ĐHĐCĐ BIC thông qua mục tiêu lãi trước thuế 600 tỷ đồng, chia cổ tức 15%
Ngày 4/4, tại Hà Nội, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của BIC đã nhất trí thông qua các báo cáo và tờ trình của HĐQT BIC. Năm 2023, BIC đã hoàn thành vượt mức tất cả chỉ tiêu được giao. Vì thế, năm 2024, BIC đặt mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm (theo báo cáo riêng lẻ công ty mẹ) dự kiến đạt 5.570 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 600 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,2% và 4,5% so với thực hiện năm 2023.
ĐHĐCĐ BIC cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận sau thuế 2023 và đề xuất phương án chi cổ tức năm 2024. Lợi nhuận năm 2023 còn lại sau khi phân phối các quỹ là gần 230 tỷ đồng.
Báo cáo tại ĐHĐCĐ, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho biết, trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến mức chi trả cổ tức 2023 tối thiểu là 13,5%. Tuy nhiên, dựa trên kết quả lợi nhuận đạt được thì HĐQT BIC đưa mức chi trả cao hơn là 15% bằng cổ phiếu, tương ứng giá trị chia cổ tức cho cổ đông là gần 176 tỷ đồng. Bước sang năm 2024, HĐQT đưa ra kế hoạch chi trả cổ tức năm 2024 cũng với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu, tương ứng gần 176 tỷ đồng.
Nói thêm về giải pháp kinh doanh năm 2024, ông Trần Hoài An cho hay, BIC sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai công tác thành lập một số công ty thành viên mới, chính thức đi vào hoạt động trong năm 2024. Cùng với đó là những giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết bồi thường, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới phù hợp với xu hướng công nghệ số hóa...
Về kế hoạch hoạt động của HĐQT, một trong những điểm đáng chú ý được ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐQT BIC thông tin là sẽ hoàn thành công tác tiếp nhận vốn Công ty Bảo hiểm Campuchia (CVI) sớm trong quý 1/2024…
Trong phiên thảo luận, cổ đông BIC đã đặt câu hỏi về tác động của quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) khi cấm ngân hàng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT BIC nêu rõ, cần phải lưu ý là Luật chỉ cấm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc, nên trường hợp bắt buộc phải mua bảo hiểm không bị hạn chế bởi quy định này. Vì thế, BIC phối hợp với BIDV đảm bảo việc mua bảo hiểm hay không là quyền lựa chọn của khách hàng.
Vị này còn chia sẻ, trên thực tế, gần như tháng nào BIC cũng có trường hợp chi trả bảo hiểm cho người vay vốn không may bị tai nạn, qua đó hỗ trợ hoàn trả rủi ro, không gia tăng gánh nặng cho khách hàng. Về phía ngân hàng, nếu khách hàng tham gia mua bảo hiểm thì áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn các khoản vay bình thường, ngân hàng và BIC không đưa ra điều kiện phải mua bảo hiểm mới được vay vốn.
Với câu hỏi về định hướng của BIC sau khi BIDV “bắt tay” hợp tác với Edmond de Rothschild - định chế tài chính chuyên cung cấp sản phẩm tài chính cao cấp, ông Trần Xuân Hoàng cho hay, đến nay chưa có định hướng cụ thể nhưng BIC vẫn đang theo sát thương vụ hợp tác này của BIDV, để qua đó tìm hiểu về các nội dung có thể triển khai liên quan đến bảo hiểm.
Liên quan đến vấn đề cơ cấu đầu tư tài chính, theo ông Trần Xuân Hoàng, trong năm 2023, tỷ trọng đầu tư tiền gửi chiếm hơn 78%, trái phiếu là 12,5%, cổ phiếu là 7,9%. Việc đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu phải có đánh giá an toàn và đảm bảo hiệu quả, nên trong năm 2024, dù lãi suất tiền gửi tại ngân hàng vẫn ở mức thấp thì BIC vẫn tiếp tục dành phần lớn đưa vào gửi tiết kiệm tại BIDV để còn thúc đẩy bán chéo.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 4/4, cổ phiếu BIC đóng cửa ở mức 30.200 đồng/cổ phiếu, tăng 4,5% so với phiên giao dịch liền kề và tăng hơn 17% so với hồi đầu năm.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn