Điện tử và Tin học Việt Nam: Nhà thầu nghìn tỷ, lợi nhuận giảm sút

Theo giới thiệu trên website, Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam tiền thân là Phòng Nghiên cứu Ðiện tử thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim (nay là Bộ Công Thương), được thành lập tháng 10/1970.

Trải qua thời gian dài và phát triển, đến tháng 10/1995, Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam được thành lập theo mô hình Tổng công ty 90 trên cơ sở Liên hiệp Ðiện tử Tin học Việt Nam trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là: điện tử dân dụng, điện tử chuyên dụng và công nghệ thông tin.

Lúc này, công ty có 3 doanh nghiệp thành viên, doanh thu hàng năm khoảng 100 triệu USD, gia công xuất khẩu đạt khoảng 30 triệu USD/năm.

Giới thiệu về Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam trên website. Ảnh chụp màn hình

Vào ngày 1/3/2007, Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với mô hình mới. Phần vốn Nhà nước được giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý.

Ngày 25/08/2013, Đại hội cổ đông công ty đã thống nhất định hướng phát triển sản xuất kinh doanh theo các lĩnh vực, gồm: điện tử dân dụng; năng lượng và công nghiệp; cơ điện tòa nhà; điện tử Y tế; công nghệ thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo.

Tại thời điểm ngày 31/12/2024, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam gồm vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) góp hơn 385,29 tỷ đồng và hơn 52,7 tỷ đồng vốn góp của cổ đông khác.

Trúng thầu hàng nghìn tỷ ngành điện

Theo dữ liệu của VietnamFinance, Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (gọi tắt Điện tử và Tin học Việt Nam) tham gia mạng đấu thầu quốc gia từ tháng 7/2017, đến nay công ty đã tham gia và trúng tới 42 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu hơn 1.578,2 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 201,03 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh hơn 1.377,17 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là đa số các gói thầu của Điện tử và Tin học Việt Nam tham gia đấu và trúng thầu liên quan đến ngành điện. Đây là nhà thầu quen thuộc tại Ban QLDA các công trình điện miền Bắc, chi nhánh Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (trúng tới 5 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu hơn 190,23 tỷ đồng) và tại Ban QLDA các công trình điện miền Trung (trúng tới 5 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu hơn 283,27 tỷ đồng).

Thống kê sơ bộ các gói thầu Điện tử và Tin học Việt Nam tham gia đấu và trúng thầu

Đơn cử, gần đây nhất (ngày 6/3/2025), trong vai trò liên danh Điện tử và Tin học Việt Nam trúng Gói thầu 10MS-DZ500LC: Cung cấp vận chuyển cách điện và phụ kiện từ VT287 đến VT380 do Ban QLDA Điện 1, chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam là bên mời thầu, với giá trúng thầu hơn 76,81 tỷ đồng, giá dự toán gói thầu hơn 99,01 tỷ đồng.

Cũng trong vai trò liên danh, vào tháng 12/2024, Điện tử và Tin học Việt Nam cùng liên danh nhà thầu Công ty TNHH Kỹ thuật và công nghệ TATS trúng Gói thầu Sửa chữa thay thế ắc quy, tủ nạp các trạm: E8.11, E8.13,E8.14, E8.15, E8.16, E8.19 do Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương, chi nhánh Tổng công ty Điện lực Miền Bắc làm chủ đầu tư. Giá trúng thầu hơn 3,24 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 3,42 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 9/2024, cũng trong vai trò liên danh, Điện tử và Tin học Việt Nam cùng 3 nhà thầu khác trúng Gói thầu số 1 Cung cấp VTTB và thi công xây lắp toàn trạm (kể cả hệ thống PCCC và bảo hiểm công trình cho chủ đầu tư) do Tổng công ty Điện lực TP. HCM làm chủ đầu tư. Liên danh nhà thầu trúng thầu với giá trúng thầu hơn 121 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 121,74 tỷ đồng.

Hay vào tháng 8/2024, Điện tử và Tin học Việt Nam liên danh cùng CTCP Dây cáp điện Việt Nam trúng thầu Gói thầu số 11 Mua sắm dây dẫn. cáp quang và phụ kiện cho nhu cầu đầu tư xây dựng năm 2024 của Ban QLDA Lưới điện miền Nam, các tỉnh miền Đông Nam Bộ do Tổng công ty Điện lực Miền Nam TNHH làm chủ đầu tư. Giá trúng thầu hơn 76,67 tỷ đồng; giá dự toán gói thầu hơn 76,68 tỷ đồng.

Cùng với đó, vào ngày 1/8/2024, trong vai trò độc lập Điện tử và Tin học Việt Nam trúng Gói thầu Mua sắm tài sản cố định dùng cho chuyên môn của Viện Công nghệ năm 2024 do Viện Công nghệ làm chủ đầu tư. Nhà thầu trúng thầu với giá hơn 9,693 tỷ đồng, giá gói thầu hơn 9,695 tỷ đồng.

Doanh thu hàng trăm tỷ, lãi "cỏn con"

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Điện tử và Tin học Việt Nam công bố, trong năm 2023, 2024 công ty ghi nhận doanh thu đạt lần lượt là 422,86 tỷ đồng và 296,50 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tương ứng đạt lần lượt là 7,4 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí, kết thúc năm 2024 Điện tử và Tin học Việt Nam báo lãi sau thuế hơn 332,85 triệu đồng. Trong khi năm 2023 báo lãi sau thuế hơn 3,55 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Điện tử và Tin học Việt Nam năm 2024

Tổng cộng tài sản của công ty đến cuối năm 2024 là hơn 746,08 tỷ đồng, giảm 98,86 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu hơn 550,71 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2024, nợ phải trả của công ty là hơn 195,36 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nợ ngắn hạn (hơn 113,76 tỷ đồng). Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 3,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Điện tử và Tin học Việt Nam hiện ghi nhận gần 2,5 tỷ đồng tiền Thuế và các khoản phải nộp nhà nước và hơn 9,6 tỷ đồng Phải trả người lao động.

Kiểm toán viên nói gì về BCTC của Điện tử và Tin học Việt Nam?

Đáng chú ý, báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của Điện tử và Tin học Việt Nam còn nhận hàng loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên.

Cụ thể, kiểm toán viên cho biết chưa thể ước tính được số dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần phải trích lập (nếu có) liên quan tới dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, số tiền gần 2,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại ngày 31/12/2024, Tổng công ty và các Công ty con chưa đánh giá giá trị cần trích lập dự phòng của các khoản phải thu quá hạn thanh toán, phải thu khó đòi với tổng số tiền khoảng 63,6 tỷ đồng. Trong đó, tại Tổng công ty là 43,6 tỷ đồng; CTCP Công trình Viettronics là 2,2 tỷ đồng; tại CTCP Công trình Viettronics Công nghiệp là 4,5 tỷ đồng và CTCP Công trình Viettronics Thủ Đức là 13,3 tỷ đồng.Ngoài ra, kiểm toán viên cũng đề cập đến báo cáo tài chính công ty liên kết là CTCP Máy tính Việt Nam cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2024 chưa được kiểm toán.

Đặc biệt, kiểm toán viên cũng có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán của Công ty con là CTCP Viettronics Thủ Đức. Cụ thể, tại ngày 31/12/2024, công ty tồn kho một số mặt hàng lỗi thời và chậm luân chuyển với tổng giá trị hơn 18,63 tỷ đồng. Đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán không thu thập được bằng chứng cần thiết liên quan tới việc Ban TGĐ về việc sẽ không có sự sụt giảm giá của mặt hàng trên, cũng như giá trị thuần có thể thực hiện được.

Ngoài ra, công ty chưa thực hiện trích khấu hao của những tài sản ngừng hoạt động đến ngày 31/12/2024 với tổng số tiền gần 4,58 tỷ đồng.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn