Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* MBS khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu EIB

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng tăng trưởng lần lượt 11,3%/15,4% cho năm 2024 và 2025 dựa trên các cơ sở: 1) tăng trưởng tín dụng 9,9%/9,8% trong năm 2024/2025. Xét trên phương diện cả quy mô lẫn hiệu quả hoạt động và với mức P/B hiện tại, chúng tôi cho rằng định giá của EIB đang ở mức hợp lý.

Tại thời điểm hiện tại, mức P/B của EIB là 1.4x, đứng thứ 9 trong số 24 ngân hàng niêm yết. Điều này dường như chưa phản ánh đúng vị trí sinh lợi của ngân hàng này (xếp hạng thứ 18 trong số 24 ngân hàng nói trên). Do đó, chúng tôi khuyến nghị trung Lập với cổ phiếu EIB.

Trong tuần qua, cổ phiếu EIB biến động nhẹ về giá, khi chỉ giảm nhẹ từ 19.050 đồng xuống 18.950 đồng. Tuy nhiên, thanh khoản có hai phiên đáng chú ý ngày 10 và 11/7, khi khớp hơn 21 triệu đơn vị mỗi phiên.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE

Dựa trên định giá SOTP, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu REE. Giá mục tiêu là 79.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn 23.1% so với giá tại ngày 22/06/2024.

Trong tuần, cổ phiếu REE giao dịch khá tích cực khi tăng điểm liên tiếp trong bốn phiên trước khi điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần. Giá cổ phiếu tăng hơn 9% từ mức 65.200 đồng lên 71.000 đồng và đang trên đà tiến tới vùng đỉnh cũ tại hơn 73.000 đồng.

* Agriseco khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PVD và PVS

Giá dầu được dự báo neo ở mức cao trong thời gian tới nhờ: Căng thẳng địa chính trị tại Israel và Hamas; Nhu cầu tăng từ Trung Quốc nhờ kinh tế phục hồi và OPEC thống nhất duy trì cắt giảm sản lượng.

Theo EIA (Cơ quan Năng lượng Mỹ) giá dầu được dự báo sẽ duy trì quanh mức 84 USD/thùng là điều kiện thúc đẩy các dự án thượng nguồn trên toàn cầu.

Chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PVD và PVS với giá mục tiêu lần lượt là 35.000 đồng và 48.000 đồng.

Trong tuần, cổ phiếu PVD gần như không đổi quanh ngưỡng 30.000 đồng với những phiên tăng, giảm đan xen trong biên độ hẹp.

Trong khi đó, cổ phiếu PVS cũng không đổi so với mức giá cuối tuần trước tại 42.700 đồng với những phiên giao dịch khá ảm đạm.

* Agriseco khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG

Dự án khu Liên Hợp Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ quý 1/2025: Theo thông tin từ doanh nghiệp, dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ Q1/2025 với công suất là 2,3 triệu tấn/năm và hoàn thành toàn bộ vào tháng 9/2026.

Sau khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm, là động lực tăng trưởng trong dài hạn của HPG.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu lần lượt là 35.000 đồng/CP.

Trong tuần, cổ phiếu HPG sau hai phiên đầu tuần nhích nhẹ đã liên tiếp điều chỉnh, nhưng biên độ cũng chỉ ở mức thấp. Điều này khiến cổ phiếu chỉ mất điểm không đáng kể so với tuần trước đó tại 28.500 đồng, khớp lệnh trồi sụt khi có phiên gần 31 triệu đơn vị, nhưng có phiên chỉ hơn 14 triệu đơn vị.

* Agriseco khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBC

Dabaco đã đầu tư tăng công suất với hàng loạt các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn: Dự án chăn nuôi Thanh Hóa (Công suất: 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm); Dự án lợn giống Dabaco Phú Thọ - giai đoạn 3 (Công suất: 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm). Tổng công suất 2 dự án tăng gần 25% so với trước đó.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBC với giá mục tiêu lần lượt là 40.000 đồng/CP.

Cổ phiếu DBC tuần qua có hai phiên đáng chú ý là thứ Ba khi nhích hơn 3% và phiên thứ Năm đánh rơi hơn 4%, còn lại ít thay đổi trong các ngày còn lại.

Giá cổ phiếu giảm từ 35.250 đồng xuống 34.000 đồng, tương đương -4%, khớp lệnh trung bình trên dưới 10 triệu đơn vị/phiên.

* Agriseco khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DCM

Nhà máy Đạm Cà Mau hết khấu hao từ quý IV/2023 hỗ trợ biên lợi nhuận của doanh nghiệp: Năm 2023, chi phí khấu hao nhà máy hàng năm khoảng 1.083 tỷ đồng giảm 22,5% so với năm trước nhờ nhà máy hết khấu hao từ quý IV/2023.

Năm 2022, chi phí khấu hao nhà máy khoảng 1.300 tỷ đồng (khoảng 30% lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp). Chi phí khấu hao sẽ giảm đáng kể từ quý IV/2023 giúp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất từ đó cải thiện lợi nhuận kể từ năm 2024.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DCM với giá mục tiêu lần lượt là 45.000 đồng/CP.

Cổ phiếu DCM tuần qua là một trong những mã đầu ngành hoạt động tốt nhất, với phiên đầu tuần tăng kịch trần, dù sau đó chỉ có những phiên biến động nhẹ, nhưng cũng đủ giúp cổ phiếu này tăng hơn 6%, và chỉ còn cách vùng đỉnh lịch sử không xa tại hơn 40.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 3/2022.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VEA

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP, giá mục tiêu năm 2025 là 51.600 đồng/CP (upside 25% so với giá đóng cửa ngày 08/07/2024, đã bao gồm tỷ suất cổ tức 10%) nhờ doanh số xe máy và ô tô tạo đáy trong năm 2024 và tăng trưởng trở lại từ năm 2025.

Trong tuần, cổ phiếu VEA tăng từ 45.300 đồng lên 46.000 đồng, với những phiên tăng, giảm đan xen với biên độ hẹp, ngoại trừ phiên 09/7 khi nhích hơn 3%.

* BSC khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu PLX

BSC đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam với giá mục tiêu 2024F là 46.700 đồng/CP (Upside 4% so với giá đóng cửa ngày 08/07/2024, đã bao gồm cổ tức) dựa trên phương pháp định giá P/E với tỷ lệ mục tiêu là 17.x, P/E fw 2024F = 14.9x.

Cổ phiếu PLX sau phiên đầu tuần tăng vọt hơn 5% đã chững lại và chỉ tăng, giảm với biên độ trên dưới 1% trong những phiên còn lại. Giá cổ phiếu tăng từ 43.950 đồng lên 46.300 đồng, tương đương nhích hơn 5%, khớp lệnh trên dưới 2 triệu đơn vị/phiên và cũng ngoại trừ phiên bùng nổ đầu tuần với hơn 5,3 triệu đơn vị.

* CTCK DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ACB

Chúng tôi dự phóng Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) sẽ đạt 36.671 tỷ tổng thu nhập hoạt động (tăng 12%) và 23.402 tỷ lợi nhuận trước thuế (tăng trưởng 12,2%) trong năm 2024.

Với (1) Vị thế ngân hàng có chất lượng tài sản khác biệt, (2) Duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhờ lợi thế lãi suất cạnh tranh và tệp khách hàng tốt và (3) Nền tảng ngân hàng tăng trưởng bền vững, DSC nâng mức giá mục tiêu năm 2024 của ACB lên 29.600 đồng/CP.

ACB là một trong số ít ngân hàng có khả năng cân bằng tốt giữa kiểm soát chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cổ phiếu ACB tại vùng giá 23.000 - 24.000 đồng/CP.

Trong tuần, cổ phiếu ACB gần như ít thay đổi quanh ngưỡng 24.000 đồng với những phiên đóng cửa với biên độ thay chỉ dưới 1%.

* CTCK DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGW

DSC ước tính kết quả kinh doanh năm 2024 của CTCP Thế giới số (DGW – sàn HOSE) sẽ có sự hồi phục tương tự như các doanh nghiệp cùng ngành khác. Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DGW dự kiến đạt lần lượt 21.324 tỷ đồng (tăng 12% so với năm trước) và 429 tỷ đồng (tăng 18%).

Với kỳ vọng (1) mảng ICT dự kiến phục hồi vào nửa cuối năm 2024, (2) triển vọng tăng trưởng từ các thương vụ M&A, DSC ước tính giá mục tiêu 12 tháng của DGW sẽ đạt mức 69.500 đồng/CP. DSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGW ở vùng giá 63.000-64.000 đồng/CP.

Cổ phiếu DGW tuần qua dù có bốn phiên tăng và chỉ một phiên giảm, nhưng mức tăng tổng cộng chỉ chưa đến 1%, do những phiên tăng chỉ có biên độ thấp.

* CTCK MASVN khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCG

Chúng tôi lấy mức P/E trung bình của năm 2023 của VCG là 14,8 lần là mức mục tiêu, giả định VCG hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024 mức EPS sẽ đạt 1.580 đồng/CP. Theo đó mức giá mục tiêu của VCG đạt 23.300 đồng/CP. Khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc mua VCG tại vùng giá 19.300 – 19.800 đồng/CP và cân nhắc cắt lỗ nếu giá cổ phiếu đóng cửa dưới 18.500 đồng/CP.

Cổ phiếu VCG bất ngờ có phiên tăng hơn 5% ngày thứ Ba, còn lại hầu hết đều giảm, giá cổ phiếu nhích từ 18.650 đồng cuối tuần trước lên 19.050 đồng khi kết thúc tuần qua.

