* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VCS
VCS thường có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền đều, với tỷ lệ thực hiện giữ trên 40% trong 4 năm gần nhất. Năm 2023 với nhiều khó khăn, VCS vẫn duy trì trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ thực hiện 40%, tương đương với lợi suất cổ tức 6,7% với thị giá hiện tại. BVSC đánh giá, cổ tức đều đặn của VCS là điểm sáng đối với việc đầu tư vào cổ phiếu này. BVSC ước tính giá mục tiêu đạt mức 74.000 đồng/CP, với tổng lợi tức kỳ vọng ở mức 30,9%, khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VCS.
Trái với diễn biến tích cực của thị trường chung, cổ phiếu VCS vẫn tiếp diễn trạng thái rung lắc, đặc biệt là liên tiếp điều chỉnh nhẹ trong 3 phiên cuối tuần. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, và 4 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu VCS giảm nhẹ 300 đồng (-0,5%) từ mức 59.800 đồng/CP xuống 59.500 đồng/CP.
* SSI khuyến nghị mua cổ phiếu CTG, ACB và khả quan với VPB; BSC, SSI và AGR cùng khuyến nghị mua TCB
SSI khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG, với giá mục tiêu 1 năm là 44.200 đồng. CTG hiện đang giao dịch ở mức P/B trung bình lịch sử là 1,3x với ROAE năm 2024 là 18,4% (so với ROAE năm 2023 là 17%).
Đồng thời, SSI khuyến nghị mua đối với cổ phiếu ACB, với giá mục tiêu 1 năm là 31.000 đồng, tương đương tiềm năng tăng giá là 24,7%, và tỷ suất cổ tức là 4%; và khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 1 năm là 23.400 đồng/cổ phiếu.
Đối với cổ phiếu TCB, SSI cũng đã khuyến nghị mua với giá mục tiêu 1 năm là 28.700 đồng, tương đương tiềm năng tăng giá là 16,7% và BSC duy trì dự báo năm 2025 đối với TCB cùng khuyến nghị mua cổ phiếu này với giá mục tiêu gần nhất là 31.400 đồng/CP.
Cùng quan điểm lạc quan, Agriseco Research kỳ vọng KQKD năm 2025 của TCB sẽ tăng trưởng tốt nhờ: duy trì tăng trưởng tín dụng cao, tỷ lệ NIM cải thiện với tỷ lệ CASA cao hàng đầu và tỷ lệ nợ xấu thấp. Cổ phiếu TCB hiện tại có mức định giá P/B hấp dẫn (1,2x lần) và AGR đã khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu TCB với giá mục tiêu 29.000 đồng/cp (upside 18%).
Cùng kết quả kinh doanh quý IV/2024 khả quan, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có tuần giao dịch khởi sắc và là điểm tựa chính giúp thị trường hồi phục tích cực trong tuần qua. Điểm sáng là cổ phiếu CTG khi công bố kết quả lợi nhuận quý IV đạt cao nhất lịch sử 9.871 tỷ đồng, gấp rưỡi so với đỉnh cũ gần 6.500 tỷ đồng hồi quý I/2021, qua đó giúp CTG vượt qua VCB để đứng ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng lợi nhuận. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu CTG tăng 2.800 đồng (+7,37%) từ mức 38.000 đồng/CP lên 40.800 đồng/CP.
Bên cạnh đó, VPB và ACB đều tịnh tiến thêm một bậc trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý IV/2024 của dòng bank, lần lượt đạt 5.040 tỷ đồng và 4.545 tỷ đồng, tương ứng tăng 21% và tăng 17,4% so với quý trước.
Về diễn biến giá cổ phiếu, ACB đã đón nhận 4 phiên tăng nhẹ liên tiếp và 1 phiên giảm ngày đầu tuần 3/2. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng 350 đồng (+1,38%) từ mức 25.350 đồng/CP lên 25.700 đồng/CP. Còn cổ phiếu VPB đã đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VPB tăng nhẹ 50 đồng (+0,26%) từ mức 18.900 đồng/CP lên 18.950 đồng/CP.
Cổ phiếu TCB cũng nằm xu hướng khởi sắc chung của dòng bank, đặc biệt đây là mã giao dịch sôi động của thị trường, với 2 phiên 6-7/2 thanh khoản lên tới 27,5 triệu đơn vị và 26,6 triệu đơn vị. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng liên tiếp và 1 phiên giảm duy nhất ngày đầu tuần, tổng cộng giá cổ phiếu TCB tăng 1.000 đồng (+4,04%) từ mức 24.750 đồng/CP lên 25.750 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KDH
Chúng tôi đánh giá KDH là một trong những chủ đầu tư có hiệu quả triển khai, kinh doanh dự án hàng đầu khu vực phía Nam và sở hữu nhiều lợi thế trong chu kì thị trường mới với quỹ đất giá trị thuộc phạm vi đô thị hiện hữu của TP.HCM. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu KDH (theo Báo cáo Ngành bất động sản nhà ở 2025) với mức định giá hợp lý là 39.994 đồng/CP.
Không được như kỳ vọng của VCBS, cổ phiếu KDH có thêm tuần biến động nhẹ dù Công ty mới công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV/2024 đạt gần 515 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đều trong biên độ hẹp, tổng cộng giá cổ phiếu KDH giảm nhẹ 200 đồng (-0,58%) từ mức 34.750 đồng/CP xuống 34.550 đồng/CP.
* BSC và SSI cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HAH
BSC đánh giá kết quả kinh doanh của HAH trong 2024 là cao hơn lần lượt 6% và 22% so với kỳ vọng trong báo cáo cập nhật gần nhất chủ yếu do giá cước tự khai thác cao hơn 4% so với kỳ vọng của BSC. Chúng tôi đang xem xét lại giả định và giá mục tiêu sẽ đưa đến quý nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất, lưu ý, dự báo trong bảng bên dưới là dự báo cũ trong cập nhật trước đó của BSC. Dự phóng lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số mới có thể sẽ tăng khoảng 10% so với dự phóng cũ và giá mục tiêu của HAH là 61.700 đồng/CP.
Trong khi đó SSI đưa ra giá mục tiêu 1 năm dành cho cổ phiếu HAH là 56.600 đồng/cổ phiếu, với khuyến nghị mua. Dựa trên kết quả quý IV/2024 tích cực, và quyết định áp thuế của Mỹ đối với Canada, Mexico, Trung Quốc và các hành động trả đũa từ các quốc gia này, chúng tôi hiện đang xem xét dự báo lợi nhuận năm 2025, và sẽ cập nhật trong thời gian tới. Chúng tôi hiện duy trì ước tính và quan điểm như trong báo cáo trước.
Hải An cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 đầy ấn tượng với lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong kỳ đạt hơn 280 tỷ đồng, tăng tới 345% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm đạt 650,5 tỷ đồng, tăng trưởng 69% và hoàn thành 224,1% mục tiêu. Về diễn biến giá cổ phiếu, tuần qua, HAH đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu HAH tăng 4.300 đồng (+8,65%) từ mức 49.700 đồng/CP lên 54.000 đồng/CP.
* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu FRT
Khuyến nghị mới nhất của chúng tôi cho FRT là khả quan. Với kết quả kinh doanh quý IV/2024 tốt hơn kỳ vọng, chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng cho ước tính lợi nhuận năm 2025, và sẽ cập nhật định giá trong báo cáo sau.
Sau tuần tăng mạnh mẽ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cổ phiếu FRT đã bị bán chốt lời liên tiếp trong những ngày đầu tháng 2 và có tuần khai xuân kém tích cực. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng nhẹ duy nhất ngày cuối tuần 7/2 và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu FRT giảm 17.600 đồng (-8,54%) từ mức 206.000 đồng/CP xuống 188.400 đồng/CP.
* Theo BSC, giá mục tiêu của cổ phiếu DBC là 31.000 đồng/CP
Định giá ở vùng PE fw là 9,7 (lần) - thấp hơn PE giai đoạn giá heo hơi lên (từ 12-14 lần) và tiềm năng tăng định giá với giả định: xu hướng chuyển dịch ngành được đẩy mạnh hơn dự kiến hỗ trợ giá heo hơi kỳ vọng và đóng góp doanh thu lợi nhuận của nhà máy dầu thực vật giai đoạn 2 với công suất tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày. Mức giá mục tiêu của DBC là 31.000 đồng/CP.
Với kết quả kinh doanh đột biến khi lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 đạt 239 tỷ đồng, gấp 37 lần cùng kỳ và lũy kế cả năm đạt 769 tỷ đồng, tăng gần 3.000% so với năm trước, diễn biến cổ phiếu DBC đã lấy lại đà tăng sau tuần điều chỉnh giảm cuối tháng 1. Cụ thể, với 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu DBC tăng 850 đồng (+3,35%) từ mức 25.400 đồng/CP lên 26.250 đồng/CP.
* VCI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DCM và DPM
Chúng tôi điều chỉnh giảm 16,9% giá mục tiêu xuống 35.800 đồng/cổ phiếu và hạ khuyến nghị từ mua xuống khả quan cho DCM. Mức giảm này chủ yếu do mức giảm 16,8% trong dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2025-2029 của chúng tôi.
Đồng thời, điều chỉnh giảm 7,3% giá mục tiêu xuống 36.800 đồng/cổ phiếu và hạ khuyến nghị từ mua xuống khả quan cho DPM. Chúng tôi giảm giá mục tiêu thấp do mức giảm 8,6% trong dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2025-2029 của chúng tôi.
Hai cổ phiếu phân bón DCM và DPM đều có diễn biến tăng nhẹ trong tuần qua, trong đó DCM đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Tổng cộng giá cổ phiếu DCM tăng 1.150 đồng (+3,43%) từ mức 33.500 đồng/CP lên 34.650 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu DPM dù khởi sắc hơn khi ghi nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, nhưng mức biến động khá hẹp khiến mã này chỉ nhích nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, tổng cộng giá cổ phiếu DPM chỉ tăng 300 đồng (+0,87%) từ mức 34.600 đồng/CP lên 34.900 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu SZC
Chúng tôi kỳ vọng năm 2025 SZC sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu cho thuê đất KCN từ các hợp đồng đã ký và thu hút thêm khách hàng mới nhờ lợi thế vị trí, và giá thuê cạnh tranh. Dự án KDC Hữu Phước và nhà ở xã hội đưa vào kinh doanh cũng sẽ đóng góp vào KQKD năm tới. Agriseco Research khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu SZC với giá mục tiêu là 48.000 đ/cp (Upside 12% từ thị giá hiện tại).
Mặc dù diễn biến cổ phiếu SZC tuần qua vẫn trong trạng thái lình xình, nhưng thanh khoản sôi động hơn, đặc biệt trong phiên 4/2 đạt gần 2,5 triệu đơn vị khớp lệnh. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu SZC tăng nhẹ 500 đồng (+1,2%) từ mức 42.300 đồng/CP lên 42.800 đồng/CP.