Di sản cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Thông tại Hà Đô Group

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT và nhà sáng lập Tập đoàn Hà Đô, vừa từ nhiệm với lý do tuổi tác, sức khỏe và tuân thủ các quy định pháp luật về người có liên quan. Ông Thông cho biết: "Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc từ nhiệm, bàn giao chức vụ và rút khỏi HĐQT. Tôi đã bồi dưỡng và xây dựng lực lượng kế nhiệm."

Việc từ chức của ông Thông mở đường cho lớp kế cận, trong đó có ông Nguyễn Trọng Minh, con trai ông Thông, hiện là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Hà Đô. Ông Thông sẽ tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho HĐQT với vai trò Chủ tịch sáng lập.

Hà Đô, thành lập năm 1990, tiền thân là xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng, chuyển thành công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HDG vào năm 2010. Dưới sự lãnh đạo của ông Thông, Hà Đô đã trở thành một tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng.

Di sản cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Thông tại Hà Đô Group
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Hà Đô. Ảnh: Hà Đô

Bất động sản - Nền tảng khởi đầu

Lĩnh vực bất động sản là mũi nhọn đầu tiên dưới thời ông Thông. Với nền tảng là doanh nghiệp có nguồn gốc quân đội, Hà Đô tập trung khai thác vào các thị trường có lợi thế như các dự án nhà ở của đơn vị quân đội. 

Các dự án tiêu biểu gồm chung cư Hoàng Quốc Việt cho cán bộ công nhân viên Viện Khoa học công nghệ Quân sự; khu nhà ở Z751A, Z751B tại TP.HCM cho Tổng cục Kỹ thuật và khu nhà ở Hoàng Văn Thái cho Quân chủng Phòng không - Không quân.

Hà Đô trỗi dậy mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản năm 2016 khi ra mắt dự án Hà Đô Centrosa Garden tại Quận 10, TP.HCM. Dự án bao gồm khu nhà phố liên kế và tám tòa căn hộ cao tầng với tổng 2.200 căn, tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. 

Dự án đã bán 100% số căn hộ chỉ sau một năm ra mắt, đưa Hà Đô vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ giai đoạn 2018 – 2020, với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, đưa bất động sản đóng góp khoảng 60% tổng doanh thu.

Sau thành công của Centrosa Garden, Hà Đô tiếp tục phát triển bất động sản tại các khu đô thị mới như Hado Park View tại quận Cầu Giấy, Hà Nội và Hado Park, Hado Riverside tại TP.HCM. 

Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, Hà Đô tập trung vào dự án Hado Charm Villas tại Hà Nội, ước tính ghi nhận doanh thu khoảng 3.500 tỷ đồng. Đến quý I năm nay, Hà Đô đã bán và bàn giao 420 căn trong tổng số 528 căn của dự án, với kế hoạch mở bán giai đoạn 3 trong nửa cuối năm nay.

Tập đoàn cũng triển khai một số dự án bất động sản mới tại TP.HCM như Hado Green Lane và Hado Minh Long, nhưng những dự án này đang chậm triển khai hơn dự kiến do vướng mắc các vấn đề pháp lý.

Hoạt động đầu tư bất động sản của Hà Đô giai đoạn này cũng chậm lại, nhường chỗ cho mảng kinh doanh mũi nhọn khác là năng lượng.

Năng lượng - Điểm sáng mới

Sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2010, Hà Đô ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt trội và lên đến đỉnh cao hơn 1.300 tỷ đồng vào năm 2022, gấp sáu lần so với thời điểm niêm yết. 

Đóng góp đáng kể trong lợi nhuận này không chỉ là bất động sản mà còn là mảng năng lượng và đây cũng là điểm nhấn quan trọng của Hà Đô dưới thời ông Thông.

Năm 2006, Hà Đô đã bước vào lĩnh vực năng lượng bằng việc góp vốn liên doanh thành lập công ty Za Hưng và đưa vào vận hành Nhà máy thủy điện Za Hưng tại Quảng Nam.

Từ năm 2011, Hà Đô tiếp tục vận hành Nhà máy thủy điện Nậm Pông tại Nghệ An và từ năm 2016, nâng tỷ lệ sở hữu tại Za Hưng từ 37% lên 54%, bắt đầu hợp nhất mảng kinh doanh thủy điện. 

Tập đoàn tiếp tục vận hành các Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc, Sông Tranh 4, và Đăk Mi 2, nâng tổng công suất mảng thuỷ điện lên 314 MW và sản lượng hàng năm hơn 1 tỷ kWh.

Hiện tại, năm nhà máy thuỷ điện mang về doanh thu hàng năm khoảng 1.400 tỷ đồng cho tập đoàn.

Ngoài thủy điện, từ những năm 2018 - 2019, Hà Đô đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, hoàn thành 3 dự án năng lượng tái tạo gồm Điện gió 7A, Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước và Điện mặt trời Hồng Phong 4. Tuy nhiên, hiệu quả các dự án này suy giảm do vướng mắc các vấn đề pháp lý.

Bên cạnh các dự án đã hoàn thành, Hà Đô hiện sở hữu nhiều dự án đang chờ triển khai, trong đó có khoảng bảy dự án điện gió đang trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư. Các dự án đều được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, điều này cho thấy dư địa tăng trưởng mảng năng lượng của Hà Đô còn rất lớn.

Từ năm 2022 đến nay, doanh thu từ mảng sản xuất điện đã vượt qua bất động sản, đóng góp trên 60% tổng doanh thu, trong đó quý I vừa qua, mảng năng lượng đóng góp 67% doanh thu của tập đoàn.

Có thể nói, trước khi rời ghế chủ tịch, ông Thông đã xây dựng một tập đoàn Hà Đô được các công ty chứng khoán đánh giá là một trong những tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam với ba lĩnh vực kinh doanh quan trọng gồm bất động sản, năng lượng và quản lý cho thuê văn phòng.

Chứng khoán ORS nhận định, các mảng kinh doanh của Hà Đô sẽ tiếp tục mạnh trong thời gian tới, với nhiều dự án điện gió tiềm năng và xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo gia tăng.

Xem thêm tại theleader.vn