ĐHĐCĐ Vietcombank: Số dư khoản cho vay CBBank giảm về 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm nay
Sáng ngày 27/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã chứng khoán: VCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Tại Đại hội, lãnh đạo Ngân hàng đã có cập nhật tới cổ đông tiến độ nhận chuyển giao bắt buộc CBBank theo phương án đã trình cổ đông những năm trước đó.
Theo đó, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Ngân hàng cho biết, về tiến độ, Ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt. Theo kế hoạch đang triển khai, việc nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Ông Tùng nhấn mạnh, để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình. Ngân hàng đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ: rà soát quy định nội bộ và phát hiện ra hơn 300 gaps (khoảng trống, thiếu sót). Hiện đã chỉ còn 20 gaps về quy trình, quy chế.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ Vietcombank năm 2024 (Ảnh: Minh Quang) |
Vietcombank cũng tổ chức tiểu ban rà soát mạng lưới, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực với cán bộ quản lý, nhân viên, phát hiện khoảng trống về trình độ, chuyên môn và xây dựng chương trình đào tạo, sớm hòa nhập theo tiêu chuẩn. Ngân hàng cũng thành lập tiểu ban rà soát giải pháp hỗ trợ đối với bán buôn, bán lẻ cho TCTD yếu kém nhận chuyển giao.
Về công nghệ thông tin, Ngân hàng đã cử chuyên gia đồng hành cùng TCTD yếu kém để đánh giá chất lượng, năng lực, có giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo hoạt động liên tục, hạn chế rủi ro.
“Vietcombank là ngân hàng có vai trò chủ lực của Chính phủ, NHNN, có trách nhiệm thực hiện xử lý TCTD yếu kém, góp phần vào đảm bảo ổn định, hiệu quả của hệ thống ngân hàng”, ông Tùng nói và cho biết, cần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thì mới đảm bảo được an toàn của từng TCTD. Vietcombank theo đó sẽ có những giải pháp hỗ trợ phù hợp, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Đối với câu hỏi của cổ đông về lợi ích khi nhận chuyển giao, Thành viên HĐQT - Ông Đỗ Việt Hùng cho biết, Ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định.
Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số).
“Tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024 này”, ông Hùng cho biết.
Ngoài ra, trả lời chất vấn của cổ đông về khoản nợ có khả năng mất vốn trong tiền gửi và cho vay TCTD khác có phải là CBBank hay không, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, từ năm 2015, Vietcombank được giao nhiệm vụ chính trị là hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank.
Theo đó, phương án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai cho đến nay. Năm 2022, Vietcombank đã cho vay 10.000 tỷ đồng, năm 2023 cho vay 6.700 tỷ đồng và theo quy định, khoản nợ được xếp vào nhóm 5. Tuy nhiên, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn