Điểm mặt loạt cổ phiếu luôn tăng trong tháng 9 gồm nhiều cái tên hot như FRT, VPB…
Trong 5 tháng qua, VN-Index đã có 3 lần tiếp cận vùng 1.300 điểm, trong đó có lần đã vượt qua mốc này vào giữa tháng 6 khi lên đến 1.306 điểm, nhưng sau đó đã không thể tiếp tục đi lên mà nhanh chóng điều chỉnh trở lại. Có thể nói đây là vùng kháng cự mạnh và khá nhạy cảm với thị trường trong vòng 2 năm qua. Với đợt phục hồi trong 1 tháng qua, VN-Index một lần nữa đang cho thấy cơ hội chinh phục vùng giá này.
Do vậy, thị trường có thể sẽ trải qua giai đoạn củng cố trong nửa đầu tháng 9 và tích lũy để có đà bứt phá mạnh mẽ nhất, khi mà quá khứ cho thấy hiệu suất trong tháng 9 không quá nổi trội. Cụ thể, VN-Index ghi nhận mức giảm bình quân 0,8% trong tháng 9 của 23 năm qua, trước khi bước vào giai đoạn thường tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm kéo dài cho đến đầu năm sau.
Thực tế, tháng 9 hàng năm không có nhiều thông tin hỗ trợ, thị trường sẽ trải qua vùng trũng thông tin khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II đã qua đi. Do đó, diễn biến khả quan của thị trường trong tháng 9 chủ yếu phản ánh kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Bên cạnh đó, mối quan tâm lớn hiện nay của thị trường là mức độ và cường độ cắt giảm của Fed trong năm nay. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect nhận định gần như chắc chắn Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Nếu chỉ xét trên yếu tố này, nhà đầu tư có thể lạc quan với thị trường trong tháng 9 tới bởi nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ hồi phục, lợi nhuận đảo chiều tăng mạnh sau khi khó khăn đã dần vơi.
Nếu không tính năm 2022 chịu ảnh hưởng tiêu cực từ loạt yếu tố trong và ngoài nước, trong 3 năm liên tiếp sàn HoSE ghi nhận 12 cổ phiếu luôn tăng (tức là tăng liên tục 3 năm) trong tháng 9. Một số cổ phiếu nổi bật có thể kể đến như FRT, CNG, GEG, VPB, DCM, VJC, PC1…
Một trong những động lực tăng trưởng 3 năm liền là bởi tính chất chu kỳ của cổ phiếu, ví dụ ngành bán lẻ như FRT sẽ hưởng lợi khi Iphone ra mắt sản phẩm mới thường vào tháng 9-10 hàng năm. Đáng chú ý, mảng ICT của doanh nghiệp dự kiến sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc Apple yêu cầu các nhà bán lẻ ủy quyền tại Việt Nam bỏ sản phẩm Apple khỏi các kênh livestream.
Nhóm ngành phân bón, DCM là cổ phiếu luôn tăng trong tháng 9 giai đoạn 2020-2023 (không tính năm 2022), trong đó tháng 9/ 2020 tăng gần 28%. Với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành phân bón sẽ có cơ hội cạnh tranh với các mặt hàng phân bón nhập khẩu khi luật thuế VAT mới được áp dụng, đồng thời đã có động lực tăng trưởng dài hạn từ việc tăng công suất sản xuất phân bón NPK.
Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn năm 2024-2025 lần lượt tăng 56,2% và 21,3% svck do nhà máy Đạm Cà Mau hết khấu hao và kỳ vọng luật thuế VAT mới được áp dụng từ năm 2025 giúp giảm chi phí nhờ hoàn thuế VAT đầu vào.
Đối với ngành điện, sau khi cơ chế cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được thông qua, GEG là doanh nghiệp sớm nhận được chú ý khi đây là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Ở mảng điện mặt trời, công ty đang có 6 dự án với tổng công suất hơn 342MWp; 34 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 32MWp, chưa kể các dự án điện gió khác.
Tuy nhiên, việc toàn bộ các nhà máy điện gió đang hoạt động của GEG bị điều tra có thể là một tình huống nghiêm trọng, ảnh hưởng tới giá của cổ phiếu này trong thời gian tới.
Đối với ngành ngân hàng, trong báo cáo triển vọng ngành của Chứng khoán KBSV, các chuyên gia phân tích cho rằng tốc độ giải ngân tương đối ảm đạm trong những tháng đầu năm, nhưng tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sẽ hoàn thành kế hoạch 15% dựa trên nhiều kỳ vọng.
Những kỳ vọng này bao gồm: tiếp tục triển khai chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại để hỗ trợ kinh tế hồi phục; động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024 kỳ vọng được đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân, thị trường bất động sản tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo Chứng khoán VPBankS, 12/27 ngân hàng hiện đang có diễn biến giao dịch vượt trội hơn so với VN-Index và hầu hết các ngân hàng là ngân hàng tư nhân. P/B của ngành hiện đang giao dịch quanh mức 10 năm là 1,55 lần, tương đương với mức giảm khi đại dịch COVID-19 bắt đầu và tình hình nợ xấu tăng cao trong thời gian vừa qua làm ảnh hưởng chung tới sức khỏe của cả hệ thống.
Tuy nhiên, VPBankS cho rằng với bối cảnh tươi sáng hơn của nền kinh tế, thì P/B hiện tại đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn.
Nguồn: VPBankS |
Cổ phiếu VPB là 1 trong những cổ phiếu diễn biến tích cực trong thời gian gần đây. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo kết quả kinh doanh năm 2024 của VPB tăng trưởng mạnh với tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 60.352 tỷ đồng (+21% svck) và 15.096 tỷ đồng (+51% svck). Động lực tăng trưởng chính: (1) tăng trưởng tín dụng ở mức 23%, (2) NIM hồi phục 12 bps lên 5,8% và (3) Credit cost giảm xuống 4,1%.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn