Điện gió ngoài khơi: Động lực mới cho ngành dầu khí

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW 

Xu thế không thể đảo ngược

Trước những yêu cầu cấp bách về chống biến đổi khí hậu, thế giới đang ghi nhận sự dịch chuyển mạnh mẽ sang phát triển năng lượng tái tạo để thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch. Điện gió ngoài khơi cũng nổi lên như một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn nhất.

Các tập đoàn dầu khí lớn như Equinor, Shell, Repsol, Total, BP, Chevron, CNOC… đã và đang chi hàng chục tỷ USD vào chương trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó không ít dành cho điện gió ngoài khơi để giảm dần danh mục đầu tư các dự án năng lượng hóa thạch.

Chẳng hạn, Orsted (Đan Mạch) đã chuyển hoàn toàn sang các dự án năng lượng tái tạo, hiện đã lắp đặt khoảng 9.000 MW điện gió ngoài khơi và đặt mục tiêu đạt 50.000 MW công suất lắp đặt vào năm 2030. Equinor (Na Uy) cũng giảm dần tỷ trọng dầu khí và tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo, hiện có gần 12.000 MW điện gió ngoài khơi đang phát triển, trong đó một số dự án đã được đưa vào vận hành.

Tại Đông Nam Á, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) đã lập Công ty năng lượng tái tạo Gentari và mua 29,4% cổ phần Dự án Điện gió ngoài khơi Hải Long tại Đài Loan (Trung Quốc).

Việt Nam, với độ mở kinh tế, hội nhập toàn cầu cao, đã đặt các mục tiêu và xây dựng kế hoạch để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Theo đó, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW và quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Việc phát triển điện gió ngoài khơi cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển, cũng như phát triển hạ tầng công nghiệp năng lượng, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng ở Việt Nam.

Tạo không gian mới

Để có thể phát triển điện gió ngoài khơi với quy mô lớn, các tập đoàn dầu khí đa quốc gia đóng vai trò rất quan trọng. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ngành công nghiệp dầu khí, với kinh nghiệm triển khai các dự án ngoài khơi, sẽ góp phần chia sẻ chuỗi cung ứng và công nghệ. Sự tham gia của các tập đoàn dầu khí sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc biến điện gió ngoài khơi sớm trở thành một ngành công nghiệp lớn.

Petrovietnam đang nỗ lực phát huy tất cả các lợi thế sẵn có để tham gia chuỗi cung ứng và phát triển các Dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành sản xuất điện nhằm tạo tiền đề phát triển năng lượng hydro trong tương lai.

- TS. Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam

TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho hay, những kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai thác, thiết kế, thi công chế tạo các công trình biển, dịch vụ ngoài khơi, cơ sở vật chất, nguồn lực con người, những thông tin, hiểu biết về khí tượng, thủy văn, địa chất, hóa học biển… là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành dầu khí tham gia lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Việc này cũng góp phần tối ưu đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực quốc gia, gia tăng hiệu quả, giảm giá thành sản xuất.

Đồng quan điểm trên, TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho rằng, hiện có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đủ khả năng thực hiện thí điểm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực lớn, uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu khí ngoài khơi; có công nghệ, khả năng thu xếp vốn thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác.

Ngay từ năm 2019, các đơn vị của Petrovietnam như Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)... đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản bảo mật, hợp tác song phương, hợp đồng khảo sát/cung cấp dịch vụ với các chủ đầu tư điện gió ngoài khơi trên thế giới. Petrovietnam đã nhận được rất nhiều đề xuất từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Equinor, Orsted, CIP, Macquarie… để liên kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Petrovietnam cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Equinor và CIP (Đan Mạch) để nghiên cứu cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng sạch khác tại Việt Nam.

Trong 3 năm trở lại đây, PTSC đã nhanh chóng tham gia chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi. Đến nay, PTSC đã trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất phát điện 5,2 GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD, với việc cung cấp hầu hết các công đoạn dịch vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm công tác khảo sát, thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa. 100% là các dự án xuất khẩu, tạo việc làm trực tiếp cho hơn 4.000 người lao động.

Đặc biệt, PTSC đã và đang phối hợp với Tập đoàn Sembcorp (Singapore) triển khai các bước đầu tiên trong hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến 2,3 GW, xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế xuyên biển…

Dự án này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trao giấy phép chấp thuận cho PTSC thực hiện công tác quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển. Đồng thời, đối tác Sembcorp của PTSC đã được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao ý định thư chấp thuận dự án này.

Ngay sau khi các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép được tiến hành khảo sát, sử dụng khai thác vùng biển và xuất khẩu điện, PTSC sẽ sớm khởi động dự án để có thể có dòng điện thương mại trước năm 2035.

Để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho cuộc đua năng lượng tái tạo ngoài khơi, các đơn vị chủ lực của Petrovietnam về thiết kế, chế tạo, xây lắp và vận hành các công trình dầu khí biển như PTSC, Vietsovpetro, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PETROCONs) đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thành lập tổ hợp phát triển chuỗi giá trị năng lượng tái tạo; với năng lực, kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng sẵn có, tăng cường khả năng hợp tác, phát huy năng lực của nhau, phối hợp tìm kiếm cơ hội tham gia các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi trong và ngoài nước.

Xem thêm tại baodautu.vn