Điện tử Bình Hòa: Khó khăn đòi nợ từ đối tác, khách hàng
Mới đây, Công ty cổ phần Điện tử Bình Hòa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tại TP.HCM.
Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 68 tỷ đồng, tăng 3,34% so với kết quả thực hiện năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2,77 tỷ đồng, tăng 1,57% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Trong khi đó, kết quả kinh doanh năm 2022 của Điện tử Bình Hòa ghi nhận doanh thu đạt hơn 65,8 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2,727 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, Điện tử Bình Hòa lỗ lũy kế là 8,07 tỷ đồng. Do lỗ lũy kế nên Công ty không trích lập các quỹ, không chia cổ tức từ lợi nhuận sau thuế năm 2022 cho các cổ đông.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tiền nợ khó đòi từ các đối tác, khách hàng của Điện tử Bình Hòa là hơn 10 tỷ đồng. |
Nêu rõ trong báo cáo tài chính, Điện tử Bình Hòa cho biết hiện công nợ khó đòi còn tồn đọng rất nhiều nhưng việc thu hồi gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tiền nợ khó đòi từ các đối tác, khách hàng của Điện tử Bình Hòa là hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt là đối với các đối tác, khách hàng có cùng một chủ sở hữu/người đại diện theo pháp luật như: Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Ngân Long, Công ty TNHH thương mại Kiến Quang và Công ty cổ phần Viettronics Thủ Đức 1 với tổng công nợ hơn 8 tỷ đồng.
Hơn nữa, kể từ khoảng giữa năm 2019 đến nay, chủ sở hữu người đại diện theo pháp luật của các đối tác, khách hàng này đã cố tình trốn tránh, chuyển chỗ ở khác và không trả lời điện thoại, nhắn tin, email... nên Điện tử Bình Hòa không thể gặp trực tiếp. Mọi văn bản liên quan đến đối chiếu công nợ và thông báo đòi nợ... hiện đều phải thực hiện bằng cách gửi qua văn thư.
Năm 2023, Điện tử Bình Hòa tập trung đẩy mạnh các biện pháp giải quyết, dứt điểm các khoản nợ tồn đọng giảm thiểu tổn thất tài chính từ việc nợ đọng kéo dài. Tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan để hoàn thiện việc gia hạn hợp đồng thuê đất tại 204 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và tránh được các rủi ro tiềm ẩn do các thay đổi về chính sách quản lý và sử dụng đất của thành phố.
Đồng thời, nghiên cứu tận dụng triệt để các chính sách ưu đãi của Nhà nước cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phụ trợ để đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm có lợi thế nhằm thu hút thêm các đối tác lớn trong nước và xuất khẩu.
Xem thêm tại baodautu.vn