ĐHĐCĐ của HHV: Lãnh đạo khẳng định 'vay nợ có kế hoạch', một công ty tiết lộ muốn sở hữu khoảng 10% cổ phần
Sáng 31/5,CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 theo hình thức trực tuyến.
Năm nay, HHV có kế hoạch phát hành tổng cộng gần 170 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 5.816 tỷ đồng qua ba hình thức chào bán riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu và trả cổ tức năm 2023.
HHV cho biết phương án chào bán tối đa 74,1 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2023 dự kiến được thực hiện sau khi công ty kết thúc việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên, do thời gian triển khai hai phương án chào bán/phát hành nói trên kéo dài hơn dự kiến (ngày kết thúc đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu là ngày 15/1/2024), công ty đã không thực hiện được các thủ tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo như phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.
Trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế của công ty, nhằm mục đích tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, cân đối nguồn vốn cho các hoạt động thường xuyên và hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng giao thông của HHV, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ huỷ phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua năm 2023 và thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho năm 2024 - 2025.
Về phương án chào bán riêng lẻ năm 2024, HHV dự kiến phát hành tối đa 73,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
HHV sẽ uỷ quyền cho HĐQT quyết định mức giá phát hành phù hợp tại thời điểm phát hành song không thấp hơn mệnh giá của cổ phiếu (10.000 đồng/cp).
Toàn bộ số tiền thu được tối thiểu là 735 tỷ sẽ được dùng để góp thêm vốn vào CTCP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) với mức tối thiểu 145 tỷ. Số tiền còn lại sẽ được dùng để thu xếp vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm.
Với phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu, HHV dự kiến phát hành tối đa 75,8 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền mua 100:15 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có 1 quyền mua và cứ 100 quyền sẽ được mua thêm 15 cổ phiếu mới).
HHV sẽ uỷ quyền cho HĐQT quyết định mức giá phát hành phù hợp tại thời điểm phát hành song không thấp hơn mệnh giá của cổ phiếu (10.000 đồng/cp). Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng.
Tối tiểu 759 tỷ thu được từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ dùng để thu xếp vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tối thiểu 358 tỷ, tối thiểu 360 tỷ sẽ dùng để đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Số tiền còn lại sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động đào tạo nhân lực và khoa học công nghệ.
Ngoài ra, HHV còn dự kiến phát hành 20,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ thực hiện quyền 20:1. Thời gian phát hành là trong năm 2024, ngay sau khi có chấp thuận của UBCKNN.
Năm 2024, HHV đề xuất phương án chi trả cổ tức tối đa là 5% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu nhưng đảm bảo không cao hơn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo riêng của công ty mẹ.
Lên kế hoạch lợi nhuận tăng 11%
Năm nay, HHV lên kế hoạch 3.146 tỷ doanh thu thuần, 404 tỷ lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 17% và 11% so với năm 2023.
Đối với các dự án đã và đang vận hành, thi công, HHV dự kiến tiếp tục bổ sung vốn chủ sở hữu vào các dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Hải Vân, Cù Mông) và dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Bên cạnh việc tham gia với vai trò là nhà đầu tư trực tiếp, Công ty cũng sẽ tham gia các dự án cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với vai trò thu xếp vốn (thông qua hợp tác kinh doanh, cho vay, hoặc các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật).
Công ty sẽ thế chấp tài sản bảo đảm cho các khoản vay của dự án. Với dự án cải tạo Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, để đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tài trợ cho dự án, HHV sẽ thế chấp toàn bộ cổ phần và các quyền, lợi ích phát sinh từ cổ phần CTCP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa do HHV sở hữu và hoàn thiện các thủ tục trong năm 2024.
Đối với dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tùy theo việc đàm phán điều kiện với bên cho vay của dự án, HHV có thể thế chấp toàn bộ cổ phần và các quyền, lợi ích phát sinh từ cổ phần CTCP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh do HHV sở hữu để đảm bảo cho khoản vay tài trợ cho việc thực hiện dự án.
Ngoài các dự án đã và đang thực hiện, công ty sẽ cùng CTCP Tập đoàn Đèo Cả (công ty mẹ) và các đối tác khác tiếp tục tham gia thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng giao thông đường bộ. Các dự án được triển khai thi công sẽ đem lại nguồn công việc dồi dào cho công ty (thi công xây lắp, quản lý vận hành, thu phí).
Một số dự án HHV triển khai trong giai đoạn 2024 - 2026 như sau:
Doanh nghiệp cho biết để đảm bảo nguồn lực triển khai các dự án mới, công ty dự kiến tiếp tục huy động vốn thông qua các phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu như đề cập ở trên.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Bá Khương - Chủ tịch CTCP Xây dựng công trình 568 chia sẻ: "Sau 7 năm đồng hành cùng Tập đoàn Đèo Cả, chúng tôi mới xin tham gia một dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Công ty 568 mong muốn trở thành cổ đông của Đèo Cả với giá trị trên hoặc dưới 10% trong lộ trình một vài năm tới".
Thảo luận:
Hiện nay công ty có dư nợ rất lớn tại các ngân hàng. Đòn bẩy tài chính cao có ảnh hưởng gì tới dòng tiền của HHV và lợi ích của cổ đông hay không?
Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT: Về đặc thù của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông hoàn toàn khác các doanh nghiệp sản xuất thông thường. Các dự án hạ tầng giao thông có quy mô đầu tư lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ. Trước khi Luật PPP ra đời, nguồn vốn để tham gia đầu tư chủ yếu là vốn chủ sở hữu, theo quy định là 10-15% còn lại là vốn vay.
Sau này khi Luật PPP ra đời thì có sự tham gia của nhà nước lên tới 50% thì tỷ lệ vốn vay mới điều chỉnh giảm xuống. Trước khi vay, tất cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều đã thẩm định về tính pháp lý cũng như hiệu quả của phương án tài chính mới thực hiện cho vay. Các khoản vay này có tài sản đảm bảo là quyền thu phí và lịch trả nợ được thực hiện theo dòng tiền thực tế.
Chúng tôi khẳng định HHV nợ có kế hoạch, nợ ở đây không phải trả bằng tài sản ngắn hạn. Dòng tiền trả nợ không phải đến chủ yếu từ tài sản ngắn hạn mà đến từ dòng tiền tương lai, đến từ doanh thu hình thành nên tài sản, hình thành nên chi phí.
Trong giai đoạn COVID-19, chúng ta thực hiện giãn cách xã hội nhưng dòng tiền thu phí của HHV vẫn có sự tăng trưởng. Vì vậy, bao giờ cũng có xe lưu thông trên đường, đi qua các trạm thu phí của Đèo Cả. Dẫn tới việc nợ này không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Trong quá trình triển khai các dự án này, đâu đó cũng có các sự sai khác về cam kết của cơ quan nhà nước đến từ cơ chế chính sách như cắt giảm trạm thu phí, miễn giảm hoặc không tăng giá vé theo hợp đồng đã ký. Các nội dung này đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán kiểm tra và xác nhận là đến từ yếu tố nhà nước.
Thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã xác nhận nội dung này và đã có kế hoạch để bù đắp các nguồn thiếu hụt.
Như ở dự án Bắc Giang - Lạng Sơn đã có tờ trình bổ sung nguồn vốn, hỗ trợ cho dự án do cắt giảm trạm thu phí là 5.600 tỷ. Dự án La Sơn - Tuý Loan là 2.280 tỷ và bổ sung nguồn vốn trước đây của dự án hầm Đèo Cả là 1.180 tỷ.
Việc bổ sung nguồn vốn này nhằm mục đích bù đắp những vấn đề nhà nước không thực hiện theo cam kết để làm tăng hiệu quả đầu tư dự án, tăng hiệu quả thu hồi vốn chứ không ảnh hưởng tới việc trả nợ.
Khi Luật PPP ra đời thì phương thức đầu tư của HHV sẽ mang lại nhiều hiệu quả.
Ngay dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo khi có sự tham gia của vốn nhà nước (chiếm 57%) thì hiệu quả của dự án rất rõ ràng. Theo phương án tài chính, một ngày chỉ cần thu được 1 tỷ là đảm bảo nhưng hiện nay một ngày đã thu được 1,6 - 1,7 tỷ.
Đối với dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh mà HHV đang triển khai, vốn ngân sách nhà nước tham gia tới 75%. Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, nhà nước tham gia tới 50%.
Xem thêm tại vietnambiz.vn