Điểm tên những doanh nghiệp đổi mặt nguy cơ hủy niêm yết
Hủy niêm yết là mối lo bởi sự kiện này tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu và ảnh hưởng quyền lợi của nhà đầu tư. Tuy vậy, đây là cơ chế cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, thanh lọc những doanh nghiệp không còn đáp không còn đáp ứng tiêu chí.
Quy định về hủy niêm yết hiện nay được điều chỉnh tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Quy chế niêm yết chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo đó, cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong nhiều trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, kể đến: lỗ 3 năm liên tiếp; lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm; cổ phiếu không giao dịch trong 12 tháng; phát hiện giả mạo hồ sơ niêm yết; vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin; các trường hợp khác.
Ở thời điểm hiện tại, các đơn vị đang/chuẩn bị thực hiện kiểm toán và công bố báo cáo tài chính năm 2023 sau kiểm toán. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý IV/2023 được công bố đã hé lộ nhiều cái tên có nguy cơ.
Nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc
Theo thống kê, có 6 công ty niêm yết đang rơi vào diện lỗ liên tục 3 năm 2021 - 2023, căn cứ theo báo cáo tài chính quý IV/2023, gồm Lilama 45.3, Chiếu xạ An Phú (Mã: APC), Lilama 69-2 (Mã: L62), Nước giải khát Chương Dương, Hoàng Anh Gia Lai Agrico và Vietnam Airlines.
Trường hợp Hoàng Anh Gia Lai Agrico (Mã: HNG), trong năm 2023, doanh thu giảm 16% về mốc 600 tỷ đồng. Lỗ gộp và chi phí lãi vay cao khiến công ty lỗ 1.050 tỷ đồng và là năm thứ ba liên tiếp. Khoản lỗ hàng nghìn tỷ liên tiếp trong các năm gần đây khiến lỗ lũy kế tăng lên gần 8.054 tỷ đồng.
Hoàng Anh Gia Lai Agrico cho biết đang thực hiện lộ trình kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2024-2027 với chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ; kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến với kinh doanh dịch vụ khách sạn, liên kết với đối tác để đầu tư và sản xuất.
Đồng thời, công ty kinh doanh vật tư và máy móc, thiết bị chuyên dụng trong nông nghiệp; liên kết thu mua và phân phối các sản phẩm nông nghiệp; sản xuất phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, giao nhận và kho bãi...
Lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai Agrico kỳ vọng các chiến lược trên sẽ tạo ra sự phát triển bền vững và lợi nhuận trong các năm tiếp theo, từ đó từng bước giảm lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính trong thời gian sớm nhất.
Với Vietnam Airlines (Mã: HVN), 2023 là năm thứ 4 liên tiếp hãng hàng không báo lỗ, với con số lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ trên 5.800 tỷ đồng. Lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến cuối 2023 là 40.957 tỷ đồng.
Doanh thu năm 2023 của Vietnam Airlines tăng 30% so với năm trước, đạt 91.459 tỷ đồng. Công ty vẫn lỗ trong bối cảnh thị trường vận chuyển quốc tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, tình hình thị trường vận tải hàng không trong ngoài nước gặp nhiều khó khăn do suy giảm cầu, tình trạng thừa tải và cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ukraine, Israel - Palestine tại Dải Gaza và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng.
Hãng bay này cho biết đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2022 - 2025, đang báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu lớn thực hiện song song là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Giống Vietnam Airlines, CTCP Lilama 69-2 (Mã: L62) và CTCP Nước giải khát Chương Dương (Mã: SCD) vừa lỗ 3 năm liên tiếp (khả năng hủy niêm yết), lại vừa âm vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2023.
"Cánh cửa thoát hiểm" mở ra cho Vietnam Airlines?
Như đã đề cập, theo quy định, doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp tại báo cáo kiểm toán năm sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Tuy nhiên, trường hợp Vietnam Airlines đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 (vào cuối 2023), ghi nhận việc lỗ 3 năm liên tiếp 2020 - 2022 (chưa tính thêm năm 2023).
Không những vậy, tổng cộng, Vietnam Airlines vướng vào đến 3 trường hợp hủy niêm yết theo quy định Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020: "Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Tuy nhiên, hiện nay (đến hết tháng 2), hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn đang được giao dịch trên sàn HOSE.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào tháng 12, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho rằng việc âm vốn chủ và thua lỗ ba năm liên tiếp của Vietnam Airlines là tình huống đặc biệt khi ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo phía công ty, đây là tình huống khách quan, doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước sẽ nghiên cứu, đánh giá yếu tố này thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết.
Liên quan vấn đề này, ngay đầu năm 2024, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Trong đó, dự thảo đề xuất bổ sung quy định: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".
Nếu cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục được niêm yết HOSE, đây sẽ là trường hợp ngoại lệ đầu tiên trên sàn chứng khoán vi phạm theo quy định mà không bị huỷ niêm yết.
Tạm gác lại trường hợp Vietnam Airlines, tổng quan, quy định về điều kiện hủy niêm yết bắt buộc khi lỗ 3 năm liên tiếp vẫn còn "kẽ hở" cho doanh nghiệp. Đơn cử, Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) sử dụng thủ thuật hồi tố, làm thay đổi dữ liệu báo cáo tài chính trong quá khứ, là điều mà quy định chưa dự trù đến.
Ngoài trường hợp lỗ 3 năm liên tiếp nêu trên, thời gian gần đây Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cũng nhắc nhở về khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với một số đơn vị như Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), Thép Pomina (Mã; POM) nếu tiếp tục vi phạm về công bố thông tin.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định hủy niêm yết đối với CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF), CTCP Khoáng sản và Cơ khí (Mã: MIM) và CTCP Cơ điện Dzĩ An (Mã: DZM) cùng vào cuối tháng 1. Nguyên do là 3 đơn vị này vi phạm nghiêm trong nghĩa vụ công bố thông tin. Thêm vào đó, tại trường hợp Khoáng sản và Cơ khí, tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất.
Xem thêm tại vietnambiz.vn