Điểm nhấn tiền tệ tháng 8: Tín dụng phục hồi, tiền đồng tăng giá trở lại
Tín dụng phục hồi trở lại trong tháng 8
Sau khi sụt giảm nhẹ trong tháng 7, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã phục hồi trở lại trong tháng 8. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng tính đến ngày 26/8 đã tăng 6,63% so với cuối năm 2023, cao hơn con số ghi nhận vào tháng 6 (6,1%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14- 15%).
Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, diễn biến tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2024 có phần tương tự năm trước, tuy nhiên xét về quy mô, tốc độ mở rộng tín dụng năm 2024 mạnh hơn đáng kể. 8 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,6%.
Ngày 28/8, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh nới room dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.
Chứng khoán MB kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%. Trong đó, cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp.
Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Trong tháng 8, xu hướng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục diễn ra.Trong khi nhóm ngân hàng cổ phần đã đồng loạt nâng lãi suất huy động từ quý II, thì đến tháng 8 các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh mới rục rịch có động thái với những tín hiệu từ Agribank và BIDV.
BIDV đã nâng lãi suất tiết kiệm trực tuyến (online) từ 0,1 - 0,3 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến 11 tháng trong khi Agribank tăng lãi suất tiền gửi tại quầy với kỳ hạnhạn 24 tháng thêm 0,1 điểm %. Lãi suất huy động của các Big4 còn lại giữ nguyên.
Trong khi đó, xu hướng lãi suất huy động ở khối ngân hàng tư nhân có sự phân hoá, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất ít hơn so với tháng trước trong khi có một vài ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng qua.
Theo khảo sát của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính đến ngày 26/8, lãi suất huy động bình quân của 35 ngân hàng được khảo sát đã tăng khoảng 57-76 điểm cơ bản so với mức thấp nhất vào cuối quý I và trở về sát mặt bằng lãi suất cuối năm 2023.
Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân cao hơn 18 điểm cơ bản so với cuối năm ngoái, mức thấp nhất là 3,7%/năm (SCB) và mức cao nhất là 6%/năm (ABBank).
"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động tiếp tục tăng trong các tháng còn lại của năm 2024, cao hơn 50-100 điểm cơ bản so với đầu năm", các chuyên viên phân tích của VDSC dự báo.
Tiền đồng tăng giá trở lại
Xu hướng tăng giá của tiền đồng tiếp diễn trong tháng qua nhờ đồng USD giảm mạnh. Tâm điểm của thị trường tiền tệ đến từ phát biểu của Chủ tịch Fed tại hội nghị chính sách kinh tế Jackson Hole, ông khẳng định đã đến lúc phải cắt giảm lãi suất khi lạm phát đang tiến dần về mức mục tiêu dài hạn là 2% trong khi rủi ro trên thị trường lao động tăng dần.
Hiện tại, thị trường đang đánh giá khả năng cao hơn là Fed sẽ giảm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9 tới đây và tổng mức giảm cho năm 2024 là 100 điểm cơ bản.
Chỉ số USD Index (DXY) tiếp tục giảm tuần thứ ba liên tiếp và các đồng tiền khác đều tăng giá mạnh so với USD.
Tốc độ tăng giá của tiền đồng trong tháng qua nhanh hơn tháng trước. Tỷ giá USD/VND bình quân trên thị trường chính thức đã giảm về 24.978 đồng/USD, giảm 1,1% so với cuối tháng trước. Trên thị trường tự do, tỷ giá bán đã giảm về mức 25.270 đồng/USD, giảm khoảng 1,7% so với cuối tháng 7.
Các chuyên gia của VDSC cho rằng áp lực về nhu cầu USD tăng trở lại trong cuối quý III và đầu quý IV cũng sẽ không gây áp lực đến triển vọng tỷ giá. "Tỷ giá USD cuối năm 2024 có thể dao động quanh mức 25.000 VND/USD, tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái", VDSC dự báo.
NHNN tiếp tục bơm ròng tháng thứ hai liên tiếp
Trong tháng 8, NHNN tiếp tục thực hiện bơm ròng trên thị trường mở nhưng với quy mô xấp xỉ so với tháng 7.
Tính đến ngày 26/8, tổng giá trị tiền ròng NHNN bơm vào hệ thống ước khoảng 322.700 tỷ đồng với mức lãi suất 4,25% - 4,5%, kỳ hạn 7 – 14 ngày, trong đó bao gồm 158.300 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Cùng với đó có khoảng 22.000 tỷ đồng tín phiếu sẽ tiếp tục đáo hạn trong tháng 9.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đã giảm nhẹ từ mức 4,5% vào hồi đầu tháng về mức 4,3% vào ngày 26/8, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần tới 1 tháng hiện dao động từ 4,3% - 4,4%.
Lãi suất trên thị trường mở cũng có sự điều chỉnh đáng chú ý. Từ 5/8, NHNN đã điều chỉnh giảm 25 điểm cơ bản lãi suất kênh cầm cố và tín phiếu từ 4,5%/năm xuống còn 4,25%/năm. Tiếp đó, lãi suất phát hành tín phiếu được điều chỉnh giảm thêm 15 điểm cơ bản trong tuần trước xuống còn 4,15%/năm tại ngày 23/8.
Diễn biến này đi cùng với việc tỷ giá tiếp tục giảm trong tháng qua, đồng thời, NHNN cũng tận dụng việc Fed cắt giảm lãi suất điều hành trong tháng tới để điều chỉnh lãi suất điều hành trên thị trường mở. Với diễn biến tỷ giá hiện tại, NHNN cũng sẽ không cần phải nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá trong các tháng còn lại của năm.
Trong tháng qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định. Cụ thể, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn dưới 1 tháng bình quân trong tháng 8/2024 khoảng 4,5 - 4,6%/năm, tăng nhẹ 10 điểm cơ bản so với mức bình quân của tháng trước.
Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm dần về cuối tháng, lãi suất cho vay qua đêm tại ngày 22/8 là 4,38%/năm, giảm khoảng 22 điểm cơ bản so với đầu tháng. Tương tự, lãi suất cho vay các kỳ hạn 1 tuần đến 6 tháng cũng giảm khoảng 11-76 điểm cơ bản so với đầu tháng.
Xem thêm tại vietnambiz.vn