ĐHCĐ Eximbank: 'Ngân hàng dự kiến có thay đổi lớn trong thời gian tới và sẽ được thể hiện qua giá cổ phiếu, vốn hóa thị trường'

Sáng nay (29/4), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại khách sạn Melia, Hà Nội.

Tại Đại hội, cổ đông Eximbank sẽ xem xét và thông qua các báo cáo về kết quả năm 2024, kế hoạch kinh doanh 2025, bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2030 và một số nội dung khác.

Theo báo cáo của Uỷ ban thẩm tra tư cách cổ đông Eximbank, tính đến 8h25 có 234 cổ đông tham dự đại hội, đại diện cho 55,08% cổ phần có quyền biểu quyết. Với tỷ lệ cổ đông tham dự vượt mức tối thiểu 50%, ĐHĐCĐ thường niên 2025 Eximbank đủ điều kiện tiến hành họp.

ĐHCĐ Eximbank: 'Ngân hàng dự kiến có thay đổi lớn trong thời gian tới và sẽ được thể hiện qua giá cổ phiếu, vốn hóa thị trường'- Ảnh 1.

Toàn cảnh Đại hội cổ đông thường niên Eximbank 2025. (Ảnh: Quang Hưng)

Kế hoạch lợi nhuận gần 5.200 tỷ đồng

Tại đại hội, HĐQT Eximbank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.188 tỷ đồng, tăng 23,8% (tăng 1.000 tỷ đồng) so với thực hiện năm 2024.

Tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%. Huy động vốn (bao gồm huy động vốn từ tổ chức kinh tế dân cư và phát hành giấy tờ có giá) đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54 điểm % so với cuối năm 2024 xuống còn 1,99%.

ĐHCĐ Eximbank: 'Ngân hàng dự kiến có thay đổi lớn trong thời gian tới và sẽ được thể hiện qua giá cổ phiếu, vốn hóa thị trường'- Ảnh 2.

Đề xuất không chia cổ tức năm 2024

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, Eximbank ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ trên báo cáo tài chính hợp nhất là 2.431 tỷ đồng. Lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến năm 2024 là 2.526 tỷ đồng. 

Ban lãnh đạo Eximbank đề xuất không thực hiện chia cổ tức năm 2024 nhằm mục đích củng cố năng lực tài chính.

Khoá room ngoại ở mức 6%

Tại Đại hội, HĐQT dự kiến trình đại hội xem xét và thông qua quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 6% vốn điều lệ Eximbank.

Theo Ban lãnh đạo ngân hàng, việc này là nhằm ổn định cơ cấu cổ đông, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của Eximbank, đồng thời để giữ và duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào ngân hàng.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung thêm Khoản 6, Điều 20 Điều lệ với nội dung: "6. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank không vượt quá 06% (sáu phần trăm) vốn điều lệ của Eximbank từng thời kỳ".

Giao thẩm quyền cho Chủ tịch HĐQT ký, ban hành Điều lệ hợp nhất nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ nêu trên sau khi được ĐHĐCĐ thông qua.

Lãnh đạo GELEX được đề cử vào HĐQT Eximbank

Một trong những nội dung quan trọng là bầu HĐQT & BKS nhiệm kỳ mới (2025-2030).

Theo đề xuất của Ban lãnh đạo Eximbank, cơ cấu HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 có 5 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Số lượng Thành viên Ban kiểm soát của Eximbank nhiệm kỳ VIII (2025- 2030) là 5 thành viên.

Danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ được Eximbank công bố gồm 5 người. Trong đó có ông Nguyễn Cảnh Anh, hiện là Chủ tịch HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025 và bà Đỗ Hà Phương - Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025. 

Ba ứng viên mới được đề cử trong danh sách này là ông Phạm Tuấn Anh, ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang.

Ông Phạm Tuấn Anh sinh năm 1976, là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Kế toán và đã có 26 năm làm việc tại hệ thống GELEX.

Ông từng là Kế toán trưởng Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (nay là CTCP Tập đoàn GELEX), từng đảm nhiệm thành viên HĐQT và giữ chức Chủ tịch HĐQT tại nhiều công ty thành viên trong hệ thống GELEX.

Hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh là Phó Tổng giám đốc CTCP Điện lực GELEX (GELEX Electric), Tổng giám đốc CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM). Được biết, ông Phạm Tuấn Anh sẽ từ nhiệm tất cả các vị trí trong hệ thống GELEX trước thời điểm đại hội Eximbank tiến hành bầu thành viên HĐQT nhằm đảm bảo đúng yêu cầu không cùng đảm nhận các chức vụ theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng 2024.

GELEX hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Hai ứng viên HĐQT độc lập còn lại là ông Hoàng Thế Hưng (sinh năm 1981) và bà Phạm Thị Huyền Trang (sinh năm 1982).

Ông Hoàng Thế Hưng là Kỹ sư Công nghệ thông tin với hơn 20 kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin & Giải pháp số. Ông Hưng từng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực. Hiện, ông Hưng là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Nhất Việt.

