuy nhiên lũy kế 3 tháng vẫn tăng 3,2%, đạt 855 triệu USD; xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch đạt 1,02 tỷ USD, tăng 10,1%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu khởi sắc, khi kim ngạch đạt 0,82 tỷ USD, tăng 19,4%, tăng 133 triệu USD về mặt trị giá.
Kết quả đạt được về xuất khẩu của ngành dệt may trong quý I/2024 được ghi nhận tích cực, là khởi đầu tốt cho ngành tăng tốc trong quý II/2024 và thành công “vượt dốc” 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.
Nhìn chung, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên, phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024.
Bên cạnh triển vọng, các doanh nghiệp dệt may cũng phải đối mặt với thách thức mới. Đó là giá đơn hàng không tăng, trong khi đó chi phí logistics, cụ thể là chi phí vận tải biển đã tăng liên tục trong thời gian qua. Điều này dẫn tới việc khách hàng yêu cầu doanh nghiệp Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
Hiện nay, xuất khẩu dệt may Việt Nam đang đứng top 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh, song ngành dệt may lại đang phải chịu áp lực cạnh tranh vô cùng lớn. Đối với Bangladesh (quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dệt may) thì ưu thế của quốc gia này là nhân công và các chính sách về thuế của Bangladesh cũng ưu đãi cho doanh nghiệp dệt may. Còn vị trí thứ nhất là Trung Quốc. Mỗi năm quốc gia này xuất khẩu trên dưới 300 tỷ USD (gấp 8 lần Việt Nam). Như vậy, Việt Nam khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp Bangladesh, bởi chi phí nhân công tại nước này hiện thấp hơn Việt Nam.
Theo VITAS, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc bởi các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng. Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới trong xuất khẩu dệt may. Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp tín hiệu dù chưa thật sự rõ ràng nhưng đã khả quan hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Điều này báo hiệu triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024. |