Nhận định về thị trường, ông Hoàng Đức Chính, Giám đốc PV Trans Pacific đánh giá, năm 2024 dù được dự báo là năm thuận lợi của ngành vận tải dầu thô nhưng sẽ vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức cũng như diễn biến khó lường do mức độ phục hồi và thời gian phục hồi của thị trường được đánh giá phụ thuộc nhiều yếu tố như tình hình xung đột Nga – Ukraine, bất ổn ở Trung Đông, chính sách của OPEC+, mức độ lạm phát và nỗi lo suy thoái kinh tế, tăng trưởng của đội tàu giảm do các đơn hàng đóng mới tàu ít trong vài năm qua so với nhu cầu vận tải và tương quan với lượng tàu bán thanh lý, các quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường & khí thải sẽ ảnh hưởng đến thị trường tàu dầu thô …
Về kế hoạch kinh doanh, Công ty tổ chức quản lý khai thác an toàn và hiệu quả các tàu đã đầu tư trên thị trường quốc tế, quản lý khai thác các tàu dầu thô của Tổng Công ty PVTrans (mã PVT) để thực hiện vận chuyển dầu thô từ các mỏ trong nước cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất; tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty trong hoạt động quản lý, khai thác an toàn tàu chứa xuất dầu thô (FSO) Dai Hung Queen phục vụ cho mỏ Đại Hùng.
Giám đốc Hoàng Đức Chính (Ảnh Lê Toàn) |
“Định hướng tất cả đội tàu sẽ giao dịch tuyến quốc tế, Công ty sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh để cạnh tranh sòng phẳng với các hãng tàu quốc tế”, ông Hoàng Đức Chính nhấn mạnh về định hướng phát triển dài hạn hướng tới thị trường quốc tế.
Về kế hoạch tài chính, trong năm 2024, PV Trans Pacific đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.700 tỷ đồng, tăng 17,2% so với kế hoạch năm 2023, lợi nhuận sau thuế dự kiến 176 tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch năm 2023 và nộp ngân sách Nhà nước dự kiến 56,4 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2023, PV Trans Pacific ghi nhận tổng doanh thu 1.731,4 tỷ đồng, bằng 119% so với kế hoạch doanh thu 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 188,08 tỷ đồng, bằng 118% so với kế hoạch lãi 160 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư, PV Trans Pacific dự kiến sẽ chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư ngay từ đầu năm 2024 gồm 2 tàu MR và 1 tàu Aframax; hoặc đầu tư 4 tàu MR; hoặc 2 tàu Aframax trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường để phát triển đội tàu, tăng quy mô sản xuất kinh doanh nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn.
Trong đó, tổng vốn đầu tư mới năm 2024 là 56 triệu USD; dự án chuyển tiếp và bổ sung chủng loại là 56 triệu USD (tổng 112 triệu USD).
“Công ty đã tạm thông qua kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư ngay từ đầu năm 2024 để triển khai ngay từ đầu năm, không chờ tới khi Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua mới triển khai”, Chủ tịch HĐQT Lê Mạnh Tuấn nhấn mạnh về việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm 2024.
Được biết, về phát triển đội tàu, trước đó trong tháng 6/2023, PV Trans Pacific đã đầu tư 1 tàu MR là Pacific Era đóng tại Hàn Quốc, trọng tải 50.057 dwt. Trong đó, sau khi hoàn tất nhận bàn giao, tàu Pacific Era được đưa ra khai thác ở thị trường quốc tế.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, PV Trans Pacific đã thông qua kế hoạch cổ tức lên tới 18% trong năm 2023. Trong đó, cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 8% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% (cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến triển khai trong quý II đến quý III/2024).
Và cuối cùng, về nhân sự, PV Trans Pacific thực hiện miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Trần Duy Tân theo nguyện vọng cá nhân và đồng thời bổ sung ông Trần Văn Luấn vào thành viên HĐQT 2024-2029.
Được biết, ông Trần Văn Luấn sinh năm 1977, trình độ Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, cử nhân Quản trị nhân lực và hiện tại đang là Trưởng Ban tổ chức Nhân sự tại Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí, Uỷ viên HĐQT Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Quảng Ngãi.
Cũng tại Đại hội, chia sẻ về kết quả kinh doanh quý đầu năm, Chủ tịch HĐQT PVP Lê Mạnh Tuấn cho biết trong quý I/2024, Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh thuận lợi và vượt kế hoạch nhờ đà thuận lợi của thị trường khi mà Công ty đã ký các hợp đồng dài hạn, giá cước thị trường tương đối tốt.
“Ước tính trong quý I/2024, doanh thu vượt 30% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế khoảng 64,5 tỷ đồng, vượt 34% so với kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại Đại hội, nhiều cổ đông thắc mắc liệu Công ty có định giá lại tài sản tàu Apollo khi giá trị sổ sách còn lại chỉ 4,7 triệu USD nhưng giá thị trường lên tới hơn 30 triệu USD.
Về vấn đề này, ông Lê Mạnh Tuấn chia sẻ, tàu Apollo là tàu đầu tư khá thành công của Công ty, người thuê tàu đánh giá và ưa thích. Con tàu này là tài sản đầu tư lúc đầu khoảng hơn 18 triệu USD, đã khấu hao, từ khi đầu tư và khai thác tới nay là con tàu khai thác hiệu quả.
Dự kiến hết tháng 6/2025 sẽ hết khấu hao, Công ty đang trong giai đoạn vàng của khai thác tàu, như vậy mỗi ngày tàu này mang doanh thu thuần khoảng 1 tỷ đồng/ngày, chi phí cố định khá thấp, đây là còn tàu khai thác hiệu quả.
“Con tàu Apollo là tàu tốt, là bệ đỡ cho Công ty đầu tư và khai thác các con tàu khác. Trong đó, các dự án công ty đầu tư đề ra không để lỗ trong năm đầu khai thác, Công ty sẽ tiếp tục khai thác tàu Apollo trong thời gian tới. Hiện tại Công ty chưa tiến hành định giá lại tàu Apollo, công ty đảm bảo khai thác tài sản hiệu quả”, ông Lê Mạnh Tuấn chia sẻ thêm.
Đại hội giới thiệu thành viên HĐQT mới ông Trần Văn Luấn (Người thứ ba từ phải sang). Ảnh Lê Toàn |
Kết thúc Đại hội toàn bộ tờ trình được thông qua.