ĐHĐCĐ Bamboo Capital: Thông qua kế hoạch tăng vốn lên hơn 8.800 tỷ đồng
Sáng 27/4, Tập đoàn Bamboo Capital (BCG - HoSE) tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, thông qua hàng loạt vấn đề quan trọng.
Tại sao Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam lại từ nhiệm?
Đây là câu hỏi của một cổ đông dành cho Ban Chủ tọa và cá nhân ông Nam tại đại hội. Trước đó, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital gửi đơn xin từ nhiệm ngay trước thềm đại hội một ngày, ngay sau khi ông Nam được bầu vào HĐQT của Ngân hàng Eximbank.
Trong đơn từ nhiệm, ông Nam cho biết thôi nhiệm vụ Chủ tịch để “tập trung công tác phụ trách Hội đồng sáng lập và Hội đồng cố vấn trong việc chỉ đạo định hướng chiến lược Tập đoàn Bamboo Capital”.
Trả lời cổ đông, ông Nguyễn Hồ Nam cho biết, Tập đoàn đã có sự chuẩn bị trước cho việc này theo hướng tái cấu trúc. BCG đang có 12 lãnh đạo sẵn sàng kế thừa 9 nhân sự sáng lập ban đầu, dưới 12 người này còn có đội ngũ 42 nhân sự lõi sẵn sàng tiếp bước.
BCG đang phát triển mô hình tập đoàn không phụ thuộc vào bất kỳ thành viên nào, vì vậy, nhân sự sáng lập sẽ từng bước rút khỏi HĐQT để nhân sự lớp kế cận được phát triển với tâm thế vững vàng hơn.
“Tôi từ nhiệm không phải để rời đi mà để dịch chuyển lên cương vị mới là Hội đồng chiến lược, trong đó tôi sẽ làm Chủ tịch. Với tâm thế mới, Hội đồng chiến lược sẽ dành thời gian để tìm kiếm những hướng đi mới cho Tập đoàn”, ông Nam cho hay.
Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự, đại hội thông qua việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Nguyễn Thế Tài và ông Phạm Nguyễn Thiên Chương.
Đáng chú ý, ông Kou Kok Yiow, Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng được miễn nhiệm, đồng thời được bầu bổ sung vào HĐQT BCG cùng ông Hoàng Trung Thành, Phó chủ tịch HĐQT CTCP BCG Energy.
Trong khi đó, ông Leong Kwek Choon, đang là cố vấn cao cấp Công ty TNHH RE Subtainability International (Singapore) được bầu vào Ban Kiểm soát, thay cho vị trí mà ông Kou Kok Yiow để lại.
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Bamboo Capital được tổ chức sáng 27/4 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình) |
Kế hoạch lợi nhuận năm 2024 gấp 5,5 lần thực hiện năm trước
Cũng tại kỳ họp, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 của BCG, với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 6.103 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 952 tỷ đồng, tăng 52% về doanh thu và gấp 5,5 lần về lợi nhuận.
Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, BCG dựu kiến hoàn thiện công tác đàm phán giá cho hai dự án điện mặt trởi Phù Mỹ và Krong Pa 2; tiếp tục thúc đẩy để hoàn thành dự án 150 MW điện mặt trời áp mái; triển khai xây dựng 550 MW điện gió trên bờ và ngoài khơi (dự kiến COD năm 2025).
Với mảng điện rác, BCG Energy dự kiến trong năm 2024 triển khai xây nhà máy điện rác đầu tiên tại huyện Củ Chi (tổng công suất 200 MW), xử lý 2.000 tấn rác/ngày, giai đoạn 1 hoàn thành trong năm 2025 và giai đoạn 2 hoàn thành trong 2026; bên cạnh đó là xây dựng nhà máy tại Long An với công suất 500 tấn/ngày.
Đối với bất động sản, BCG Land (BCR) sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng các dự án đang triển khai gồm Malibu Hội An, Hoian d’Or và King Crown Infinity; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện pháp lý dự án; nghiên cứu và phát triển cho dòng bất động sản khu công nghiệp.
Đối với lĩnh vực xây dựng - đầu tư cơ sở hạ tầng, Tradico trong năm 2024 sẽ triển khai thi công Gói thầu số 12 thuộc dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và dự án khu dân cư Đức Thịnh (Bắc Giang).
Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính (Bảo hiểm AAA), AAA đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm 2024 đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng, lãi sau thuế tối thiểu bằng 2023 nhưng có thể đạt khoảng 17 tỷ đồng (tăng 71%). Đồng thời, AAA sẽ triển khai hồ sơ đăng ký giao dịch chứng khoán lên sàn UPCoM.
Với lĩnh vực sản xuất - thương mại, đầu tiên là ngành dược với Tipharco, trên cơ sở thận trọng do tồn tại nhiều biến động nên kế hoạch 2024 ở mức 406 tỷ đồng doanh thu và 33 tỷ đồng lợi nhuận.
Về lĩnh vực thương mại, CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng này sẽ tập trung mặt hàng chủ lực như đồ gỗ nội, ngoại thất, tinh bột sắn biến tính nhằm tạp doanh thu ổn định, vừa tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường.
Sẽ tăng vốn lên hơn 8.800 tỷ đồng
Cũng tại đại hội, BCG đã thông qua tờ trình phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2023, vốn điều lệ của BCG đạt gần 5.335 tỷ đồng. Công ty dự kiến phát hành cổ phần theo tỷ lệ 2:1 để nâng vốn điều lệ lên 8.002 tỷ đồng. Sau đó, phát hành thêm 80 triệu cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, dự kiến vốn điều lệ của BCG sẽ đạt hơn 8.800 tỷ đồng nếu các kế hoạch trên thực hiện thành công.
Theo Phó chủ tịch HĐQT Phạm Minh Tuấn, trong 3 năm tới, BCG cần hơn 60.000 tỷ đồng để triển khai các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện rác) và các dự án bất động sản. Thời gian qua, BCG đã huy động vốn theo hình thức vay nợ, phát hành trái phiếu, do đó việc phát hành thêm cổ phiếu mang mục đích chính là để cơ cấu vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của BCG đạt 42.009 tỷ đồng. Nhờ việc triển tối ưu hóa quản lý dòng vốn lưu động nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho Công ty, cấu trúc tài chính BCG đã cải thiện rõ rệt theo hướng gia tăng vốn chủ sở hữu và giảm nợ. Nhờ đó, BCG đã thành công hạ tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu xuống còn 1,4 lần vào cuối năm 2023 (nằm trong khoảng tỷ lệ lý tưởng 1,0 - 1,5 lần), so với mức 2,2 lần cuối năm 2022 và mức kỷ lục 7,2 lần cuối năm 2020. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu cũng giảm về 0,7 lần, so với với mức 1,1 lần của năm trước.
Xem thêm tại baodautu.vn