Diễn biến tích cực của cổ phiếu các doanh nghiệp cơ cấu tài sản dịp cuối năm
Kết phiên giao dịch đầu năm 2024, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có diễn biến tăng tích cực sau các phiên điều chỉnh trước đó. Cụ thể, sau giao dịch "chập chùng" quanh mức 13.400 đồng/cp và chỉ tăng nhẹ 1,5%; HAG đã có mức tăng gấp đôi, lên 3% sau khớp lệnh ATC hơn 2,2 triệu cổ phiếu. Chốt phiên ngày 02/01, HAG đạt mức 13.600 đồng/cp.
Trước đó, nhịp tăng hơn 70% giá trị từ đầu tháng 11 đã kéo cổ phiếu nhà Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức lên 14.000 đồng/cp (mức đỉnh 2 năm). Tuy nhiên, với việc hình thành mô hình 2 đỉnh và trạng thái rung lắc một tuần trở lại đây, cổ phiếu HAG đã bắt đầu bước vào nhịp phân phối đỉnh.
>> Tăng mạnh 4 phiên, bầu Đức nói 'Ai còn giữ cổ phiếu HAG thì nên cảm ơn tôi'
Diễn biến giá cổ phiếu HAG |
Ngày 26/12, HAGL đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 99% vốn điều lệ tại CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược – Hoàng Anh Gia Lai. Mục đích thoái vốn là để lấy tiền trả nợ gốc trái phiếu 2016. Công ty chưa công bố giá chuyển nhượng và đối tượng chuyển nhượng.
Sau đó vài ngày, HĐQT tiếp tục công bố nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai. Tính tới hết quý II, HAGL sở hữu 44,5% vốn của Bapi Hoàng Anh Gia Lai và tỷ lệ biểu quyết là 34%. Giá trị đầu tư gần 17 tỷ đồng.
Việc thoái vốn các khoản đầu tư được HAGL cho biết nhằm mục đích thu tiền trả nợ ngân hàng và trái phiếu. Liên quan tới lô trái phiếu có mã HAGLBOND16.26, HAGL thông tin ngày thanh toán lãi phát sinh là 30/12 và số tiền lãi phát sinh phải thanh toán là 112 tỷ và số tiền lãi chậm thanh toán luỹ kế tới 30/12 là 3.023 tỷ. Số tiền gốc chậm thanh toán lũy kế tới ngày 30/12 là 1.458 tỷ đồng.
HAGL thông tin thời gian thanh toán tiếp theo đã thỏa thuận với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu là quý I/2024. Doanh nghiệp cho biết lý do chậm thanh toán là chưa thu được nguồn tiền thanh toán từ khoản nợ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG), hiện đã thoả thuận lộ trình trả nợ ba bên và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty.
Phiên giao dịch ngày 2/1, cổ phiếu HNG tăng kịch biên độ, lên 5.020 đồng/cp. Đáng chú ý, trong 4 phiên giao dịch gần đây nhất có tới 3 phiên HNG tăng trần. Chỉ sau nửa tháng, HNG đã tăng gần 40%.
>> Động lực giúp cổ phiếu HNG tăng gần 40% bất chấp chia sẻ của bầu Đức 'HAGL Agrico chỉ còn xương thôi'
Một doanh nghiệp khác cũng có diễn biến giao dịch tích cực sau khi cơ cấu tài sản dịp cuối năm 2023 là CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF). Phiên giao dịch ngày 02/01, cổ phiếu TTF bật tăng trần lên 4.540 đồng/cp với thanh khoản đột biến gần 8 triệu cổ phiếu được sang tay. Đây là mức khớp lệnh lớn nhất của TTF kể từ ngày 18/8/2023.
Diễn biến giá cổ phiếu TTF |
Ngày 29/12, Gỗ Trường Thành đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Viestones và chính thức không còn sở hữu cổ phần tại đơn vị này.
Được biết, tại thời điểm 30/9/2023, Gỗ Trường Thành đang sở hữu 20% vốn tại Viestones và hạch toán là khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Trong đó, Công ty cổ phần Viestones có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đá xây dựng.
Một diễn biến đáng lưu ý khác, trước đó, TTF thông qua chủ trương nhận cấp tín dụng tại Ngân hàng SinoPac - Chi nhánh TP.HCM với hạn mức vay vốn tối đa 1,5 triệu USD để bổ sung vốn lưu động.
>> Triển vọng doanh nghiệp 'xông đất' sàn HoSE năm 2024
Xem thêm tại nguoiquansat.vn