Điểm nghẽn của chứng khoán Việt Nam

Thị trường Việt Nam sau 24 năm đã trở thành một thị trường lớn trong khu vực

Trong tọa đàm Thị trường chứng khoán Việt Nam – Động lực mới, cơ hội mới diễn ra sáng ngày 23/7, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam có chặng đường phát triển chưa dài. So với các thị trường trong khu vực, thời gian hình thành và phát triển của Việt Nam (24 năm) chỉ bằng một phần tư các thị trường xung quanh như Philippines, Malaysia, Thái Lan,...

Tuy nhiên, có thể thấy trong thời gian 24 năm, thị trường đã có những bước tiến vượt bậc và hiện đã vươn tới là một trong những thị trường khá lớn trong khu vực. Thị trường bắt đầu với hai cổ phiếu, đến nay đã có hơn 1.800 cổ phiếu được đăng ký niêm yết và giao dịch trên thị trường.

Mức vốn hóa thị trường hiện cũng đã lên tới 70% của GDP (trên 300 tỷ USD). Con số này không thấp, có thể đứng thứ 30 đến 35 trong danh sách các thị trường chứng khoán có mức vốn hoá lớn nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam rất sôi động với mức thanh khoản trong năm 2024 luôn luôn ở mức gần 1 tỷ USD (khoảng 24.000 tỷ trong mỗi phiên giao dịch), chưa tính đến khối lượng giao dịch trên thị trường trái phiếu Chính phủ (khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng/phiên) cùng với trái phiếu doanh nghiệp (khoảng 3.000 tỷ đồng). Do đó, có thể nói thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Về mặt ý nghĩa, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết thị trường trong 24 năm qua đã tạo ra một giá trị rất lớn đối với nền kinh tế. Đầu tiên là thúc đẩy việc cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp đang niêm yết và giao dịch, gần một nửa trong số đó là các doanh nghiệp có nguồn gốc từ cổ phần hóa.

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước mở rộng sản xuất kinh doanh, hoạt động hiệu quả và mang lại nhiều giá trị cho các nhà đầu tư cũng như Nhà nước.

"Đối với doanh nghiệp tư nhân, trên thị trường hiện có rất nhiều tập đoàn tư nhân đang niêm yết. Nếu không có thị trường chứng khoán, chỉ với năng lực nội tại hay từ nguồn vốn ngân hàng thì khó có thể có được những tập đoàn kinh tế lớn đang niêm yết trên thị trường hiện nay, trong đó, nhiều tập đoàn đã đứng trong Top500 trong khu vực Đông Nam Á", Phó Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.

Những mặt hạn chế của thị trường

Về đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc Chiến lược Chứng khoán SSI cho biết nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất lớn, với dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao nhất trong các thị trường láng giềng và nguồn vốn FDI dồi dào.

Tuy nhiên, thị trường còn những mặt hạn chế như phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch, gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài; tỷ lệ room nước ngoài cũng là một rào cản lớn; và thị trường không có quá nhiều lựa chọn mới trong những năm vừa qua, có thể thấy trong rổ VN30 chưa có ý tưởng nào mới để tạo xúc tác cho thị trường.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất kỳ vọng vào việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi dù chỉ là của FTSE Russell, điều này tạo tiền đề cho việc nâng hạng tiếp theo tại MSCI.

Chia sẻ thêm về tình hình nâng hạng thị trường của Việt Nam, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết trong quá trình tiến hành các giải pháp, UBCKNN và các bên liên quan luôn có những trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư cũng như các tổ chức quốc tế.

Đến thời điểm hiện tại, UBCKNN đã nhận được những đánh giá rất tích cực của các nhà đầu tư lớn trên thế giới có đầu tư vào thị trường Việt Nam, phần lớn các giải pháp về các vấn đề lớn đều nhận được sự đồng thuận, những vấn đề hiện cần tiếp tục trao đổi thêm chủ yếu liên quan đến các vấn đề mang tính kỹ thuật, liên quan tới mối quan hệ giữa các nhà đầu tư với công ty chứng khoán và các ngân hàng lưu ký. Các vấn đề này đang được các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký Việt Nam tích cực triển khai các giải pháp giải quyết.

Xem thêm tại vietnambiz.vn