Điều kiện đặc biệt để hưởng lãi suất tiết kiệm 9%/năm
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng, cao nhất tới 9%/năm
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục từ đầu năm 2025. Tính từ đầu tháng 1/2025 đến nay, đã có 8 ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động. Trong đó, có 6 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: Agribank, Bac A Bank, NCB, MBV, ABBank, Eximbank, KienlongBank và VietBank.
Tuy nhiên, NCB, Agribank, ABBank, Eximbank cũng đồng thời giảm lãi suất huy động. Cùng giảm lãi suất tiết kiệm còn có SeABank, Nam A Bank và Techcombank.
Theo biểu lãi suất niêm yết công khai, có ít nhất 15 ngân hàng thương mại đưa ra lãi suất huy động mức 6% hoặc trên 6%/năm cho các kỳ hạn tiền gửi dài và không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu.
Mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn dài, từ 18-36 tháng.
Tính đến ngày 13/1, lãi suất huy động cao nhất thị trường theo niêm yết công khai là 6,8%/năm được Eximbank áp dụng với lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 24-36 tháng.
Eximbank cũng đang dẫn đầu thị trường về lãi suất các kỳ hạn 15 và 18 tháng, lần lượt lên đến 6,5% và 6,6%/năm.
Hiện mức lãi suất trên 6%/năm cũng được nhiều ngân hàng niêm yết cho các kỳ hạn tiền gửi dài.
Chẳng hạn, BVBank đưa ra mức lãi suất 6%, kỳ hạn 12 tháng, 6,2% đối với kỳ hạn 15 tháng và 6,3% đối với kỳ hạn 18-24 tháng.
MSB công bố mức lãi suất 6,3%/năm áp dụng cho tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng và 24 tháng. Còn Bac A Bank áp dụng mức lãi suất 6,2%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng.
GPBank áp dụng mức lãi suất 6,05%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 6,15%/năm đối với các kỳ hạn từ 13-36 tháng.
OceanBank áp dụng lãi suất 6,1% cho kỳ hạn 24 tháng. KienlongBank áp dụng mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
SaigonBank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 13, 18 và 24 tháng, mức 6,1% cho kỳ hạn 36 tháng. CB áp dụng mức lãi suất 6% cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên...
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng niêm yết tiết kiệm ở mức cao, từ 7-9%. Nhưng để được nhận mức lãi suất này, khách hàng cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt.
PVcomBank hiện dẫn đầu về lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với 9% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Mức này giảm 0,5 điểm % so với tháng 12/2024. Nhưng để được trả mức lãi suất này, khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Theo sau là HDBank khi đưa ra mức lãi suất đặc biệt tới 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. HDBank cũng đang áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.
Vị trí tiếp theo là MSB khi áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Dong A Bank đưa ra mức lãi suất tiền gửi 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên. Nhà băng này cũng áp dụng lãi suất 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng.
Lãi suất được điều tiết bởi cung - cầu
Thực tế, nhiều ngân hàng trả các mức lãi suất huy động không đúng với lãi suất đã niêm yết, trả lãi suất khác nhau giữa các khách hàng, thậm chí cùng một ngân hàng nhưng lãi suất huy động tại mỗi chi nhánh lại khác nhau.
Về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho biết, NHNN chỉ quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn (0,5%/năm) và tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng (4,75%/năm). Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng được hình thành trên cơ sở cung - cầu vốn của thị trường, do tổ chức tín dụng và khách hàng tự thoả thuận.
Các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động được điều tiết bởi cung - cầu trên thị trường tài chính, thậm chí là sự cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau.
Nhìn nhận về diễn biến lãi suất năm 2025, các chuyên gia cho rằng, khả năng tăng lãi suất huy động trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nới lỏng là không cao.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của NHNN cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VCBS cũng nhận định, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại theo hướng hỗ trợ nền kinh tế. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, xu hướng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ để tăng cường huy động vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt đối với những ngân hàng có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng lớn.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn