ĐHĐCĐ PC1: Ưu tiên đầu tư KCN, tự tin hoàn thành kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 73%
Ngày 26/4, CTCP Tập đoàn PC1 (mã PC1) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 thông qua kế hoạch kinh doanh năm với mục tiêu doanh thu 10.822 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 525 tỷ đồng, lần lượt tăng 39% và 73% so với thực hiện năm 2023.
PC1 xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là tiếp tục phát triển những thế mạnh về quản trị chuyên nghiệp; tiên phong về công nghệ tiên tiến; sản xuất và tiêu dùng xanh; lấy trách nhiệm xã hội, uy tín và sự tin cậy làm trọng. Tập đoàn đặt mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng cao các chỉ tiêu kế hoạch trọng yếu, định vị kế hoạch giai đoạn 2030, tạo nguồn lực mới nhằm duy trì chiến lược phát triển bền vững.
Để đạt được các mục tiêu kinh doanh đã đề ra, PC1 sẽ thực hiện loạt giải pháp đối với các mảng kinh doanh cốt lõi. Với khối năng lượng, PC1 sẽ đảm bảo vận hành phát điện các nhà máy thuỷ điện, điện gió tối ưu, an toàn và theo sát tình hình phụ tải hệ thống. Đồng thời, sẵn sàng khởi công 2 dự án thuỷ điện Bảo Lạc A và thuỷ điện Thượng Hà trong quý 3/2024, cũng như nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong thời gian tới.
Với khối bất động sản khu công nghiệp, tại Dự án Khu công nghiệp Nomura Giai đoạn 2 (quy mô khoảng 200 ha), PC1 sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý và hoàn thành thiết kế, xin phê duyệt quy hoạch 1/2.000. Dự án này sẽ được phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Về vấn đề quản lý vốn đầu tư, PC1 sẽ tham gia quản lý và cùng thúc đẩy tiến độ, hiệu quả đầu tư các dự án tại CTCP Western Pacific (PC1 nắm 30,8% vốn). Đồng thời, tập đoàn này tiếp tục thúc đẩy đổi mới quản lý vận hành khu công nghiệp tại Công ty Phát triển Khu Công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng (NHIZ).
Năm 2023 trước đó, PC1 ghi nhận doanh thu đạt 7.775 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 303 tỷ đồng, lần lượt bằng 93% và 56% năm 2022. Với kết quả đạt được, tập đoàn đã thực hiện 82% kế hoạch doanh thu và 59% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra. Trong năm ngoái, PC1 đã nộp ngân sách Nhà nước gần 620 tỷ đồng.
Tại Đại hội, cổ đông PC1 đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát hành thêm 46,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, thời gian thực hiện dự kiến trong quý 4/2024. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận 2024, PC1 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ tức 15%.
Bên cạnh đó, cổ đông PC1 cũng đã chấp thuận bầu bổ sung ông Phan Ngọc Hiếu vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Hiếu tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và có nhiều năm kinh nghiệm quản trị tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, năng lượng.
Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi của cổ đông đã được lãnh đạo PC1 giải đáp:
Về định hướng đầu tư, phát triển 10 năm tới?
Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn cho biết PC1 đang xây dựng chiến lược với sự tham vấn của các tổ chức uy tín. Ông Tuấn nhấn mạnh việc đầu tư phải nhìn vào dài hạn nhưng cũng phải linh hoạt với tình hình thực tế. "Trước đó, PC1 từng xây dựng chiến lược 2021-2025 tập trung vào năng lượng nhưng khi nhận thấy triển vọng ngành thay đổi với quy định về giá FIT, tập đoàn đã quyết đoán xoay trục sang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng là KCN", Chủ tịch PC1 chia sẻ.
Ưu tiên đầu tư hàng đầu của PC1 hiện nay là tập trung nguồn lực cho KCN và BĐS dân dụng với tầm nhìn đến 2030. Tập đoàn đang đầu tư theo hướng xanh và thông minh với nhiều lợi thế sẵn có.
Ưu tiên thứ hai là khối tổng thầu EPC cho các dự án lớn ở Việt Nam và nước ngoài.
Ưu tiên thứ ba với mức độ vừa phải là đầu tư mảng khoáng sản. Ông Tuấn cho biết khẳng định lĩnh vực này không thể vào một cách "ào ào" mà phải chắc chắn từng bước.
Ưu tiên thứ tư là lĩnh vực phát điện. Đây là lĩnh vực được PC1 đầu tư xuyên suốt hướng đến dài hạn. Tập đoàn đang tiếp tục nghiên cứu và tìm các cơ hội đầu tư mới.
Về kế hoạch kinh doanh?
Ban lãnh đạo PC1 đánh giá kinh tế thế giới năm 2024 sẽ ổn định hơn năm trước nhưng tăng trưởng được dự báo sẽ thấp, các vấn đề bên ngoài như xung đột địa chính trị, lạm phát, giảm phát tại các quốc gia phát triển... sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Tỷ giá cao cũng tác động đến các doanh nghiệp. Thời tiết không thuận lợi cho chuỗi thuỷ điện. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn vẫn tự tin PC1 sẽ hoàn thành kế hoạch và nỗ lực vượt mục tiêu đề ra.
"Theo kế hoạch, đến năm 2025 tăng trưởng của PC1 sẽ cao hơn nhiều. Động lực đến từ chiến lược đầu tư dài hạn ngay từ bây giờ. Tài sản tăng trưởng nhờ hoạt động đầu tư. Tập đoàn luôn hướng đến gây dựng khối tài sản có giá trị, sinh ra tiền", ông Tuấn nhấn mạnh.
Về mảng năng lượng?
Tổng Giám đốc Vũ Ánh Dương cho biết, PC1 có 10 nhà máy điện gồm thuỷ điện và điện gió, vận hành liên tục, tạo ra dòng tiền ổn định. Tập đoàn đến nay đã cắt giảm được 3 triệu tấn C02 và đang liên hiện để bán chứng chỉ carbon từ các nhà máy xanh của mình. Riêng với mảng năng lượng tái tạo, PC1 chưa khuyến khích đầu tư thêm và đang chờ chu kỳ mới để tối ưu giá thành.
Đối với dự án Bảo Lạc A, ông Dương cho biết dự án có nguồn năng lượng cơ bản khá tốt, nguồn nước ổn định, ở mức khá. Chi phí đầu tư đang tính toán để tối ưu. Khi hoàn thành sẽ hỗ trợ điều tiết nước cho bậc dưới. Giai đoạn này đầu tư thì chi phí vốn khá thuận lợi. Dự kiến khởi công vào cuối năm nay, phát điện vào quý 4/2026.
Về mảng xây lắp điện?
Chủ tịch HĐQT PC1 cho biết, với EPC, chiến lược của tạp đoàn là tập trung làm tổng thầu các công trình điện ngoài ngành như điện gió, tái tạo,... PC1 đã làm tổng thầu đường dây 500kV tại Lào và dự kiến sẽ làm thêm nhiều dự án tại Úc, Philipines, Đài Loan (Trung Quốc)… với trình độ ngang quốc tế.
Về dự án Đường dây 500kV Mạch 3, ông Võ Hồng Quang, thành viên HĐQT – Phó Tổng Giám đốc PC1 cho biết trên cơ sở đánh giá nguồn lực, PC1 thành lập ban chỉ đạo điều hành, đang kiểm soát tiến độ tốt. Phần móng 13 gói thầu tham gia sẽ hoàn thành vào 30/4. Tiến độ theo kế hoạch là 30/6 sẽ không thay đổi nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan.
Về khối điện công nghiệp, với thị trường ngành điện, PC1 tiếp tục chiến lược khẳng định vị thế số 1 của ngành. Tập đoàn tập trung lựa chọn dự án thuộc lợi thế như đường dây 500kV, các dự án cáp ngầm, trạm biến áp công nghệ cao,… Ngoài đường dây 500kV, PC1 đang triển khai các dự án trọng điểm như cáp ngầm tại TP.HCM, trạm cung cấp điện cho Đà Nẵng, ngoài Bắc là truyền tải công suất để mua điện từ Lào, Trung Quốc.
Với thị trường hạ tầng KCN, đây là chiến lược phát triển dài hạn của PC1. Giai đoạn 2024-2025, tập đoàn hướng đến tổng thầu hàng đầu về hạ tầng KCN, tham gia cả các dự án PC1 đầu tư và FDI bên ngoài. PC1 hiện đã chào giá với các chủ đầu tư, mục tiêu sẽ xây dựng trở thành tổng thầu hàng đầu.
Về lĩnh vực khoảng sản?
Chủ tịch HĐQT PC1 cho rằng việc đầu tư này phải tính trong dài hạn bởi những biến động ngắn hạn có thể ngoài dự báo do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bên ngoài. "Tổng thuế nộp/doanh thu khoảng 39-40%. Phải làm tuyệt đối đúng, đủ kết hợp bảo vệ môi trường. Biên lợi nhuận đủ tích cực, còn rất nhiều thì không có", ông Tuấn chia sẻ.
Về mảng bất động sản?
Với mảng KCN, PC1 đã mua 70% vốn Nomura, còn lại 30% của UBND thành phố Hải Phòng. Dự án được PC1 vận hành tốt, lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số so với giai đoạn trước, ước đạt trên 100 tỷ.
Về công ty liên kết Western Pacific, PC1 góp 30,6% vốn với giá trị hơn 1.100 tỷ đồng. Pháp nhân này là chủ đầu tư KCN Yên Phong quy mô 160ha đang bán và trong năm nay sẽ hạch toán, lợi nhuận ước tính 700 tỷ.
Về việc cổ đông lớn bán ra?
Chủ tịch HĐQT PC1 cho biết việc cổ đông bán ra cổ phiếu là điều bình thường. Một số cổ đông khác sẽ mua vào, đây là quan hệ cung cầu. Điều này không có rủi ro. "Giai đoạn này PC1 gần như không pha loãng. Đảm bảo tốt tính minh bạch với nhà đầu tư, người lao động, ai mua cũng vậy", ông Tuấn nhấn mạnh. Tuy nhiên, Chủ tịch PC1 cũng rất mong muốn nhà đầu tư mua cổ phiếu, có năng lực có thể cộng hưởng làm gia tăng giá trị doanh nghiệp.
Xem thêm tại cafef.vn