Bà Phạm Thị Huyền Trang sinh năm 1982, có trình độ Thạc sĩ Tài chính ngân hàng, Cao cấp lý luận chính trị. Bà từng có 12 năm công tác tại VietinBank và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân hàng này như Phó Giám đốc Chi nhánh TP.Hà Nội, Trưởng phòng Phê duyệt tín dụng, Phó Giám đốc khối Phê duyệt tín dụng…; Bà Trang cũng từng công tác tại Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Đèo Cả…

Bên cạnh danh sách ứng viên HĐQT hợp lệ, Eximbank cũng công bố danh sách ứng viên BKS được NHNN chấp thuận với 5 thành viên gồm: bà Doãn Hồ Lan, ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn, ông Nguyễn Trí Trung, bà Trần Thị Minh Lý và ông Hoàng Tâm Châu.

Ngoài các nội dung trên, Đại hội đồng cổ đông thường niên Eximbank năm 2025 cũng sẽ xem xét thông qua một số tờ trình khác như: bổ sung Điều lệ Eximbank; thông qua tờ trình của HĐQT về việc chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính của Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. HCM;...

Phần trả lời câu hỏi cổ đông

Cổ đông: Hiện tại, cơ cấu nhân sự và quản trị điều hành của ngân hàng chưa thực sự ổn định, còn nhiều biến động. Vậy trong thời gian tới, ngân hàng có dự kiến thay đổi lớn nào nữa không?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải: Việc cơ cấu quản trị điều hành phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh của ngân hàng, bối cảnh thị trường, cũng như ý chí và mong muốn của tất cả quý vị cổ đông. Chúng tôi mong muốn bước sang nhiệm kỳ VIII với những bước đi vững chắc, đồng thời xuất hiện những đơn vị đồng hành, những cổ đông lớn có tiềm lực, Eximbank sẽ hướng đến một ngân hàng vững mạnh, phát triển bền vững vì mục tiêu lâu dài, loại bỏ tâm lý "ăn xổi ở thì". Khi đó, chúng ta sẽ có một cơ cấu quản trị điều hành vững bền. 

Khi đã vận hành ổn định, chúng ta có thể phát triển một cách dài hạn, tránh những thay đổi thường xuyên do thị trường hoặc các yếu tố nội bộ của chúng ta gây khó khăn. Những khó khăn nếu do chúng ta tự gây ra, chúng ta sẽ cố gắng hạn chế đến mức tối đa.

Về việc có thay đổi lớn nào nữa không, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có một thay đổi rất lớn đối với Eximbank. Trong nhiệm kỳ sắp tới, bộ mặt của Eximbank sẽ thay đổi, hình ảnh của Eximbank sẽ thay đổi, và vị thế của Eximbank trên thị trường cũng sẽ thay đổi. Điều này sẽ thể hiện qua mức độ vốn hóa trên thị trường và giá cổ phiếu.

Cổ đông: Tại sao mới bầu thành viên ban kiểm soát vào cuối tháng 2 năm nay, mà đến tháng 4 lại tiếp tục bầu ban kiểm soát?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải: Nhiệm kỳ 7 của chúng ta kéo dài từ năm 2020 đến 2025. Tháng 11 năm 2024, chúng ta đã tổ chức một kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để miễn nhiệm một thành viên ban kiểm soát. Khi đó, theo quy định pháp luật, số thành viên ban kiểm soát không đủ số tối thiểu, nên chúng ta bắt buộc phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông trong vòng 90 ngày. Từ ngày 28/11/2024 cộng thêm 90 ngày, chúng ta đã tổ chức Đại hội vào tháng 2 để bổ sung ba thành viên, gồm ông Lâm Nguyễn Thiện Nhơn và bà Trần Thị Minh Lý, nhằm đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. 

Hiện nay, khi kết thúc nhiệm kỳ VII và bước sang nhiệm kỳ VIII (từ 2025 đến 2030), chúng ta bầu lại ban kiểm soát là hoàn toàn tuân theo quy định pháp luật, không phải do ý chí chủ quan.

Cổ đông: Vì sao giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thấp hơn mức tối đa mà pháp luật cho phép?

Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải: Hiện tại, chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, và các đối tác nước ngoài rất quan tâm, để ý đến tiềm năng phát triển của Eximbank trong giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi đã có những tiếp cận sơ bộ với nhiều tổ chức nước ngoài, trong đó có những tổ chức lớn mang tầm vóc thế giới. Kỳ vọng của họ là mong muốn đồng hành cùng chúng ta dưới vai trò đối tác chiến lược, cổ đông chiến lược, cổ đông lớn hoặc cổ đông gần lớn. Thông thường, đối tác chiến lược sẽ sở hữu khoảng 15%, cổ đông lớn khoảng 5%, và cổ đông gần lớn khoảng 4%. Tổng cộng các tỷ lệ này, cùng với một số đối tác mà chúng tôi đang bắt đầu tiếp cận, ước tính khoảng 24%. Chúng tôi đề xuất con số 6% (30% - 24%) nhằm đáp ứng điều này. Tất nhiên, tỷ lệ này sẽ phụ thuộc vào ý chí của tất cả quý vị cổ đông trong tương lai.

Xem thêm tại cafef.vn