'Điểm tên' các ngân hàng phải thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ đông lớn

Điểm mới nổi bật trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là việc giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức (bao gồm cả cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Còn giới hạn tỷ lệ sở hữu với cổ đông cá nhân được giữ như hiện hành, tức 5%, song ngân hàng phải công bố thông tin các cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan, thay vì quy định chỉ công bố cổ đông nắm giữ 5%. Định kỳ hàng năm, tổ chức tín dụng công bố những thông tin này với đại hội cổ đông, đại hội thành viên, hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, “những người có liên quan” cũng được mở rộng, gồm cả cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con rể; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.

Ngoài ra, ông bà nội, ngoại; cháu nội, ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột cũng thuộc diện “người có liên quan”. Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là “người có liên quan”.

Trong khi đó, hiện trong hệ thống vẫn có một số nhà băng có cổ đông sở hữu vượt tỷ lệ cổ phần cho phép theo quy định mới. Chẳng hạn, tại Saigonbank (SGB), theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023 thì tại thời điểm 30/6/2023, nhà băng này hiện có một số cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần như Văn phòng Thành ủy TP.HCM (nắm 18,815%), Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (nắm 16,64%), Công ty TNHH MTV Du lịch Thương Mại Kỳ Hòa (16,325%), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (14,081%).

Tại PGBank, theo danh sách cổ đông tại thời điểm 30/9/2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh sở hữu 13,099% vốn; CTCP Quốc tế Cường Phát sở hữu 13,51%; CTCP Thương mại Vũ Anh Đức nắm 13,35% vốn.

Hay tại MB, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội sở hữu 14,13% cổ phần ở nhà băng này.

Danh sách cổ đông lớn tại Techcombank, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đang sở hữu trên 10% cổ phần. Đồng thời, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan, Phó Chủ tịch Techcombank đang sở hữu 0,266% cổ phần tại ngân hàng này...

Tại ABBank, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 thể hiện CTCP Tập đoàn Geleximco là cổ đông lớn sở hữu 12,78% vốn. Ngoài ra, ABBank còn có cổ đông ngoại chiến lược là Ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) nắm 16,39% vốn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi thì giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các tổ chức, cổ đông và người liên quan, nhưng không áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Để tránh xáo trộn tới hệ thống ngân hàng, Luật đã đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (1/7/2024), cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, các cổ đông này sẽ không được tăng thêm cổ phần đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cuối năm 2022, có tổng số 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, một công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Dù vậy, các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, vẫn có nhiều cách để cá nhân, tổ chức “lách” quy định về tỷ lệ sở hữu tại tổ chức tín dụng. Giải quyết vấn đề sở hữu chéo trở nên khó khăn hơn do mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty liên quan đến cổ đông, cá nhân liên quan thường rất phức tạp.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn