* MASVN và AGR cùng khuyến nghị tích cực, CTS khuyến nghị mua HHV
Theo MASVN, sau khi phát hành thêm, giá trị sổ sách cuối năm 2023 của HHV ở mức 11.300 đồng/CP. Kỳ vọng Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2024, giá trị sổ sách và EPS của HHV vào cuối năm lần lượt đạt 12.300 đồng/CP và 1.014 đồng/CP. Kỳ vọng mức P/E và P/B mục tiêu lần lượt đạt 20 lần và 1,5 lần, giá mục tiêu HHV sẽ ở mức 19.350 đồng/CP và khuyến nghị mua vào dành cho cổ phiếu này.
Bên cạnh đó, AGR dự kiến trong năm 2024, mảng xây dựng tiếp tục là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong khi doanh thu mảng BOT sẽ có mức tăng trưởng trung bình 4% đối với mỗi dự án. Dự án Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn với tổng lượng backlog là 1.700 tỷ đồng và dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 dài hơn 93km, tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ là yếu tố đóng góp chính vào doanh thu mảng xây dựng trong 2024. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HHV với giá tham chiếu 18.000 đồng/CP.
Còn CTS khuyến nghị mua cổ phiếu HHV khi hiện tại mã này ghi nhận chỉ báo MACD diễn biến tích cực cho thấy tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn.
Dù toàn bộ 7 triệu cổ phiếu “ế” do phát hành chào bán cho cổ đông hiện hữu đã được quỹ ngoại Pyn Elite Fund mua trọn với giá cao, nhưng thông tin này cũng không thể giúp HHV thoát khỏi pha điều chỉnh giảm của nhóm bất động sản nói chung trong tuần vừa qua. Cụ thể, với 3 phiên giảm, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, giá cổ phiếu HHV giảm 700 đồng (-4,35%) từ mức 16.100 đồng/CP xuống 15.400 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FPT
FPT kỳ vọng được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số toàn cầu cũng như tiềm năng tăng trưởng lớn của ngành bán dẫn tại Việt Nam trong vài năm tới. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FPT với giá tham chiếu 110.000 đồng/CP.
Những thông tin khả quan từ doanh nghiệp như cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm, đặt mục tiêu 5 tỷ USD doanh thu từ nước ngoài đến năm 2023…, nhưng “ông lớn” FPT đã có tuần rung lắc và điều chỉnh. Tổng cộng tuần qua, với 1 phiên tăng và 3 phiên giảm, giá cổ phiếu FPT giảm 2.700 đồng (-2,77%) từ mức 97.400 đồng/CP xuống 94.700 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HVN
HVN thông báo đã hoàn thành việc xây dựng đề án tái cơ cấu công ty và đang trình để các cấp lãnh đạo và Chính phủ thông qua. Từ năm 2024 trở đi công ty có thể tự cân bằng dòng tiền để tổ chức sản xuất kinh doanh mà không cần hỗ trợ, qua đó khắc phục khả năng bị hủy niêm yết. Chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HVN với giá tham chiếu 14.500 đồng/CP.
Mặc dù được nhận định khả quan nhưng sau phiên bùng nổ ngày 3/1 khi đóng cửa ở mức giá trần và xác lập mức giá cao nhất trong khoảng 4 tháng, cổ phiếu HVN đã liên tục điều chỉnh giảm và trong tuần vừa qua mã này vẫn giao dịch rung lắc. Tổng cộng tuần qua, với 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, giá cổ phiếu HVN giảm 250 đồng (-1,96%) từ mức 12.750 đồng/CP xuống 12.500 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG
Hiện nay, HPG đang nỗ lực triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2025 giúp nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn HRC/năm và là động lực tăng trưởng doanh thu trong dài hạn của HPG. Tính đến tháng 9/2023, dự án đã triển khai được 35% khối lượng công việc. Chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 31.000 đồng/CP.
Giao dịch vẫn khá sôi động nhưng giá cổ phiếu HPG có phần rung lắc và tiếp tục điều chỉnh nhẹ trong tuần qua sau đợt zích zắc đi lên từ cuối tháng 10/2023. Tổng cộng tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, giá cổ phiếu HPG giảm 650 đồng (-2,34%) từ mức 27.800 đồng/CP xuống 27.150 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB và STB, CTS khuyến nghị mua VIB
Định giá ở mức hấp dẫn khi P/B hiện tại của MBB là 1,1x lần, thấp hơn so với trung bình ngành và trung bình 5 năm trở lại đây trong khi khả năng sinh lời của MBB nằm trong top với ROE 23%. Do đó, AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 24.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, tỷ lệ P/B hiện tại là 1,1x thấp hơn so với trung bình 5 năm quá khứ và trung bình ngành; dự kiến tỷ lệ ROE 2024F của STB sẽ khoảng 20-24%, thuộc top đầu ngành khi hoàn thành tái cấu trúc, do đó chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STB với giá mục tiêu 33.000 đồng/CP.
Tại VIB, CTS đã khuyến nghị mua vào bởi hiện tại mã này ghi nhận chỉ báo MACD diễn biến tích cực cho thấy tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn.
Sau thời gian dài chờ đợi, tuần vừa qua thị trường đã chứng kiến sự trở lại của dòng bank. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã liên tục bật tăng cả về giá và thanh khoản, là động lực chính giúp VN-Index khởi sắc hoặc hãm đà rơi mạnh. Trong đó, cổ phiếu MBB cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi đón nhận 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm duy nhất ngày 11/1. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu MBB đã tăng 850 đồng (+4,15%) từ mức 20.500 đồng/CP lên 21.350 đồng/CP.
Tương tự, STB cũng giao dịch sôi động với những phiên khớp lệnh đến vài chục triệu đơn vị, đáng kể là phiên cuối tuần 12/1 khớp tới hơn 41 triệu đơn vị và cổ phiếu này đã đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu STB đã tăng nhẹ 600 đồng (+2,05%) từ mức 29.300 đồng/CP lên 29.900 đồng/CP.
Cổ phiếu VIB đáng chú ý khi là mã đầu tiên của dòng bank thông báo chia cổ tức trong năm 2024. Theo đó, ngày 22/1 tới đây Ngân hàng sẽ chốt quyền chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu VIB có phần kém khả quan hơn so với nhiều mã trong ngành. Tổng cộng tuần qua, với 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm, giá cổ phiếu VIB đã tăng nhẹ 350 đồng (+1,69%) từ mức 20.700 đồng/CP lên 21.050 đồng/CP.
* CTS dự báo giá mục tiêu của TAL là 31.400 đồng/CP, SSI nhận định tích cực
CTS kết hợp 2 phương pháp định giá gồm RNAV và so sánh P/B, với trọng số 70:30. Giá trị cổ phiếu TAL được xác định ở mức 31.400 đồng/cổ phần.
Trong khi đó, SSI cho rằng việc đăng ký giao dịch cổ phiếu TAL trên UPCoM được trông đợi sẽ mang đến thêm sự lựa chọn đa dạng cho nhà đầu tư khi tìm kiếm các nhà phát triển bất động sản niêm yết, đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản ở phía Bắc.
Sau phiên chào sàn đầy ấn tượng ngày 9/1 khi ngược dòng thị trường chung tăng tới hơn 21%, cổ phiếu TAL đã đổ đèo. Tổng cộng tuần qua, với 1 phiên tăng và 3 phiên giảm, giá cổ phiếu TAL vẫn tăng 2.000 đồng (+9,52%) từ mức giá tham chiếu ngày đầu niêm yết là 21.000 đồng/CP lên 23.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BMI
Chúng tôi điều chỉnh giảm 5,6% giá mục tiêu xuống còn 26.800 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua cho Tổng CTCP Bảo Minh (BMI). Chúng tôi giảm giá mục tiêu do chúng tôi (1) điều chỉnh giảm 3,6%/8,8%/4,0% dự báo lợi nhuận sau thuế lần lượt cho các năm 2023/24/25 và (2) giảm P/B mục tiêu xuống 1,15 lần so với 1,30 lần trong dự báo trước đây, những yếu tố này ảnh hưởng lớn hơn so với hiệu ứng tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá đến cuối năm 2024.
Tuần qua nhóm cổ phiếu bảo hiểm đã có phiên dậy sóng ngày 10/1, tuy nhiên phong độ không ổn định do ảnh hưởng diễn biến chung của thị trường khiến nhóm này không được như kỳ vọng. Trong đó, cổ phiếu BMI cũng không là ngoại lệ khi đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu BMI đã tăng nhẹ 100 đồng (+0,46%) từ mức 21.700 đồng/CP lên 21.800 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu SSI
Chúng tôi duy trì giá mục tiêu cho CTCP chứng khoán SSI (SSI) ở mức 33.300 đồng/cổ phiếu nhưng hạ khuyến nghị từ mua xuống phù hợp thị trường do giá cổ phiếu đã tăng 27% trong 2 tháng qua.
Trái với diễn biến tích cực chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán lại là “nốt trầm”, trong đó mã lớn của ngành là SSI không thể ngược dòng. Tổng cộng tuần qua, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, giá cổ phiếu SSI đã giảm nhẹ 300 đồng (-0,88%) từ mức 34.150 đồng/CP xuống 33.850 đồng/CP.