Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu TCB và trung lập với BID; DSC và MBS cùng khuyến nghị mua VCB, KBSV và BVSC khuyến nghị mua VPB

Cho rằng mức độ cải thiện của NIM trong nửa cuối năm 2024 của Techcombank sẽ chậm hơn nửa đầu năm 2024, NIM cả năm 2024 vẫn được dự phóng ở mức 4,34%, KBSV đã đưa ra giá mục tiêu mới cho cổ phiếu TCB là 29.600 đồng/CP và khuyến nghị mua.

Trong khi đó, dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu BID, với giá mục tiêu cho năm 2024 là 52.600 đồng/CP.

Đối với cổ phiếu VCB, DSC xác định giá mục tiêu năm 2024 của mã này là 103.300 đồng/CP và khuyến nghị nhà đầu tư có thể giải ngân cổ phiếu ở vùng giá an toàn là 88.000 đồng/CP. Trong khi đó, MBS nâng khuyến nghị lên khả quan với định giá 110.500 đồng/cổ phiếu, dựa trên kết hợp phương pháp thu nhập thặng dư (RI) và P/B.

Tại VPB, dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với giá mục tiêu cho năm 2024 là 25.400 đồng/CP. Còn BVSC sử dụng phương pháp thu nhập thặng dư, phương pháp so sánh sử dụng P/B và phương pháp giá trị sổ sách để xác định giá mục tiêu của VPB là 23.869 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VPB.

Thị trường đã có tuần khởi sắc và nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khẳng định được vai trò dẫn dắt bởi diễn tích cực của hầu hết các mã trong ngành. Trong đó, cả 4 cổ phiếu được các công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị là TCB, BID, VCB và VPB đều ghi nhận xu hướng tăng về giá.

Trong đó, cổ phiếu VPB có hiệu suất sinh lời thấp nhất trong 4 mã, khi ghi nhận 3 phiên tăng và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu VPB tăng nhẹ 350 đồng (+1,9%) từ mức 18.400 đồng/CP lên 18.750 đồng/CP.

Còn lại bộ 3 cổ phiếu lớn là TCB, BID và VCB đều đón nhận 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm trong tuần qua. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu TCB tăng 950 đồng (+4,43%) từ mức 21.450 đồng/CP lên 22.400 đồng/CP; cổ phiếu VCB tăng 4.300 đồng (+4,88%) từ mức 88.100 đồng/CP lên 92.400 đồng/CP; và tăng tốt nhất là cổ phiếu BID đạt 3.000 đồng (+6,32%) từ mức 47.500 đồng/CP lên 50.500 đồng/CP

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MWG

Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với MWG, giá mục tiêu 80.600 đồng/CP, trên nền tảng định giá SoTP, bao gồm P/E mục tiêu 14,5 lần cho chuỗi ĐT&ĐM (mức trung vị của khu vực) và định giá DCF cho Bách hóa xanh vì doanh nghiệp này đã chuyển sang giai đoạn có lợi nhuận.

Những thông tin không mấy lạc quan đã phần nào ảnh hưởng tới diễn biến giá cổ phiếu MWG tuần qua, như HĐQT Công ty quyết định giải thể CTCP Thế giới số Trần Anh – chủ chuỗi điện máy Trần Anh, hay chỉ trong vòng 1 tháng có gần 100 cửa hàng Nhà thuốc An Khang đóng cửa và hiện tại doanh thu mỗi cửa hàng đạt khoảng 500 triệu đồng/tháng trong khi điểm hòa vốn là 550 triệu đồng/tháng… Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng nhẹ và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu MWG tăng 1.000 đồng (+1,45%) từ mức 69.000 đồng/CP lên 70.000 đồng/CP.

* VCI và DSC cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS

VCI tăng 1,2% giá mục tiêu cho PVS lên 51.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua.

Bên cạnh đó, DSC giữ nguyên định giá cùng khuyến nghị mua (so với báo cáo gần nhất) đối với cổ phiếu này dựa trên luận điểm (1) Động lực từ các gói thầu Lô B, bao gồm EPC #1, #2, #3 và (2) Khối lượng công việc từ các dự án năng lượng tái tạo. Vùng giá chiết khấu đủ an toàn là 40.500 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tuần qua ngoại trừ phiên tích cực đầu tuần ngày 19/8, còn lại chủ yếu rung lắc và biến động nhẹ, trong đó cổ phiếu PVS cũng không ngoài xu hướng chung của ngành. Cụ thể, với 2 phiên tăng nhẹ, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng 800 đồng (+2,02%) từ mức 39.600 đồng/CP lên 40.400 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BAF

BVSC sử dụng ba phương pháp định giá là so sánh P/E, P/B và EV/EBITDA. Với ba phương pháp định giá trên, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu là 24.307 đồng/cp đối với cổ phiếu BAF. Mức giá đóng cửa ngày 16/8/2024 là 18.400 đồng/CP, tương ứng với lợi nhuận kỳ vọng tăng 32,1%, vì vậy chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM với BAF ở mức giá mục tiêu này.

