Điều gì khiến cổ phiếu bất động sản "dậy sóng" trong ngày giao dịch kỷ lục của thị trường?
Trong phiên, có thời điểm thị trường lao dốc mạnh tới hơn 41 điểm, xuống 1.220 điểm, với gần 800 mã cổ phiếu giảm mạnh.
Đến khi kết thúc phiên giao dịch ngày 18-3, lực cầu bắt đáy giúp VN-Index thu hẹp đà giảm còn 1.243,56 điểm (-20,22 điểm); HNX giảm 2,86 điểm còn 236,68 điểm trong khi Upcom giảm 1,03 điểm còn 90,32 điểm.
Thị trường đỏ rực với thanh khoản kỷ lục gần 48.000 tỉ đồng, riêng sàn HOSE giá trị giao dịch lên mức kỷ lục hơn 43.000 tỉ đồng và hơn 1,7 tỉ cổ phiếu được sang tay.
Đáng chú ý, bất chấp thị trường chao đảo với hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh, cổ phiếu dòng bất động sản vẫn "sáng rực" với nhiều cổ phiếu tăng trần như VRE, DPG, DIG, TCH; một số cổ phiếu khác tăng mạnh như SCR, HQC, VIC, DXG…
Nhiều dòng cổ phiếu khác như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, thép, cảng biển… bị chốt lời sau giai đoạn tăng mạnh.
Yếu tố nào giúp cổ phiếu bất động sản "dậy sóng" trong ngày thị trường chao đảo? Ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng kết quả kinh doanh quý I/2024 của doanh nghiệp bất động sản được kỳ vọng phục hồi mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Quý II sắp tới dự kiến sẽ là vào mùa mở bán các dự án với số lượng được kỳ vọng khả quan cho năm nay, cải thiện so với bức tranh kém sáng của những năm trước. Nếu nhìn trong bối cảnh thị trường chung, nhóm cổ phiếu bất động sản chưa tăng nhiều so với VN-Index thời gian qua.
Theo các chuyên gia, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang có sự luân chuyển giữa các nhóm ngành, trong đó nhóm ngành tiếp theo có thể là bất động sản vì cổ phiếu chưa tăng nhiều. Ông Võ Kim Phụng - Phó phòng phân tích, Công ty chứng khoán BETA, nhận định gần đây liên tục các cuộc họp của cơ quan quản lý về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tác động tích cực tới thị trường. Đồng thời, dòng tiền luân chuyển từ việc chốt lời các nhóm cổ phiếu tăng mạnh sang những nhóm chưa tăng nhiều, nhất là bất động sản.
"Dù ngành bất động sản dân cư chưa tích cực nhưng có thể cổ phiếu "chạy" trước theo kỳ vọng, nhất là những cổ phiếu của doanh nghiệp có nên tảng tốt" - ông Phụng nói.
Nhìn về thị trường chung, chuyên gia của BETA cho rằng trong những phiên giao dịch gần đây, các chỉ báo kỹ thuật chưa thật sự mang lại tín hiệu tích cực cho thấy rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu. Tuy nhiên mức độ phân hóa đang khá cao khi dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm ngành. Trong ngắn hạn, rủi ro mô hình 2 đỉnh vẫn hiện hữu khi VN-Index vẫn đang gặp khó khi tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.280 -1.300 điểm.
Rủi ro sẽ tăng lên nếu dòng tiền trở nên thận trọng khi tỉ giá tăng nhanh, động thái hút tiền qua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, tuần qua cơ quan này đã hút gần 75.000 tỉ đồng. Quy mô và thời gian hút ròng không được nhà điều hành công bố, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng mức độ tác động đến thị trường sẽ không mạnh như hồi tháng 10 và 11-2023…
Xem thêm tại cafef.vn