* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DBC
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC – sàn HOSE) với giá mục tiêu 33.751 đồng/CP, tương đương với P/E mục tiêu đạt 18x dựa trên triển vọng tích cực của thị trường chăn nuôi trong năm tới.
Sau kết quả kinh doanh quý I/2024 khả quan với doanh thu tăng trưởng 40,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 72,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 321 tỷ đồng, Ban lãnh đạo Dabaco đã đưa ra dự kiến quý II lãi khoảng 250 tỷ đồng và HĐQT đã thông qua phương án chào bán 80,67 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/CP, tỷ lệ 3:1. Cổ phiếu DBC đã có tuần giao dịch sôi động và khởi sắc sau những phiên cuối tháng 4, đầu tháng 5 giằng co quanh mức giá 28.000 đồng/CP, đặc biệt là phiên bùng nổ ngày cuối tuần 10/5.
Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DBC tăng 2.800 đồng (+10,04%) từ mức 27.900 đồng/CP lên 30.700 đồng/CP.
* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVT
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng thị trường cho thuê tàu thời gian gần đây đã cải thiện trở lại mức đỉnh trước đó đối với phân khúc tàu chở dầu/hóa chất tầm trung, do đó, chúng tôi cho rằng việc đảo chiều bất ngờ của thị trường tàu chở hàng lỏng là khó xảy ra. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 1 năm là 30.000 đồng/cổ phiếu và PVT vẫn là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi cho ngành vận tải trong năm 2024.
Cổ phiếu PVT là một trong những điểm sáng của thị trường khi duy trì đà tăng khá mạnh xuyên suốt cả tuần qua và tiếp tục xác lập đỉnh lịch sử mới khi kết thúc tuần. Cụ thể, với 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó phiên giữa tuần ngày 8/5 tăng kịch trần, tổng cộng tuần quam giá cổ phiếu PVT đã tăng 4.350 đồng (+17,13%) từ mức 25.400 đồng/CP lên 29.750 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu này.
* MASVN khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu QTP
Chúng tôi thực hiện báo cáo lần đầu về QTP với khuyến nghị tăng tỷ trọng và giá mục tiêu 17.749 đồng/CP (lợi nhuận kỳ vọng tăng 10,9%) dựa theo phương pháp DCF và P/B. Chúng tôi đánh giá QTP là một lựa chọn đầu tư hấp dẫn trong dài hạn, với tỷ lệ cổ tức cao được duy trì trong tương lai.
Bên cạnh thanh khoản sôi động với những phiên liên tiếp đạt trên dưới nửa triệu đơn vị, thậm chí phiên giữa tuần ngày 8/5 còn đạt tới hơn 1,8 triệu đơn vị giao dịch thành công, cổ phiếu ngành điện QTP cũng khởi sắc khi duy trì đà tăng trong 5 phiên liên tiếp. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu QTP tăng 1.200 đồng (+7,5%) từ mức 16.000 đồng/CP lên 17.200 đồng/CP.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PC1
Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho cổ phiếu CTCP Tập đoàn PC1 (PC1 – sàn HOSE), với mức định giá 32.550 đồng/cp (tiềm năng tăng giá 24%).
BVSC ưa thích PC1 do đây là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành xây lắp điện Việt Nam, có năng lực triển khai dự án hiệu quả đã được chứng minh, và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận rất tích cực trong giai đoạn 5-7 năm tiếp theo.
Không khả quan như cổ phiếu cùng ngành QTP cũng như nhận định của BVSC, cổ phiếu PC1 đã có tuần giao dịch trong biên độ hẹp. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PC1 tăng nhẹ 400 đồng (+1,52%) từ mức 26.250 đồng/CP lên 26.650 đồng/CP.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG
BVSC nâng giá mục tiêu HPG từ 32.802 đồng/cổ phiếu lên 40.840 đồng/cổ phiếu (tương đương mức P/E năm 2024/2025 lần lượt là 19,9x/17,2x), mức định giá này khá hợp lý bởi triển vọng lợi nhuận tăng trưởng ổn định (CAGR EPS đạt 8%/năm trong giai đoạn 2024-2040) và khuyến nghị OUTPERFORM cho cổ phiếu HPG trong 12 tháng tới với với tiềm năng tăng trưởng 35,5%.
Theo thông báo mới nhất, ngày 24/5 tới đây Hòa Phát sẽ chốt quyền phát hành thêm gần 581,5 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10% và diễn biến cổ phiếu HPG đã có tuần khởi sắc sau những phiên điều chỉnh nhẹ vào cuối tháng 4 – đầu tháng 5. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tổng cộng giá cổ phiếu HPG tăng 1.800 đồng (+6,28%) từ mức 28.650 đồng/CP lên 30.450 đồng/CP.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu TNG
BVSC sử dụng hai phương pháp định giá DCF và so sánh P/E đối với mảng May, và P/B cho mảng bất động sản. Với hai phương pháp định giá trên, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu là 26.612 đồng/CP đối với cổ phiếu TNG. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với TNG. Dựa trên câu chuyện hồi phục của ngành Dệt may nói chung và câu chuyện mở rộng chuyền may của TNG, chúng tôi kỳ vọng giá cổ phiếu TNG sẽ có chuyển biến tích cực trong năm 2024.
Không nằm ngoài nhận định của BVSC, cổ phiếu TNG đã đón nhận tuần giao dịch sôi động với các phiên khớp lệnh trên 2-3 triệu đơn vị và diễn biến khởi sắc về giá khi xác lập lại vùng đỉnh của khoảng 1,5 năm. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày 9/5, tổng cộng giá cổ phiếu TNG tăng 2.200 đồng (+10,89%) từ mức 20.200 đồng/CP lên 22.400 đồng/CP.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VNM
BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với VNM, giá kỳ vọng 77.100 đồng/CP, tương ứng với P/E mục tiêu 17,7 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực và EPS bình quân 2024 – 2025.
Cổ phiếu VNM có chuỗi hồi phục tích cực kéo dài từ cuối tháng 4, nhưng đã bị “chặn lại” trong nửa cuối tuần qua khi gặp áp lực bán chốt lời. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VNM tăng nhẹ 900 đồng (+1,37%) từ mức 65.600 đồng/CP lên 66.500 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PLX
Chúng tôi sử dụng 2 phương pháp FCFF và P/E để đưa ra giá trị hợp lý của cổ phiếu PLX là 43.800 đồng/CP. Chúng tôi tin rằng PLX là một sự lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư ưa thích các cổ phiếu an toàn với chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt hấp dẫn. Rủi ro giảm giá gồm: (1) Thị phần xe chạy xăng suy giảm nhanh hơn dự kiến do bị lấn át từ xe điện, (2) Biên lợi nhuận gộp bị ảnh hưởng khi phải nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài trong giai đoạn các nhà máy lọc dầu trong nước gặp sự cố bất ngờ.
Bên cạnh thông tin ngày 15/5 tới sẽ chốt quyền chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, cổ phiếu PLX cũng trong xu hướng khởi sắc chung của nhóm cổ phiếu dầu khí. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ duy nhất vào cuối tuần ngày 10/5, tổng cộng giá cổ phiếu PLX tăng 4.100 đồng (+11,39%) từ mức 36.000 đồng/CP lên 40.100 đồng/CP. Đồng thời, thanh khoản của PLX cũng sôi động với mức trung bình đạt 2,52 triệu đơn vị/phiên, gấp tới hơn 5 lần so với mức trung bình của tuần trước đạt chưa tới nửa triệu đơn vị/phiên.
* BSC và SSI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG
BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu trung hạn 69.300 đồng/CP (Upside 19% so với giá đóng cửa ngày 6/5/2024) dựa trên phương pháp SOTP. Chúng tôi nâng 26% so với báo cáo trước đó nhờ điều chỉnh dựa trên kết quả kinh doanh Thế giới di động và Điện máy xanh tích cực hơn kỳ vọng.
Bên cạnh đó, với việc điều chỉnh hệ số mục tiêu sang năm 2025 (từ mức bình quân năm 2024-2025), SSI đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm mới theo phương pháp SOTP là 65.800 đồng/CP (từ 56.200 đồng/CP) và duy trì khuyến nghị khả quan.
Bên cạnh lực cầu trong nước sôi động, MWG còn nhận được sự “ưu ái” từ khối ngoại khi liên tiếp được mua ròng mạnh, đã giúp cổ phiếu này tiếp tục khởi sắc dù rung lắc và điều chỉnh trong nửa cuối tuần do áp lực bán chốt lời gia tăng khi ở vùng đỉnh của hơn 1 năm. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá duy nhất ngày 10/5, tổng cộng giá cổ phiếu MWG tăng 3.200 đồng (+5,75%) từ mức 55.700 đồng/CP lên 58.900 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ANV, VHC và IDI
Dự phóng năm 2024, ANV sẽ đạt doanh thu thuần 4.999 tỷ đồng, tăng trưởng 12,6%; lợi nhuận sau thuế 219,97 tỷ đồng, tăng trưởng 426% so với năm trước. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu ANV với giá mục tiêu 38.838 đồng/CP.
Dự phóng năm 2024, VHC sẽ đạt doanh thu thuần 11.245 tỷ đồng, tăng trưởng 12%; lợi nhuận sau thuế 1.504 tỷ đồng, tăng trưởng 58% so với năm trước. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 86.389 đồng/CP.
Dự phóng năm 2024, IDI sẽ đạt doanh thu thuần 8.140 tỷ đồng, tăng trưởng 13%; lợi nhuận sau thuế 171 tỷ đồng, tăng trưởng 94% so với năm trước. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu IDI với giá mục tiêu 15.464 đồng/CP.
Cũng trong xu hướng hồi phục của thị trường chung, nhóm cổ phiếu thủy sản cũng đua nhau khởi sắc, nhưng nhìn chung còn cách xa kỳ vọng của VCBS đề ra. Trong đó, ANV không ngoại lệ khi đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu ANV tăng tăng 1.450 đồng (+4,97%) từ mức 29.150 đồng/CP lên 30.600 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu VHC có phần khởi sắc hơn nhưng mức biến động trong các phiên không quá lớn. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giá duy nhất ngày 10/5, tổng cộng giá cổ phiếu VHC tăng 2.400 đồng (+3,22%) từ mức 74.600 đồng/CP lên 77.000 đồng/CP.
Cũng giống cổ phiếu lớn đầu ngành VHC, cổ phiếu IDI cũng đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giá duy nhất ngày 10/5, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu IDI tăng 550 đồng (+5,02%) từ mức 10.950 đồng/CP lên 11.500 đồng/CP.