Không được như kỳ vọng của BVSC và trái với diễn biến tích cực của thị trường chung, cổ phiếu BAF đã có tuần rung lắc và điều chỉnh nhẹ. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu BAF giảm nhẹ 250 đồng (-1,36%) từ mức 18.400 đồng/CP xuống 18.150 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

Giá cổ phiếu NLG hiện đang giao dịch ở mức P/B 2024fw là 1.55x, thấp hơn trung bình P/B 5 năm của NLG. Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với mức giá mục tiêu là 46.100 đồng/CP, cao hơn 17% so với giá đóng cửa ngày 16/08/2024.

Sau tuần liên tiếp điều chỉnh giảm bởi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 kém lạc quan với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều giảm 62% so với cùng kỳ, cổ phiếu NLG đã có những phiên đảo chiều hồi phục. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu NLG tăng 1.200 đồng (+3,04%) từ mức 39.500 đồng/CP lên 40.700 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VCG

VCG được hưởng lợi đáng kể trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và ngành xây dựng dân dụng có triển vọng phục hồi tốt. Bên cạnh đó, mảng nước đang có triển vọng tăng trưởng tích cực cùng việc sức khỏe tài chính của VCG bắt đầu có sự cải thiện rõ rệt. Do đó chúng tôi khuyến nghị Khả quan cho cổ phiếu VCG với giá mục tiêu theo phương pháp SOTP (WACC:11.6%). Rủi ro giảm giá gồm (1) vốn giải ngân đầu tư công không hoàn thành như kỳ vọng, và (2) thị trường BĐS nghỉ dưỡng ảm đạm hơn dự kiến.

Sau tuần giao dịch khởi sắc trước đó, cổ phiếu VCG đã gặp áp lực bán chốt lời và trải qua những phiên rung lắc nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu VCG giảm nhẹ 50 đồng (-0,26%) từ mức 19.050 đồng/CP xuống 19.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu SIP

Chúng tôi nhận thấy tiềm năng trung và dài hạn của SIP đến từ quỹ đất lớn còn lại từ các khu công nghiệp tại các vị trí thuận lợi, giá chào thuê hợp lý cũng như diện tích thương phẩm sẵn sàng cho thuê lớn. BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá hợp lý cho năm 2024 là 91.548 đồng/cp; tương đương +30,4% so với giá đóng cửa ngày 15/8/2024.

Cổ phiếu SIP tiếp tục có thêm tuần hồi phục dù biên độ tăng thu hẹp đáng kể. Thông tin đáng chú ý tại SIP tuần qua là Công ty vừa thông qua kế hoạch phát hành 1,45 triệu cổ phiếu thưởng cho nhân viên, lãnh đạo cấp cao với giá 0 đồng/CP. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu SIP tăng 1.700 đồng (+2,31%) từ mức 73.500 đồng/CP lên 75.200 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHC

DSC sử dụng phương pháp DCF, trong đó, chúng tôi chiết khấu dòng tiền FCFF với dự phóng tới năm 2028, đối với giá trị vĩnh viễn từ 2028 trở đi, chúng tôi sử dụng phương pháp P/E với P/E mục tiêu là 10,5 lần (tương đương trung bình 5 năm) do tính biến động chu kì của mô hình kinh doanh. DSC xác định giá mục tiêu 2024 cho VHC là 81.600 đồng/CP và khuyến nghị nhà đầu tư có thể giải ngân cổ phiếu ở vùng giá an toàn khoảng 65.000 - 70.000 đồng/CP.

Thông tin hoạt động kinh doanh khá tích cực vừa công bố tuần qua với doanh thu tháng 7 đạt 1.120 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, tiếp tục giúp cổ phiếu VHC duy trì đà tăng trong tuần qua. Theo đó, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu VHC tăng 1.500 đồng (+2,08%) từ mức 72.000 đồng/CP lên 73.500 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BWE

Chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị mua đối với cổ phiếu BWE, mức giá mục tiêu là 53.600 đồng/CP. Động lực tăng trưởng của BWE trong giai đoạn 2024-2030 chủ yếu đến từ mảng cấp nước, được thúc đẩy bởi: (1) nhu cầu tiêu thụ dự báo tăng 5-6% mỗi năm, (2) công suất cấp nước được đầu tư nâng cấp, (3) lộ trình tăng giá nước được phê duyệt và (4) hoạt động M&A mang lại hiệu quả.

Không được như kỳ vọng của DSC, cổ phiếu BWE đã gặp áp lực bán gia tăng sau tuần khởi sắc trước đó. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu BWE giảm nhẹ 50 đồng (-0,11%) từ mức 44.300 đồng/CP xuống 44.250 đồng/CP.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn