Diễn biến cổ phiếu ngân hàng 29/1: CTG, MBB thay VCB 'kéo' thị trường
Đóng cửa phiên 29/1, chỉ số VN-Index tăng nhẹ so với tuần trước, chạm mốc 1.175 điểm. Thanh khoản thị trường khớp lênh 653,7 triệu cổ phiếu, tăng 14,7% so với phiên trước đó, tương đương giá trị giao dịch đạt 13.937 tỷ đồng.
Độ rộng sàn HoSE chủ yếu bao trùm bởi sắc đỏ, với 283 mã giảm giá (2 mã sàn), 187 mã tăng giá (6 mã trần) và 106 mã tham chiếu. Dòng tiền phân bổ 6.048 tỷ đồng vào sắc đỏ, vượt trội hơn con số 4.797 tỷ đồng ở sắc xanh và 688 tỷ đồng được chảy vào nhóm tham chiếu.
>> Cổ phiếu VN30 kéo VN-Index về tham chiếu, nhóm thép bị chốt lời T+
Lực bán mạnh là tín hiệu của khối ngoại trong phiên ngày hôm nay, với 6,7 triệu cổ phiếu bán ròng, tương đương giá trị bán ròng đạt 252,7 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại tập trung bán mạnh cổ phiếu PC1, với giá trị bán ròng hơn 142 tỷ đồng.
Ngược với khối ngoại, nhóm tự doanh mua ròng phiên đầu tiên sau 3 phiên bán ròng, với tổng giá trị mua ròng đạt 546,3 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại tập trung mua nhóm chứng khoán, ngân hàng và bất động sản.
Chỉ số VN-Index phiên 29/1 |
Về thanh khoản giữa các nhóm ngành, sau phiên 26/1 nhường "ngôi vương" cho nhóm ngành bất động sản, trong phiên 29/1, nhóm ngành ngân hàng quay lại ở vị trí dẫn đầu, hút 2.445 tỷ đồng. Nhìn chung, thanh khoản ngành ngân hàng tăng nhẹ 4% so với con số 2.351 tỷ đồng của phiên trước đó.
Ảnh hưởng tích cực đến chỉ số VN-Index có sự đóng góp của CTG (đóng góp tăng 0,26 điểm) và MBB (đóng góp tăng 0,19 điểm). Trong đó, bất ngờ nằm ở MBB, khi MBB không phải cái tên quá quen mặt trong nhóm các cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến thị trường.
Ở chiều ngược lại, "ông lớn" VCB đã có 1 phiên bão tố, khiến VN-Index giảm 1,10 điểm. Bên cạnh đó, BID (đóng góp giảm 0,35 điểm), ACB (đóng góp giảm 0,33 điểm), TCB (đóng góp giảm 0,13 điểm) cùng VCB kéo VN-Index giảm gần 2 điểm.
Nhóm ngành ngân hàng giữ "ngôi vương" hút tiền nhất trong phiên |
Độ rộng ngành ngân hàng có 15 mã giảm, 7 mã tăng và 5 mã tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông, với mức tăng 1,03% so với phiên tuần trước, đóng cửa với mức giá 14.750 đồng/cp. Khối lượng giao dịch cổ phiếu OCB khớp lệnh 2 triệu cổ phiếu, tăng 20% so với phiên 26/1.
Về mặt kỹ thuật, OCB kết phiên 29/1 bằng cây nến Doji chuồn chuồn, thông thường, mẫu nến này xuất hiện ở đáy của một xu hướng giảm giá.
OCB kết phiên 29/1 bằng mẫu nến Doji chuồn chuồn |
Theo sau OCB, các cổ phiếu tăng giá đáng chú ý trong phiên là LPB (+0,86%), MBB (+0,68%), NAB (+0,65%) và CTG (+0,62%). Cổ phiếu LPB cũng có phiên giao dịch đáng chú ý khi khối lượng giao dịch đạt 9,87 triệu cổ phiếu, gấp 3,6 lần so với con số 2,12 cổ phiếu khớp lệnh trong phiên trước đó. Giá trị giao dịch đạt 175,5 tỷ đồng, gấp 3,86 lần so với phiên 26/1.
Diễn biến giá cổ phiếu LPB |
Mới đây, LPBank công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với lợi nhuận vượt 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước, tiếp tục nằm trong top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 19,16%. So với kế hoạch kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông giao phó, LPBank xuất sắc hoàn thành 117%.
>> LPBank dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên vào tháng 4
Ở chiều giảm giá, các cổ phiếu ngân hàng không giữ được sắc xanh bao gồm: BVB (-1,82%), EIB (-1,54%), ACB (-1,33%) và ABB (-1,22%).
Về giao dịch khối ngoại, cổ phiếu được "gom mạnh" gọi tên STB (mua ròng 58 tỷ đồng), CTG (mua ròng 31 tỷ đồng), EIB (mua ròng 29 tỷ đồng), VPB (mua ròng 22 tỷ đồng). Trong đó, cổ phiếu VPB được khối ngoại mua ròng hơn 10 phiên liên tiếp, tuy vậy giá trị mua ròng giảm 42% so với phiên tuần trước.
>> 4 mã cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng đến 32%
Xem thêm tại nguoiquansat.vn