* CTCK MASVN khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu ANV

EPS forward 2024 ước đạt 1.188 đồng/CP, tương ứng P/E forward ở mức 28.5 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực dành cho ANV: 1) vị thế hàng đầu ngành xuất khẩu cá tra, lợi thế từ chủ nguồn nguyên liệu; 2) Giá nguyên liệu (đậu tương, ngô, lúa mì) sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm sau khi đạt đỉnh vào quý II/2022; 3) Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định trung bình 7%/năm.

Cổ phiếu ANV tiếp tục đợt hồi phục kéo dài từ cuối tháng vừa qua. Tổng cộng tăng 4/5 phiên, giá cổ phiếu nhích từ 33.500 đồng lên 35.950 đồng, tương đương +7,3% trong tuần qua.

* CTCK Vietcap khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu AGG

Chúng tôi hạ khuyến nghị đối với CTCP Gỗ An Cường (ACG) từ khả quan xuống phù hợp thị trường mặc dù tăng 13% giá mục tiêu do giá cổ phiếu của ACG đã tăng 18% trong 3 tháng qua.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2025. Điều này dẫn đến định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền cao hơn 15% và định giá theo phương pháp P/E cao hơn 10% (với P/E mục tiêu duy trì ở mức 11 lần). Chúng tôi tiếp tục sử dụng kết hợp các phương pháp định giá này với tỷ trọng 50/50 để xác định giá mục tiêu.

Điểm nhấn của AGG tuần qua là phiên 10/7 khi tăng gần 5%, khớp lệnh có phiên cao nhất trong hơn 1 tháng với 4,52 triệu đơn vị. Còn lại ít thay đổi, giá cổ phiếu theo đó tăng từ 24.250 đồng lên 24.950 đồng.

* CTCK DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu QNS

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi dựa trên kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sữa bắt đầu có tín hiệu tích cực và giá đường trong nước dự báo đi ngang trong năm 2024.

Động lực tăng trưởng của QNS trong trung và dài hạn đến từ (1) xu hướng tiêu thụ các sản phẩm tốt cho sức khỏe, (2) sản xuất đường trong nước mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ và (3) dự án nhà máy ethanol là nguồn doanh thu mới tiềm năng trong tương lai.

Chúng tôi ước tính kết quả kinh doanh của QNS năm 2024 sẽ giảm so với kỷ lục 2023, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với trung bình 5 năm của doanh nghiệp.

Cổ phiếu QNS tuần qua giao dịch khá ảm đạm khi chỉ tăng, giảm ở mức trên dưới 1% trong các phiên, khớp lệnh cũng chỉ từ 0,4-0,8 triệu đơn vị/phiên. Giá cổ phiếu gần như không đổi và kết tuần tại 49.500 đồng.

* CTCK MASVN khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VHC

Năm 2024 chúng tôi dự phóng doanh thu của VHC đạt 11.918 tỷ đồng (tăng 19% so với năm ngoái) và lãi ròng ở mức 1.189 tỷ đồng (tăng 29%): 1) Doanh thu cá tra phi lê đạt 6.285 tỷ đồng (tăng 12%); 2) Collagen & gelatin đạt 943 tỷ đồng (tăng 31%); 3) Phụ phẩm đạt 1.836 tỷ đồng (tăng 10%); 4) Biên lợi nhuận gộp cải thiện 16,1% từ mức 14,9% năm 2023 với kỳ vọng giá bán cá tra phục hồi và giá thức ăn chăn nuôi giảm.

Chúng tôi ước tính EPS dự kiến cho năm 2024 đạt 5.297 đồng/cp, tương ứng với mức P/E forward ở mức 13,8 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực cho VHC: 1) Vị thế dẫn đầu ngành cá tra 2) Triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu 3) Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu được suôn sẻ.

Cổ phiếu VHC cùng một số cổ phiếu thủy sản, nông nghiệp khác có tuần tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế trong mỗi phiên giao dịch, dù đà tăng chỉ tịnh tiến ở mức vừa phải.

Tổng cộng tuần qua, cổ phiếu VHC tăng từ 73.000 đồng lên 74.800 đồng, tương đương +2,5%.

* CTCK SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VGC

Chúng tôi kỳ vọng VGC sẽ cho thuê 180 ha đất KCN (tăng 4%) trong năm 2024, chủ yếu tại các KCN Yên Phong IIC, Thuận Thành và Phú Hà. Chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt là 3,9 nghìn tỷ đồng (giảm 10%) và 1,97 tỷ đồng (giảm 8%). Mảng kính xây dựng dự kiến lỗ gộp 323 tỷ đồng.

Hiện tại chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị trung lập, với giá mục tiêu 1 năm là 55.600 đồng/cổ phiếu đối với cổ phiếu VGC.

Trong tuần qua, cổ phiếu VGC ít thay đổi và đứng tại 52.600 đồng, giao dịch cũng ảm đạm với chỉ trên dưới 0,3 triệu đơn vị khớp lệnh trung bình mỗi phiên.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn