Thẳng thắn đề cập vấn đề này, tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thừa nhận: “FE Credit là điểm tối kinh doanh của Ngân hàng trong năm qua. Mức lỗ hơn 3.000 tỷ đã ảnh hưởng chung đến kết quả kinh doanh của Ngân hàng”.
Cũng theo ông Vinh, VPBankS và OPES sau hơn một năm gia nhập “đại gia đình” VPBank đã đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh của Ngân hàng hợp nhất là 1.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ngược lại, FE CREDIT, mắt xích tài chính tiêu dùng của hệ sinh thái chưa thực sự tìm lại sức mạnh vốn có. Trước các ảnh hưởng sâu rộng từ đại dịch Covid-19, FE CREDIT liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn khi tệp khách hàng chính bị cắt giảm việc làm và thu nhập, trực tiếp ảnh hưởng tới nhu cầu vay tiêu dùng và khả năng trả các khoản nợ tới hạn.
Ông Vinh trấn an cổ đông trước câu hỏi về sự hỗ trợ của Ngân hàng mẹ và nhà đầu tư chiến lược cho FE CREDIT như thế nào trong bối cảnh hiện nay: “FE CREDIT đang có 49% vốn của SMBC và 50% của VPBank, là “con chung” của cả hai bên nên có sự cam kết cao trong 2 vấn đề: thứ nhất, xây dựng lại nền tảng theo quy định của Việt Nam và hướng tới chuẩn chung thế giới trong đó bao gồm vấn đề như hệ thống, chiến lược, nhân sự…; thứ hai, nguồn vốn”.
Tổng giám đốc VPBank nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam có chiều hướng suy giảm trong thời gian qua nhưng nếu không đẩy mạnh lĩnh vực này, một nhóm khách hàng sẽ không được cung cấp nguồn vốn và nhiều khả năng phải quay sang tín dụng đen. Tuy nhiên, tình hình sẽ khả quan hơn trong thời gian tới, sự phục hồi của nền kinh tế khi nửa cuối năm 2024 cầu phục hồi dần giúp thu hồi nợ sẽ tốt hơn và VPBank dự kiến trong năm 2024, lợi nhuận Ngân hàng sẽ quay trở lại và trong đó có FE CREDIT.
“Lợi nhuận chậm lại ở đâu đó trong thời gian qua sẽ được đẩy mạnh trong những năm tới. Từ năm 2025 trở đi, lợi nhuận FE CREDIT sẽ đạt con số 3.000-4.000 tỷ đồng. Chúng ta sẽ lấy lại những gì đã không đạt được trong thời gian qua bởi chúng ta có nền tảng về con người, công nghệ…”, ông Vinh tin tưởng.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank trao đổi tại ĐHĐCĐ 2024 |
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận. FE CREDIT cũng sẽ được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau hai năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.
Được biết, trong quý 2 hoặc quý 3/2024, VPBank sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Theo đó, mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng nói: “Sau 12 năm kiên trì không chia cổ tức bằng tiền mặt, chúng ta đã xây dựng nền tảng vốn đảm bảo nền tảng tài chính cho kinh doanh tăng trưởng , phát triển trong tương lai nên chia cổ tức bằng tiền mặt và các năm tiếp theo”.
Còn nhớ, tại ĐHCĐ năm 2023, Chủ tịch HĐQT VPBank đã cam kết Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.
Liên quan đến phương án chuyển giao bắt buộc đối với một TCTD là một NHTM yếu kém, tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền dự kiến trong năm nay, quy mô hoạt động của TCTD được chuyển giao bắt buộc (về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu - được thị trường dự đoán lâu nay là GPBank) không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của VPBank tại thời điểm 31/12/2023. Đồng thời, vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao bắt buộc không quá 5.000 tỷ đồng.
VPBank sẽ mua, bán tài sản/nợ/trái phiếu doanh nghiệp với TCTD được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giá trị giao dịch trên 20% vốn điều lệ của VPBank. Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.
Ông Chí Dũng nhấn mạnh: “Không phải ngân hàng nào cũng có đủ năng lực tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng. VPBank là Ngân hàng đặc biệt, có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược SMBC nên đã có nền tảng lớn, triển khai được phương án chuyển giao bắt buộc một TCTD”.
Cũng theo Chủ tịch VPBank, nhận chuyển giao bắt buộc, câu chuyện tài chính không phải là vấn đề lớn mà quan trọng sẽ hỗ trợ Ngân hàng 2 vấn đề: thứ nhất, nhận được “room” tăng trưởng tín dụng cao từ cơ quan quản lý; thứ hai, được mở room ngoại.
“Room cho nhà đầu tư nước ngoài là 30% nhưng nếu tham gia tái cơ cấu một TCTD sẽ giúp nâng tỷ lệ này của ngân hàng lên. Chúng tôi không loại trừ việc nhà đầu tư nước ngoài muốn nâng room sở hữu tại VPBank và room cao hơn 30% là điều kiện giúp VPBank tiếp tục nâng quy mô của Ngân hàng”, ông Dũng nói.
Ngân hàng cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế để phục vụ cho việc huy động vốn bổ sung trên thị trường quốc tế. VPBank dự kiến phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo, không kèm chứng quyền với thời hạn dự kiến 5 năm.
Với sự chấp thuận của NHNN, VPBank đã bầu bổ sung 2 thành viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cụ thể: ông Takeshi Kimoto, hiện là thành viên Ban giám sát Ngân hàng PT Bank BTPN Tbk (một công ty con được thành lập tại Indonesia của SMBC sau khi sáp nhập giữa ngân hàng PT Bank Tabugan Pensiunan Nasional Tbk và ngân hàng PT Bank Sumitomo Mitsui Indonesia vào năm 2019) và bà Phạm Thị Nhung, hiện là Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối quản lý đối tác và quan hệ đối ngoại VPBank.