Điểm mới Luật TCTD sửa đổi ảnh hưởng ra sao đến các ngân hàng?
Ngày 18/1, với 450/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Luật gồm 15 chương, 210 điều và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024, trừ khoản 3 điều 200 và khoản 15 điều 210 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 (liên quan đến chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản đảm bảo).
Luật TCTD sửa đổi nhắm đến hạn chế sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng; ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của nhân viên TCTD trong tư vấn bảo hiểm; những vấn đề liên quan xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo là dự án bất động sản; hay việc Ngân hàng Nhà nước can thiệp kịp thời vào các TCTD để giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Siết chặt sở hữu chéo
Cụ thể, để tăng tính minh bạch trong cơ cấu sở hữu, giảm tình trạng sở hữu chéo, dự thảo Luật TCTD mới bổ sung trường hợp công ty con của công ty con của TCTD, thêm các mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp với người liên quan như cha dượng, mẹ kế, con riêng, con dâu, con rể, ông bà…; trách nhiệm công bố thông tin của người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát… sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên giảm xuống 1% vốn điều lệ…
Nhằm giảm tình trạng sở hữu chéo, dự thảo bổ sung thêm trường hợp TCTD không được góp vốn, mua cổ phần vào các doanh nghiệp, TCTD khác là người có liên quan đến cổ đông lớn, thành viên góp vốn.
Luật quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn TCTD (trước đó là 15%), cổ đông và người có liên quan không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ TCTD (trước đó là 20%) để giảm tình trạng sở hữu chi phối.
Song, Luật cũng có quy định chuyển tiếp rằng cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cho đến khi tuân thủ quy định; đồng thời có điều khoản ngoại trừ với sở hữu nhà nước tại TCTD cổ phần hóa, sở hữu nhà đầu tư nước ngoài…
Với các quy định trên, Chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng Luật TCTD mới hướng đến mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động của ngành ngân hàng, cụ thể là liên quan đến quyền sở hữu, và cho vay các bên liên quan. Việc mở rộng đối tượng bị coi là liên quan, đồng thời giảm giới hạn cho vay với các bên liên quan là nhắm đến mục tiêu hạn chế việc cho vay sân sau.
Điểm đáng chú ý tiếp theo, TCTD không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 10% vốn tự cao (giảm từ 15%) và một khách hàng và người có liên quan 15% (giảm từ 25%). Việc này nhằm giảm thiểu rủi ro tập trung cho hệ thống ngân hàng (cho vay quá nhiều đối với một vài đối tượng).
Tuy nhiên, việc giảm này cũng có lộ trình. Như từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 1/1/2026 thì giảm xuống 14% vốn tự có với một khách hàng và 23% vốn tự có với một khách hàng và người có liên quan; đến 1/1/2027, xuống 13% và 21%; đến 1/1/2028 xuống 12% và 19%; đến 1/1/2029 thì buộc phải đáp ứng quy định.
MSVN đánh giá quy định trên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cho vay của một số ngân hàng cũng như tạo thách thức cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn lớn (chẳng hạn như Vietcombank cho Hòa Phát hoặc sân bay Long Thành vay). Ngân hàng hoặc người đi vay có thể phải sử dụng nhiều hình thức cho vay hợp vốn hơn.
Khơi thông xử lý nợ xấu
Luật các TCTD sửa đổi đưa ra một chương riêng về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo. Các TCTD được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ. Đồng thời, thời gian xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản nới dài từ 3 năm thành 5 năm.
Chứng khoán MBS kỳ vọng rằng các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với 1 phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao như Tecombank, MBBank, VPBank, SHB, HDBank…
Đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, dự thảo mới cấm việc các tổ chức tín dụng bán bảo hiểm khi cung cấp dịch vụ ngân hàng (như hợp đồng cho vay). Việc siết chặt này, theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hoạt động bancassurance của các ngân hàng bị tác động và cần thời gian dài để phục hồi. Khi mà người dân nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm thì lúc đó ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm.
MBS cũng đánh giá tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bancassurance sẽ chậm lại so với giai đoạn 2019 – 2021. Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập lãi ngoài cao như VIB, ACB sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Cuối cùng, sẽ có sự can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước vào các TCTD khi có một số dấu hiệu như lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ vi phạm tỷ lệ an toàn tối thiểu (trong BCTC kiểm toán hoặc kết luận thanh tra), xếp hạn dưới mức trung bình theo quy định, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày liên tục, vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong 6 tháng liên tục, bị rút tiền hàng loạt…
Những quy định này giúp hệ thống an toàn hơn và không có ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng niêm yết trên sàn, báo cáo của MBS đánh giá.
Tóm lại, MSVN cho rằng với nhà đầu tư tài chính nên quan tâm nhiều hơn đến các quy định ảnh hưởng đến yêu cầu về vốn, tính toán rủi ro của ngân hàng, vì đó sẽ ảnh hưởng mạnh và trực tiếp lên ROE (lợi nhuận trên vốn). Với Luật các TCTD sửa đổi 2024, tổ chức này không thấy gây thay đổi cơ cấu gì cho ROE và cũng chỉ nhằm mục tiêu quản lý ngành ngân hàng tốt lên.
MBS nhận định những vấn đề liên quan đến bảo hiểm hay xử lý tài sản đảm bảo là dự án bất động sản chỉ ảnh hưởng đến các ngân hàng trong ngắn hạn. Về mặt dài hạn, Luật các TCTD sửa đổi có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế.
Xem thêm tại nhadautu.vn