ĐHĐCĐ MBS: Chào bán hơn 138 triệu cp năm 2024, đang làm việc với ba đối tác chiến lược
Câu hỏi liên quan đến an toàn hệ thống công nghệ được cổ đông đặt ra cho lãnh đạo MBS trong bối cảnh Chứng khoán VNDirect vừa bị một tổ chức tấn công hệ thống và nhà đầu tư đã phải tạm ngưng giao dịch trong 5 ngày vừa qua.
Chia sẻ từ phía công ty, ông Phan Phương Anh, Tổng Giám đốc cho biết MBS đang có khoảng 100 người làm việc trong mảng công nghệ thông tin và khoảng 2.000 cán bộ thông tin của MBB hỗ trợ. Hệ thống an ninh an toàn bảo mật được tăng cường từ Tập đoàn mẹ MB và hệ sinh thái Viettel.
Trong kế hoạch tăng vốn năm nay, MBS sẽ sử dụng khoảng 50 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để đầu tư cho công nghệ thông tin.
Đánh giá về sự kiện trên, Tổng Giám đốc MBS đưa quan điểm, “tôi nghĩ chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, các nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm hơn đến vấn đề an ninh an toàn của công ty chứng khoán, cũng sẽ tìm hiểu các công ty chứng khoán đầu tư như thế nào cho công nghệ thông tin, cho an toàn, bảo mật”.
Bên cạnh vấn đề trên, trước thực trạng ngành chứng khoán đang cạnh tranh khá khốc liệt với sức ép từ các công ty chứng khoán lớn và nhóm nước ngoài, ông Phan Phương Anh cho rằng MBS hiện có quy mô vốn tương đối nhỏ, tổng vốn chủ sở hữu là 5.038 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023, vốn điều lệ khoảng 4.300 tỷ đồng đứng thứ 13 trên thị trường. Đó là những khó khăn của MBS trong việc kinh doanh, phục vụ khách hàng.
“Khó khăn nữa trong hoạt động kinh doanh là cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán ngày càng gay gắt, có thể nói là cực kỳ gay gắt. Cổ đông có thể thấy những công ty chứng khoán lớn hơn hoặc là công ty chứng khoán nhỏ mới ra đời cũng tăng vốn lên rất nhanh. Các công ty chứng khoán nước ngoài, đặc biệt từ Hàn Quốc cạnh tranh gay gắt bằng việc giảm lãi suất cho vay. Các công ty chứng khoán thông thường cạnh tranh bằng việc giảm phí giao dịch chứng khoán.
Thực ra điều này rất tốt cho thị trường và cho nhà đầu tư nhưng ảnh hưởng đến hoạt động của công ty hoặc doanh thu đến từ hoạt động này (môi giới – PV) hoặc deal từ hoạt động cho vay có xu hướng bị thu hẹp”, Tổng Giám đốc MBS nói.
Về công tác bán vốn, trong năm ngoái và năm nay, MBS đang làm việc với ba đối tác chiến lược nước ngoài tiềm năng để có thể tham gia cùng. Hiện nay cả ba đối tác đều hỗ trợ công ty vừa tăng cả vốn và hỗ trợ về mặt công nghệ. “Đó là các chiến lược nước ngoài tiềm năng. Tôi hi vọng có thể làm điều đó trong năm nay, thời điểm thích hợp chúng tôi xin báo cáo và công bố với các cổ đông”, ông Phương Anh thông tin.
Với thực trạng của ngành chứng khoán như hiện nay, MBS tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2024. Cụ thể, công ty có kế hoạch phát hành 109,4 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 4:1) với giá 10.000 đồng/cp và chào bán riêng lẻ tối đa 28,73 triệu cp cho dưới 30 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 11.512 đồng/cp.
Tổng số tiền dự kiến thu được từ hai đợt chào bán hơn 138 triệu cp là 1.425 tỷ đồng. Trong đó, 1.094 tỷ đồng từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu được dùng để đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin (50 tỷ đồng), bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành (450 tỷ đồng), cho vay margin (594,2 tỷ đồng). Số tiền hơn 330 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho các hoạt động, nghiệp vụ được cấp phép, cung ứng vốn cho margin.
Căn cứ kết quả kinh doanh năm 2023 và dự báo tình hình thị trường năm 2024, MBS đặt kế hoạch doanh thu năm 2024 đạt 2.786 tỷ đồng, tăng 52,6% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận trước thuế 930 tỷ đồng, tăng 29,9%. Trong năm 2023, công ty lãi trước thuế 716 tỷ đồng, thực hiện 79,6% kế hoạch.
Về phương án phân phối lợi nhuận của năm 2023, MBS trích Quỹ phúc lợi và Quỹ khen thưởng cùng với tỷ lệ 3%, tương ứng với tổng số tiền 35 tỷ đồng. Số lũy kế còn lại đến ngày 31/12/2023 là 601 tỷ đồng, trong đó 525,2 tỷ đồng được dùng để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%.
Xem thêm tại vietnambiz.vn