Điều gì đang diễn ra khi các ETF đột ngột dừng rút ròng, quay xe hút tiền?
Bất chấp tâm lý giới đầu tư trong nước trở nên tiêu cực, tín hiệu khả quan đang xuất hiện ở nhóm nhà đầu tư nước ngoài và các ETF. Nếu như trong những tuần trước đó, nhóm ETF rút ròng hàng nghìn tỷ đồng thì bất ngờ trong tuần vừa qua các ETF ghi nhận đảo chiều vào ròng. Trong khi đó, khối ngoại cũng giảm bán ròng, chỉ còn bán nhỏ giọt với số phiên mua ròng áp đảo phiên bán.
ETF ĐỘT NGỘT ĐẢO CHIỀU VÀO RÒNG
Trong tuần từ 15/7 - 19/7/2024, giá trị rút ròng ở các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam giảm mạnh chỉ còn 62 tỷ đồng, trong khi giá trị rút ròng tuần liền kề trước đó lên tới 1.004 tỷ đồng.
Trong đó, các quỹ ETF ngoại tiếp tục bị rút ròng hơn 177 tỷ đồng, con số này giảm đáng kể so với tuần trước đó rút ròng 808 tỷ đồng. Đây là tuần thứ 14 liên tiếp dòng tiền ở trạng thái âm với tổng giá trị lũy kế đạt hơn 4,4 nghìn tỷ đồng. Đóng góp chủ yếu ở quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF (-82,8 tỷ đồng). Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF và quỹ KIM ACE Vietnam VN30 ETF cũng lần lượt bị rút ròng hơn 80 tỷ đồng và 23 tỷ đồng.
Ngược lại, quỹ Global X MSCI Vietnam ETF lại hút ròng hơn 6 tỷ đồng. Giá trị rút ròng ở quỹ iShares MSCI Frontier and Select ETF đạt hơn 176 tỷ đồng trong tuần 15/7 - 19/7. Tính riêng trên thị trường Việt Nam, quỹ này ghi nhận rút ròng hơn 300 triệu đồng. Hiện tại, quỹ đến từ Mỹ này chưa công bố danh mục mới nhất ngày 19/7.
Các quỹ ETF trong nước đổi chiều vào ròng hơn 115 tỷ đồng trong khi tuần trước vẫn còn rút ròng 195 tỷ đồng. Đóng góp chủ yếu đến từ 2 quỹ VFM VNDiamond ETF và VFM VN30 ETF với giá trị vào ròng đồng thời đạt hơn 72 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF lại bị rút ròng hơn 29 tỷ đồng. Các quỹ ETF nội khác không có biến động về dòng tiền.
Bên cạnh đó, có sự đối lập trong diễn biến dòng vốn của nhà đầu tư Thái Lan thông qua hình thức DRs ở 2 quỹ VFM VNDiamond ETF và VFM VN30 ETF. Trong ngày 19/7, các NĐT bán ròng 200 nghìn chứng chỉ lưu ký (DR) ở quỹ VFM VN30 ETF, tương ứng 5 tỷ đồng. Ngược lại, đối với quỹ VFM VNDiamond ETF, các NĐT lại mua ròng 500 nghìn chứng chỉ lưu ký, tương ứng 18,2 tỷ đồng.
Bước sang tuần này, dòng vốn ETF tiếp tục cho thấy triển vọng khả quan hơn. Trong phiên giao dịch đầu tuần 22/7, giá trị vào ròng ở các quỹ ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam đạt hơn 9 tỷ đồng.
Cụ thể, các quỹ ETF ngoại đổi chiều vào ròng nhẹ hơn 10 tỷ đồng sau 14 phiên liên tiếp dòng tiền ở trạng thái âm với tổng giá trị lũy kế đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng. Đóng góp chủ yếu ở quỹ KIM ACE Vietnam VN30 ETF (+21,1 tỷ đồng). Ngược lại, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF lại bị rút ròng gần 14 tỷ đồng.
Các quỹ ETF trong nước bị rút ròng không đáng kể hơn 600 triệu đồng. Đóng góp chủ yếu đến từ quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF với giá trị rút ròng đạt hơn 21 tỷ đồng. Ngược lại, 2 quỹ VFM VNDiamond ETF và quỹ Vina Capital VN100 ETF lại hút ròng lần lượt hơn 13 tỷ đồng và hơn 17 tỷ đồng. Các quỹ ETF nội khác không có biến động về dòng tiền.
Trong ngày 23/7/2024, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đổi chiều vào ròng nhẹ gần 5 tỷ đồng và không có động thái mua/bán ròng các cổ phiếu. Ngoài ra, quỹ VFM VNDiamond ETF tiếp tục vào ròng gần 42 tỷ đồng, lũy kế 3 phiên liên tiếp vào ròng với hơn 127 tỷ đồng. Quỹ VFM VN30 ETF lại bị rút ròng không đáng kể hơn 2 tỷ đồng.
Với riêng khối ngoại, theo số liệu tính toán, tuần qua khối ngoại chỉ còn bán ròng bình quân 150 tỷ/phiên, giảm 70% so với tuần đầu tiên của tháng 7 (460 tỷ/phiên) và giảm 84% so với tuần cuối cùng của tháng 6 (908 tỷ/phiên).
Trong 6 phiên gần đây, khối ngoại quay trở lại mua ròng gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó, phiên 17/7 mua ròng 524 tỷ đồng; phiên 18/7 mua ròng 927 tỷ và phiên giao dịch 22/7 mua ròng 409 tỷ. Các cổ phiếu được mua ròng chủ yếu trong nhóm ngân hàng, bán lẻ sau nhiều ngày bán liên tiếp. Riêng tuần qua, top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: MWG, FUEVFVND, NLG, CTG, PC1, HVN, VCB, STB, HPG, PLX.
ĐÂU LÀ LÍ DO?
Một trong những lí do đặc biệt khác khiến thị trường kỳ vọng khối ngoại đảo chiều quay lại mua ròng mạnh chứng khoán Việt Nam là thông tin Tổng thống Mỹ Biden rút lui trong cuộc bầu cử sắp tới.
Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán lâu năm, trong trường hợp ông Trump lên, sẽ có hai vấn đề cần chú ý. Thứ nhất là chính sách tiền tệ, thứ hai là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Đối với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khi căng thẳng thương mại leo thang bắt buộc làn sóng FDI dịch chuyển nhanh hơn, thậm chí mạnh hơn và đây là một lợi thế cho Việt Nam. Tất nhiên làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, đi về đâu thì chưa biết vì còn phụ thuộc vào lợi thế của mỗi quốc gia và nhưng trong làn sóng đó Việt Nam cũng hưởng lợi.
Chưa kể, ông Trump lên giới đầu tư kỳ vọng giải quyết được câu chuyện căng thẳng địa chính trị khu vực Trung Đông, chấm dứt nhanh chóng thay vì mất thời gian như trước đây, ảnh hưởng lên chứng khoán toàn cầu.
Cuối cùng, quy định Prefunding cũng sẽ là cú hích cho khối ngoại quay trở lại mua ròng trong quý 3. Nếu như trước đây, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn mua cổ phiếu bắt buộc phải có tiền, đây là một hạn chế lớn, thì bây giờ không nhất thiết phải có 100% tiền mang lại cơ hội xoay vòng tiền liên tục cho họ. Từ đó, đẩy mạnh giải ngân mua cổ phiếu.
Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải cho biết đến thời điểm hiện tại, giải pháp để vượt qua nút thắt lớn nhất là câu chuyện về Prefunding (ký quỹ trước khi giao dịch) đã được Bộ Tài chính thực hiện thông qua hoàn thành dự thảo bằng việc sửa 4 Thông tư.
Theo đó, dự thảo của thông tư này đang được lấy ý kiến của toàn bộ thành viên thị trường, các đối tượng chịu tác động, thậm chí là cả World bank, các nhà đầu tư nước ngoài… đăng trên website của Uỷ ban Chứng khoán, Bộ Tài chính.
"Trong quá trình tiến hành các giải pháp, Uỷ ban Chứng khoán luôn trao đổi trực tiếp với nhà đầu tư và tổ chức quốc tế. Đến thời điểm hiện tại đã nhận được đánh giá tích cực của các nhà đầu tư có tham gia vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Phần lớn các giải pháp lớn đều đã nhận được sự đồng thuận. Còn những vấn đề đang được trao đổi hầu như liên quan đến tính kỹ thuật, liên quan đến mối quan hệ giữa nhà đầu tư, công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký", ông Hải nói.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán cũng kỳ vọng trong kỳ review tháng 9 tới sẽ có kết quả tích cực.
Bà Lê thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán SSI dự đoán, nếu mọi chuyện suôn sẻ thì Việt Nam sẽ được nâng hạng vào khoảng tháng 9/2025 và sớm nhất được vào trong rổ mới vào tháng 3/2026. Thị trường sẽ sôi động nửa cuối 2025, Vn-Index dự kiến sẽ hút trở lại 2 tỷ USD đã bị bán ra trong nửa đầu năm 2024.
Xem thêm tại vneconomy.vn