ĐHĐCĐ Masan: Đang thí điểm mô hình siêu thị mini nhượng quyền

Sáng ngày 28/04, Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm thông qua kết quả kinh doanh 2021, phương hướng hoạt động trong 2022 và các nội dung quan trọng khác. Năm nay, MSN đặt mục tiêu lãi ròng dao động từ 4,800-6,200 tỷ đồng.

Trực tuyến

ĐHĐCĐ Masan: Đang thí điểm mô hình siêu thị mini nhượng quyền

Sáng ngày 28/04, Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm thông qua kết quả kinh doanh 2021, phương hướng hoạt động trong 2022 và các nội dung quan trọng khác. Năm nay, MSN đặt mục tiêu lãi ròng dao động từ 4,800-6,200 tỷ đồng.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của MSN, MCHMML diễn ra ngày 28/04

*Tài liệu họp ĐHĐCĐ Masan

Xây dựng nền tảng tiêu dùng - công nghệ kết nối vạn nhu cầu

Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT MSN chia sẻ rằng MSN đang tập trung nguồn lực vào các sáng kiến công nghệ để khắc phục những hạn chế còn tồn đọng trong hoạt động kinh doanh của MSN nói riêng và hạ tầng tiêu dùng của Việt Nam nói chung. Sau một thời gian thử nghiệm, đến nay, Masan đã xác định công nghệ nào cần đầu tư và phương thức thực thi để phục vụ tốt nhất và hiệu quả nhất cho người tiêu dùng. MSN đang ở nền tảng O2 (Online to Offline) phiên bản 0.5 của chính mình, nhưng đến trước cuối năm 2022, MSN sẽ hoàn thiện và nâng cấp nền tảng này lên phiên bản 4.0.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch MSN

Các yếu tố được vị lãnh đạo nhấn mạnh gồm: Mini mall sẽ là chìa khóa để hợp nhất toàn bộ nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng và mở rộng quy mô nền tảng O2; nền tảng ngân hàng bán lẻ O2; trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) là công cụ đột phá nâng tầm chất lượng cuộc sống mỗi người tiêu dùng B2B2C; phương thức duy nhất để chuyển đổi số hạ tầng tiêu dùng và phục vụ 100 triệu người Việt Nam. Điều quan trọng nhất, ông Quang chỉ ra dù có công nghệ hỗ trợ nhưng yếu tố con người vẫn là mấu chốt.

Đại hội lần này cũng chứng kiến cái bắt tay, ký kết giữa Masan và Trusting Social nhằm phát triển các nền tảng bản lẻ, consumer AI,...

Trusting Social là một công ty công nghệ tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo mong muốn phổ cập các dịch vụ tài chính thông qua hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng và tài chính dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Trusting Social cung cấp dịch vụ cho hơn 170 tổ chức tài chính trên khắp Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Philippines.

Trusting Social đã xây dựng mô hình hợp tác đôi bên cùng có lợi với các ngân hàng và thương hiệu tiêu dùng tiên phong để cung cấp các sản phẩm tài chính đột phá cho người tiêu dùng ở bất cứ nơi nào họ mua sắm.

WinCommerce kỳ vọng nhanh chóng mở rộng mạng lưới bán lẻ

Về động lực tăng trưởng mới của WinCommerce (WCM), Công ty hợp tác với Lazada và việc mở rộng các kênh online khác trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đã giúp doanh số bán hàng online tăng trưởng đáng kể trong quý 3/2021. Dù vậy, số lượng đơn hàng hằng ngày giảm trong quý 4/2021 do việc nới lỏng giãn cách xã hội và mở cửa trở lại các kênh tạp hóa truyền thống.

Ban Điều hành đặt mục tiêu phát triển kênh online trong năm 2022 vì đây là ưu tiên chiến lược quan trọng, thông qua việc xây dựng mô hình dark store cho mô hình siêu thị để cải thiện việc xử lý các đơn đặt hàng online, giảm thời gian hoàn thành đơn hàng và giảm thiểu lỗi vận hành. Mô hình này được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa lợi nhuận của phân khúc siêu thị, vì các đơn hàng online sẽ do đội ngũ nhân viên chuyên trách với danh mục SKU được tối ưu hóa dành riêng cho kênh online.

Công ty cũng đã thí điểm mô hình siêu thị mini nhượng quyền trong năm 2021, nhằm tăng thêm số lượng điểm bán thương mại hiện đại, gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho WCM, đồng thời giảm thiểu vốn đầu tư ban đầu. 2 cửa hàng nhượng quyền được khai trương vào ngày 31/12/2021 đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhằm giúp WCM xác định mô hình kinh doanh tối ưu và hiểu rõ hơn về cách hợp tác tốt nhất với đối tác nhượng quyền. Sáng kiến này được kỳ vọng sẽ giúp nhanh chóng mở rộng mạng lưới bán lẻ của WCM theo mô hình CVLife tại các vị trí đắc địa nhất trên toàn quốc, từ đó mở rộng hơn nữa độ phủ của WCM.

Tích hợp hệ thống offline và công nghệ vào một nền tảng duy nhất

Nói về phương hướng kinh doanh, ông Danny Le - Tổng Giám đốc MSN cho biết Tập đoàn hướng mạng lưới rộng rãi 30,000 điểm chạm offline. MSN sẽ tích hợp hệ thống offline và công nghệ và một nền tảng duy nhất tạo ra lợi thế trên quy mô lớn và kết nối được toàn bộ hạ tầng một cách đồng bộ. Hệ thống offine lớn mạnh sẽ giúp MSN mở rộng hoạt động online một cách có lợi nhuận.

Mục tiêu của mô hình mini mall đến 2025 là phục vụ 30-50 triệu khách hàng; 30,000 cửa hàng trên toàn quốc; doanh thu 7-8 tỷ USD/năm; chiếm 50% thị phần; EBIT từ 10% trở lên.

Ông Danny Le - TGĐ MSN báo cáo tại Đại hội

Mục tiêu doanh thu 90,000-100,000 tỷ đồng, lãi ròng 4,800-6,200 tỷ đồng

Năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của MSN đạt 88,629 tỷ đồng, tăng 14.8% so với năm trước. Tăng trưởng doanh thu của MSN trong năm tài chính 2021 nhờ các mức tăng lần lượt 20% tại Masan Consumer Holdings (MCH), 17.2% tại Masan MEATLife (MML), 82.7% tại Masan High-Tech Materials (MHT), trong khi doanh thu WinCommerce gần như không đổi. Lãi ròng đạt 8,563 tỷ đồng, tăng 593.9% so với năm 2020 là 1,234 tỷ đồng.

Trong năm 2022, MSN kỳ vọng tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trên tất cả mảng kinh doanh. Động lực tăng trưởng đến từ các hoạt động đầu tư gần đây, điều kiện thị trường thuận lợi hơn, sức mạnh hiệp lực của nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ tích hợp và hiện thực hóa nền tảng Point of Life. Năm 2022, MSN đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 90,000-100,000 tỷ đồng và lãi ròng từ 4,800-6,200 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức 2022 dự kiến do HĐQT quyết định (tỷ lệ chia cổ tức 2021 đạt 12%).

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của MSN
Nguồn: MSN

Về triển vọng dài hạn, Ban lãnh đạo tin rằng những nỗ lực thực hiện trong năm 2021 đã tạo tiền đề cho giai đoạn chuyển đổi và tăng trưởng tiếp theo của MSN. Giai đoạn tới, Công ty sẽ tăng tốc chiến lược Point of Life, nhân rộng mô hình cửa hàng mini mall hiện đại tích hợp các thương hiệu và dịch vụ đột phá có chất lượng vượt trội để phục vụ các nhu cầu lớn, thiết yếu hằng ngày của người Việt xuyên suốt từ offline đến online. Bằng cách ứng dụng dữ liệu lớn (Big data) vào hệ sinh thái ngày càng mở rộng, MSN sẽ mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm kỹ thuật số thế hệ mới, từ đó tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ tới.

Lợi nhuận Masan MEATLife dự kiến sẽ cải thiện hơn nữa trong năm 2022

CTCP Masan MEATLife (MML) - công ty thành viên của MSN chuyên về mảng thịt tích hợp có thương hiệu, đã hoàn tất việc chuyển đổi thành công ty kinh doanh thịt có thương hiệu vào năm 2021.

Năm 2021, biên lợi nhuận gộp của toàn bộ mảng kinh doanh MML (bao gồm cả thức ăn chăn nuôi) là 12,2%, thấp hơn so với mức 16,9% của năm 2020 do giá nguyên liệu đầu vào cao hơn làm giảm biên lợi nhuận mảng thức ăn chăn nuôi và tác động của việc hợp nhất 3F VIỆT. Mảng thịt heo tích hợp đạt biên lợi nhuận gộp là 18.5% vào năm 2021, so với 17.5% vào năm 2020, nhờ mảng kinh doanh thịt tích hợp phát huy sức mạnh cộng hưởng, cùng với việc tăng quy mô và công suất chế biến thịt heo. Mảng thịt gà tích hợp mang lại biên lợi nhuận gộp 2.4% trong quý 4/2021, so với mức 17.4% trong 9 tháng đầu năm 2021.

Lợi nhuận MML dự kiến sẽ cải thiện hơn nữa trong năm 2022 nhờ vào tỷ trọng cao hơn của doanh số B2C và sức mạnh hiệp lực ngày càng gia tăng khi tích hợp sâu rộng hơn vào hệ sinh thái của Masan. 

Chủ trương chào bán riêng lẻ hơn 142 triệu cp

Một nội dung quan trọng tại cuộc họp lần này là trình phương án chào bán cổ phần mới và sử dụng vốn.

Cụ thể hơn, MSN muốn chào bán riêng lẻ hơn 142 triệu cp trong năm 2022 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên 2023. Công ty có thể chào bán một lần hoặc nhiều lần.

Mục đích chào bán và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán nhằm phục vụ cho các mục đích chung, nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động; và/hoặc đầu tư góp vốn vào các công ty con; nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh; tối ưu hóa bảng cân đối kế toán; cho các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp; tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con; tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo muốn cổ đông chấp thuận phương án phát hành cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số lượng phát hành tối đa 0.5% trên tổng số cổ phần đang lưu hành của Công ty, giá phát hành là 10,000 đồng/cp. Toàn bộ số lượng cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Thảo luận:

Biên lãi gộp của MML đang là bao nhiêu và có thể cải thiện hay không?

Lợi nhuận gộp quý 1/2022 của MML đang là 12.1%, thấp hơn kỳ vọng cả năm do ảnh hưởng giá nguyên vật liệu tăng cao. Việc tách mảng cám giúp MML tập trung vào mảng thịt có thương hiệu. Để đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận gộp, Công ty sẽ tập trung vào mảng chế biến để nâng cao mảng này.

Mảng thịt gà từ 3F Việt có điểm nào cạnh tranh trên thị trường?

Công ty đã đầu tư thêm nhà máy giết mổ hiện đại ở miền Bắc và đã đưa vào vận hành chính thức tháng 4 vừa rồi. Điều này giúp mảng thịt gà phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, Công ty phát triển thêm các sản phẩm mới từ gà giúp mảng gà ngày càng phát triển.

Giá thịt heo của Masan dường như đang cao hơn thị trường?

Các sản phẩm của MML là chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn cao, được chọn lọc, đóng gói, bảo quản kỹ càng. Mức giá đưa ra thị trường thì cao hơn giá ở chợ là hoàn toàn hiểu được.

Giá nguyên vật liệu cao có ảnh hưởng màng mì gói của MCH?

Giá nguyên vật liệu tăng vọt lên trong những tháng vừa rồi nhưng không ảnh hưởng đến biên lãi gộp của MCH. Điều này do Công ty đã chuẩn bị sẵn các nguyên vật liệu trước. Thứ hai, không phải ngành hàng nào cũng bị ảnh hưởng, ví dụ như mì Omachi không bị tác động đáng kể.

Tiếp tục cập nhật…

Xuân Nghĩa

FILI